.

Nghe "Tiến quân ca" ở Olympic Rio 2016

.

Năm 2016, có lẽ sự kiện thể thao đáng nhớ nhất trong mỗi người Việt Nam chúng ta là sự kiện VĐV Hoàng Xuân Vinh bước lên bục cao nhất để nhận tấm Huy chương vàng (HCV) của đại hội thể thao lớn nhất hành tinh - Olympic  Rio 2016, tại Brazil.

Vào sáng sớm 7-8-2016 (giờ Việt Nam), khi Hoàng Xuân Vinh bắn xong phát súng cuối cùng và điểm báo hiện lên màn hình, hàng triệu con tim Việt thổn thức cùng niềm vui vỡ òa trước thành công vượt cả sự mong đợi. Lần đầu tiên, một người Việt Nam dành HCV Olympic, lần đầu tiên cờ Tổ quốc tung bay ở vị trí cao nhất trên đấu trường thế giới, lần đầu tiên quốc ca Việt Nam được vang lên trang trọng, hùng hồn ở một kỳ thể thao lớn nhất hành tinh…

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. 											      Ảnh: Internet
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Ảnh: Internet

Hơn 5 tháng sau, khi niềm vui lắng lại, trong dịp vào Đà Nẵng công tác, Hoàng Xuân Vinh dành cho Báo Đà Nẵng những chia sẻ về những giây phút vinh quang đó và sự khổ luyện thành tài mà anh đã trải qua…

 * Anh có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Đà Nẵng cảm xúc của mình khi đứng trên bục cao nhất tại đấu trường Olympic?

Olympic Rio kết thúc đã hơn 5 tháng, nhưng mỗi lần nhớ lại phút giây đó tôi đều thấy bồi hồi, xúc động.
Lúc biết mình lọt vào tốp có thể đoạt huy chương, tôi vẫn chưa thật sự tin mình có thể chạm tới HCV, chỉ biết cố gắng hết mình thôi. Đến phát súng cuối, khi đối mặt với xạ thủ Felipe Wu người Brazil, thì áp lực càng lớn hơn nữa. Đấy là lý do tại sao tôi ngắm bắn khá lâu (22 giây).

Cuối cùng, sau những giây phút nghẹt thở, lá cờ Tổ quốc được kéo lên ở vị trí trang trọng nhất cùng ca khúc “Tiến quân ca” vang lên, đó là lúc tôi biết mình thật sự đã chiến thắng. Ngập tràn trong tôi là cảm xúc tự hào khi hai chữ Việt Nam lần đầu được xướng tên trên bục cao nhất. Lúc đó, toàn bộ tâm trí tôi hướng về Tổ quốc, về hàng triệu người dân Việt Nam đang dõi theo và tiếp thêm sức mạnh cho mình. Chiếc HCV này thực sự là thành tích của cả dân tộc.

Tôi cũng muốn gửi gắm thông điệp tới bạn bè quốc tế rằng: Tuy đạt được thành tích cao và đáng tự hào nhưng đây chưa phải là đỉnh cao của Thể thao Việt Nam. Chúng ta sẽ còn chinh phục nhiều đỉnh cao hơn nữa trong tương lai, tiếp tục ghi danh Việt Nam trên bảng vàng Olympic.

* Là người con của miền Trung – mảnh đất chịu nhiều nỗi đau của chiến tranh, thiên tai…, anh đã có những hoạt động thiện nguyện gì hướng tới quê hương kể từ sau thành công ở Olympic Rio 2016?

Quê gốc của tôi ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Tuy không sinh ra tại miền Trung nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy gắn bó với mảnh đất này, bởi đây là nơi quê cha đất tổ của mình.

Ngay khi trở về từ Olympic, tôi cùng chị Nguyễn Thị Nhung – HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam thực hiện một kế hoạch ấp ủ từ lâu, đó là lập nên quỹ từ thiện “Vinh quang và sự biết ơn”. Quỹ này nhằm giúp đỡ các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở một số địa phương, trước hết là Quảng Trị- quê tôi, Bình Định - quê HLV Nguyễn Thị Nhung, Hải Phòng, huyện Đông Anh (Hà Nội) và một số nơi khác.

Tôi cũng cùng Hội đồng hương trẻ tỉnh Quảng Trị tổ chức và tham gia các chuyến từ thiện về Quảng Trị; mới đây nhất là đến với các cháu dân tộc Pa Kô, Vân Kiều vùng biên giới.

 Hoàng Xuân Vinh và phút giây tập luyện căng thẳng trên trường bắn.
Hoàng Xuân Vinh và phút giây tập luyện căng thẳng trên trường bắn.

* Vậy anh có thể chia sẻ quan điểm của mình về công tác từ thiện? Qua những chuyến đi ấy, anh cảm nhận được gì?

Trong chuyến thiện nguyện về vùng biên giới Quảng Trị, tôi tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn của các gia đình, đặc biệt là các cháu nhỏ đang độ tuổi đi học. Mỗi lần như thế, tôi càng thấy cảm thông hơn và mong muốn được hỗ trợ phần nào những khó khăn trong cuộc sống của đồng bào nơi mình đến và cả những vùng khó khăn ở mọi miền Tổ quốc. Tiền thì bao nhiêu cho đủ, nhưng sự sẻ chia thì lúc nào cũng là cần thiết.

Bên cạnh hỗ trợ vật chất, sự thúc đẩy về mặt tinh thần cũng không kém phần quan trọng. Mới đây, tôi tham gia hành trình “Vinh danh thành tựu vàng” do Huda Gold tổ chức, đi dọc 6 tỉnh miền Trung để chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Hy vọng sau chương trình, các bạn sẽ được truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực vượt qua thách thức, theo đuổi ước mơ của mình.

* Một số thông tin cho rằng Đội tuyển bắn súng quốc gia thiếu sự đầu tư, quan tâm của lãnh đạo ngành Thể dục-Thể thao (TDTT) so với các bộ môn khác. Thậm chí tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia vẫn còn tình trạng “bắn chay”. Đó là do khó khăn chung của ngành hay thiếu sự quan tâm đối với bộ môn bắn súng? Anh có đề xuất gì cho vấn đề này?

Việc VĐV phải luyện tập “chay” (giơ súng lên ngắm rồi hạ xuống vì không có đạn – PV) tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia và một số nơi khác là có, nhưng đây là khó khăn chung và chúng tôi vẫn luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện khắc phục từ Trung tâm và Liên đoàn.

Chuyện thiếu đạn không phải do thiếu sự đầu tư, mà do một số trục trặc trong đấu thầu. Trong thời gian chưa tìm được nhà thầu cung cấp đạn, Liên đoàn Bắn súng vẫn luôn quan tâm và cố gắng khắc phục, không chỉ về súng đạn tập luyện mà cả chế độ dinh dưỡng và các điều kiện khác cho VĐV. Bây giờ những khó khăn đó đã được khắc phục, nên từ năm tới vấn đề này sẽ được giải quyết.

Với trách nhiệm công tác quản lý đội tuyển bắn súng, tôi cũng luôn trăn trở làm thế nào để phát triển đội tuyển nói riêng và bộ môn bắn súng nói chung trong nền thể thao nước nhà. Tôi cho rằng chìa khóa nằm ở việc xã hội hóa.

Theo tôi biết, đến giờ đa số các môn thể thao trong hệ thống Olympic của ta gần như chưa có môn nào đạt tới xã hội hóa. Chỉ khi huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội thì mọi người mới có cơ hội tham gia luyện tập nhiều hơn, mang về nhiều thành tích hơn. Tôi cũng mong rằng bộ môn bắn súng sẽ ngày một phát triển, được nhiều người biết đến, được đưa vào môi trường thể thao văn hóa.

* Anh biết đến Đà Nẵng - thành phố đáng sống từ khi nào và có cảm nhận thế nào về đất và người Đà Nẵng?  

Đã là “thành phố đáng sống nhất Việt Nam” thì không ai không biết rồi (cười). Tôi từng có vài dịp đến Đà Nẵng công tác, và mới đây nhất là trong hành trình “Vinh danh thành tựu vàng” cuối tháng 11 vừa qua. Ấn tượng về đất và người Đà Nẵng vẫn luôn là sự thân thiện, chân thật, hào phóng của miền Trung nhưng cũng không kém phần năng động, hiện đại. Với chính sách thu hút đầu tư của chính quyền Đà Nẵng cùng sự cầu tiến, năng động của các bạn trẻ nơi đây, tôi tin rằng thành phố sẽ còn có những bước tiến đáng kể hơn nữa trong tương lai, trở thành thành phố trọng điểm về kinh tế - chính trị - xã hội của khu vực miền Trung.

 * Xin cảm ơn anh!

CHUNG ANH thực hiện

;
.
.
.
.
.