.

Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ địa phương

.

Việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trên địa bàn Đà Nẵng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, tạo lập và khai thác quyền SHTT tại địa phương; đồng thời, góp phần gìn giữ và phát triển các nghề, các sản phẩm và giá trị văn hóa truyền thống của thành phố.

Nhóm tác giả bên sản phẩm Nôi TOB đa năng.
Nhóm tác giả bên sản phẩm Nôi TOB đa năng.

Nhiều sản phẩm được hỗ trợ

Một trong những dự án được hỗ trợ thủ tục để bảo hộ quyền SHTT là dự án Nôi TOB đa năng - dự án khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đặng Hòa Gia Huy, Phùng Khắc Liêm, Phan Nhựt Tiên và Ngô Minh Hòa. Hiện nay, dự án được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ đăng ký xác lập quyền SHTT đối với nhãn hiệu “TOB Nôi đa năng”, kiểu dáng công nghiệp “Xe nôi”, “Xe đẩy” và “Xe tập đi”, sáng chế “Phương pháp điều khiển cơ cấu trượt tự động gắn trên xe nôi thông qua việc tương tác với điện thoại thông minh”.

Gia Huy cho biết, sản phẩm Nôi TOB đa năng được thiết kế trên cơ sở tích hợp các tính năng của xe nôi, xe đẩy, xe tập đi cho trẻ em trên cùng một sản phẩm và ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo sự thân thiện với người tiêu dùng, tiết kiệm không gian sinh hoạt và giảm đến 30% chi phí so với việc mua các sản phẩm riêng rẽ trên thị trường. Với ý tưởng tạo ra một sản phẩm xe nôi đa năng dành cho trẻ từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi, nhóm tác giả đã thiết kế một chân khung đỡ có khả năng di chuyển linh động với bánh xe xoay 360 độ và các bộ phận tách rời gồm nôi nằm, nôi ngồi và máng tập đi trẻ em. Tùy vào nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, các bộ phận này sẽ được lắp ráp với khung xe để tạo thành xe nôi, xe đẩy hay xe tập đi cho trẻ em. Điểm đặc biệt của Nôi TOB đa năng là tính năng ru ngủ tự động và báo động vệ sinh. Tất cả các tính năng này đều được điều khiển thông qua điện thoại thông minh, hạn chế sự tương tác giữa người lớn và nôi, giúp tiết kiệm thời gian và sức lao động.

Ngoài dự án Nôi TOB đa năng, Sở KH&CN còn hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho “Hợp tác xã (HTX) Nấm Nhơn Phước” (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Anh Nguyễn Văn Nhi, Chủ nhiệm HTX Nấm Nhơn Phước cho biết, Sở KH&CN hỗ trợ HTX trong việc đăng ký nhãn hiệu tập thể, Cục SHTT đang hoàn thiện việc cấp bằng SHTT cho HTX. Anh Nhi trồng nấm từ năm 2014, qua triển khai sản xuất, đến nay, nông dân đã nắm vững quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất và ổn định cuộc sống, thị trường nấm nhờ vậy cũng ổn định hơn trước.

Ngoài việc hỗ trợ 2 dự án Nôi TOB và nấm, Sở KH&CN còn hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể “Giá đỗ Nghi An” cho sản phẩm giá đỗ của HTX Giá đỗ Nghi An (quận Cẩm Lệ), hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Nấm linh chi Đà Nẵng” dùng cho sản phẩm và dịch vụ liên quan đến nấm linh chi được trồng tại thành phố Đà Nẵng.

Đẩy mạnh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Bảo vệ quyền SHTT là việc chủ sở hữu quyền SHTT hoặc các cơ quan có thẩm quyền sử dụng các biện pháp cần thiết mà pháp luật cho phép để bảo đảm quyền được thực thi trên thực tế. Tuy nhiên, để các quyền SHTT được bảo đảm thực thi hiệu quả, trước hết chủ thể quyền phải tiến hành các thủ tục đăng ký xác lập quyền để các quyền đó được bảo hộ hợp pháp. Dưới góc độ của chủ thể quyền, việc đăng ký xác lập quyền và áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền SHTT sẽ bảo đảm xử lý, ngăn chặn và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền. Dưới góc độ xã hội, việc bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT sẽ có tác dụng kích thích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sáng tạo, tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn và lành mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục SHTT, Bộ KH&CN nhấn mạnh: Việc đăng ký xác lập quyền SHTT, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được Nhà nước bảo vệ quyền lợi, độc quyền đối với các sản phẩm trí tuệ do chính tổ chức, doanh nghiệp đó tạo ra như sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu... Ngoài ra, tổ chức, doanh nghiệp còn có thể phòng tránh được các tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, việc đăng ký xác lập quyền SHTT rất cần thiết.

Tại Đà Nẵng, thời gian qua, Sở KH&CN đã tích cực triển khai các hoạt động tăng cường quản lý hoạt động SHTT trên địa bàn, từ việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về SHTT đến việc tổ chức các lớp tập huấn. Hiện Sở KH&CN đã hỗ trợ 4 tập thể đăng ký bảo hộ 8 đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, gồm 1 sáng chế, 3 kiểu dáng công nghiệp, 3 nhãn hiệu tập thể và 1 nhãn hiệu chứng nhận.

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN nhìn nhận, việc hỗ trợ này góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, tạo lập và khai thác quyền sở hữu trí tuệ tại địa phương, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể trong quá trình thương mại hóa tài sản trí tuệ. Có thể nói, việc tham gia đăng ký xác lập quyền SHTT là yếu tố sống còn của các tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tăng cường nhận thức khi tiến hành đăng ký xác lập quyền để bảo hộ các quyền SHTT của mình. Đồng thời, Sở KH&CN cần có những giải pháp để tạo sự minh bạch, thuận tiện cho việc nghiên cứu, tìm hiểu và thực thi quyền SHTT.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.