.

Lưu luyến Đà Nẵng...

.

Với Salid Ahmed, VĐV bóng rổ đến từ Bangladesh, Đà Nẵng đã trở thành một kỷ niệm không thể nào quên với anh, sau những ngày lưu lại thành phố bên sông Hàn để tham gia thi đấu Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5). Chàng trai này không ngớt lời ca ngợi sự yên bình, thơ mộng của một thành phố nằm bên biển và sông.

Đã vậy, món ăn không chỉ phong phú mà còn rất ngon. Quan trọng hơn, theo Salid Ahmed, các cô gái Đà Nẵng vừa xinh đẹp, lại dịu dàng, rất đáng yêu. Có thể, anh đã để lại một phần tình yêu của mình ở lại Đà Nẵng bởi nơi đây, có quá nhiều sức quyến rũ với anh. Và nếu được, có lẽ Salid Ahmed sẽ thốt lên đầy tiếc nuối, như Phó Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á (OCA) Timothy Fox bày tỏ: “Thật khó tin khi ABG 5 đã kết thúc!”.

Anh Thailand Khamthong (người đội nón lá) rất ấn tượng về con người và thành phố Đà Nẵng.
Anh Thailand Khamthong (người đội nón lá) rất ấn tượng về con người và thành phố Đà Nẵng.

Chỉ hơn mười ngày, song với gần 7 nghìn quan chức, cán bộ kỹ thuật và đội ngũ HLV cũng như lực lượng VĐV của các đoàn thể thao, Đà Nẵng đã thực sự thân quen khi tất cả đều có được cảm giác “ở nhà”.

Đi đâu, đến đâu, họ đều nhận biết được sự thân thiện, mến khách của người Đà Nẵng qua những ánh mắt, những nụ cười. Chính điều đó đã mang lại cho họ một sự ấm áp và hơn thế nữa, hầu như tất cả đều muốn quay lại nơi đây lần nữa khi có thể. Anh Nirut Bunmark (Thái Lan), đại diện nhà tài trợ chính ABG 5, không giấu được cảm xúc: “Đến Đà Nẵng, tôi vẫn có cảm giác như ở nhà. Không chỉ đón nhận sự thân thiết, nhiệt tình của những nhân viên lẫn chủ khách sạn nơi tôi ở khi hầu hết, mọi nhu cầu của tôi đều được đáp ứng mà ngay cả khi đi trên đường phố, khi đến những điểm thi đấu, tôi cũng nhận được những tình cảm tương tự.

Tôi thực sự yêu vùng đất, con người Đà Nẵng...”. Hay với anh Thailand Khamthong, một cổ động viên hết sức đặc biệt đến từ Thái Lan, từng đi nhiều nơi trên thế giới trong suốt 20 năm qua để cổ vũ cho các tuyển thủ Thái Lan trong tất cả các bộ môn, cũng không ngần ngại dành cho thành phố đăng cai ABG 5 những lời khen tặng: “Đà Nẵng đã làm quá tốt vai trò thành phố đăng cai. Không những thế, vùng đất và con người nơi đây gần gũi, dễ mến. Tôi cũng đặc biệt ấn tượng với các bãi biển của Đà Nẵng bởi vẻ đẹp tuyệt vời của nó”.

Có lẽ, Thailand Khamthong cảm nhận rõ nét nhất con người Đà Nẵng khi ở trận bóng đá Việt Nam - Thái Lan (vòng đấu bảng), anh cũng là một trong số hàng nghìn cổ động viên đến cổ vũ cho đội bóng của mình. Vì đến trễ, anh không thể vào khu vực khán đài dành cho cổ động viên Thái Lan do ban tổ chức bố trí nên cùng với những người bạn Thái Lan khác, anh ngồi giữa các cổ động viên Việt Nam.

Sự nhiệt tình cổ vũ của anh và các bạn, không hề khiến mọi người chung quanh... khó chịu mà trái lại, khả năng khuấy động của anh càng tạo thêm sự sôi nổi trên khán đài, tạo được cảm hứng cho cả các cổ động viên Việt Nam! Và sau trận đấu, Khamthong đã được không ít khán giả Việt Nam vây quanh xin chụp ảnh chung.

Hay khi chứng kiến niềm đam mê và sự cuồng nhiệt của người dân Đà Nẵng với các trận đấu Muaythai, bà Kobkarn Wattanavrangkul bày tỏ: “Tôi rất vui khi nhìn thấy tinh thần cổ động viên tại đây, bởi họ không có tư tưởng cay cú ăn thua hay cổ vũ thiên lệch. Ở cổ động viên Đà Nẵng, tôi thấy được một tình yêu mãnh liệt với thể thao”.

Trong những ngày ở Đà Nẵng, ông Sawar Khan Hotak - khách mời đặc biệt của Ủy ban Olympic Afghanistan - thừa nhận, Đà Nẵng đã để lại trong ông những cảm xúc đặc biệt với cảnh quan đẹp, cơ sở vật chất khá tốt và nhất là người Đà Nẵng luôn thân thiện, mến khách và nhiệt tình.

Dù không thể giữ chân ông Sawar Khan Hotak hay VĐV bóng rổ Salid Ahmed lẫn Khamthong nhưng chắc chắn, như ông Sawar Khan Hotak khẳng định: “Tôi nghĩ rằng, mình sẽ quay lại nơi đây nếu có điều kiện”. Bởi với tất cả, Đà Nẵng là một điểm đến an toàn, thân thiện và điều đó, không chỉ là lý thuyết...

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.