Dấu ấn mới thể thao Đà Nẵng

.

Sau ngày chia tách, ngành Thể dục-Thể thao (TDTT) thành phố Đà Nẵng gần như “tay trắng” bởi ngoài một số cơ sở vật chất đang thời kỳ xuống cấp, nguồn nhân lực tốt nhất hầu như được ưu tiên cho người anh em Quảng Nam. Vì thế, dù được thành phố quan tâm đầu tư đặc biệt nhưng thể thao Đà Nẵng vẫn cứ ì ạch. Thậm chí, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2006), đoàn VĐV Đà Nẵng chỉ giành được 13 HCV, 20 HCB và 34 HCĐ cùng vị trí thứ 11/66 đơn vị…

Sân bóng đá Hòa Xuân được xây mới và đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện và thi đấu cho các đội tuyển Bóng đá Đà Nẵng. Ảnh: ANH VŨ
Sân bóng đá Hòa Xuân được xây mới và đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện và thi đấu cho các đội tuyển Bóng đá Đà Nẵng. Ảnh: ANH VŨ

Tuy nhiên, sau mỗi thất bại, ngành TDTT Đà Nẵng nhanh chóng rút được những bài học cần thiết để đứng lên và phát triển mạnh mẽ. Để rồi, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014), đoàn Thể thao Đà Nẵng giành được 22 HCV, 29 HCB, 32 HCĐ mà trong đó, “có đến gần 90% thành công của đoàn Thể thao Đà Nẵng được mang về từ những VĐV người địa phương hoặc được thể thao Đà Nẵng đào tạo”, như nhận xét đầy tự hào của Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Nguyễn Phúc Linh.

Lần lượt, những công trình TDTT như Làng Thể thao Tuyên Sơn, Bể bơi thành tích cao, Nhà thi đấu Taekwondo được xây dựng rồi Sân vận động Chi Lăng được cải tạo, nâng cấp. Nhờ đó, các đội tuyển, các VĐV có được những điều kiện tốt nhất trong tập luyện, thi đấu. Cùng lúc, thành phố ban hành nhiều chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ”, tạo được sự thu hút để những tài năng thể thao như Hoàng Anh Tuấn, Tô Vĩnh Khang (Cử tạ), Huỳnh Phương Đài Trang, Hoàng Thành Trung (Tennis), VĐV Đua thuyền Lưu Văn Hoàn, “kình ngư” Nguyễn Văn Đạt... lần lượt về đầu quân và trở thành những tác nhân tích cực đến sự phát triển của bộ môn, phong trào những năm sau đó.

Sau khoảng thời gian thăng hoa, hàng loạt tác động khách quan khiến thể thao Đà Nẵng lại rơi vào khủng hoảng.

Do yêu cầu chỉnh trang đô thị, Sân vận động Chi Lăng cùng khu nhà ở 6 tầng cho VĐV thuộc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV bị giải tỏa; nhà tập luyện Cầu lông xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả CLB Bơi lặn (tên gọi sau này của Bể bơi thành tích cao) hay CLB Đua thuyền Đồng Xanh - Đồng Nghệ cũng khá nhếch nhác vì nhiều lý do. Cùng lúc, những hạn chế về chính sách dành cho HLV, VĐV khiến công tác huấn luyện, đào tạo VĐV càng gặp thêm khó khăn. Trong những cuộc tiếp xúc, lãnh đạo thành phố đều nhìn nhận đúng thực trạng mà ngành TDTT Đà Nẵng gặp phải khi cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện VĐV đỉnh cao còn nhiều bất cập; cũng như các chế độ, chính sách chưa tạo được sự an tâm cống hiến đối với những tài năng thể thao.

Vì thế, ngay trong điều kiện có thể, thành phố sớm có hàng loạt giải pháp phù hợp để ngành TDTT Đà Nẵng “an cư”. Khu Liên hợp Thể thao Hòa Xuân với diện tích 130 hecta được thành phố phê duyệt và đang thi công. Cùng với Cung Thể thao Tiên Sơn, CLB Bơi lặn Đà Nẵng và CLB Đua thuyền Đồng Xanh - Đồng Nghệ cũng được cải tạo, nâng cấp, giúp cho ngành TDTT giải được “bài toán” tưởng chừng quá khó. Về nhân lực, lãnh đạo thành phố không chỉ lưu ý chế độ đãi ngộ tài năng thể thao mà còn cần quan tâm đến “đầu ra” cho những VĐV xuất sắc. Ngay sau đó, việc HĐND thành phố ban hành Nghị quyết “Quy định chế độ đãi ngộ với VĐV, HLV thể thao thuộc thành phố Đà Nẵng” như một luồng gió mới, tạo được động lực rất lớn cho cán bộ, HLV và VĐV Đà Nẵng. Như thế, những bất cập về chính sách trước đó đã được hóa giải kịp thời, đúng lúc.

Có thể, vẫn còn những hạn chế, bất cập bởi yêu cầu ngày càng cao đối với sự phát triển của thể thao thành tích cao; song vẫn có thể tự hào khi thể thao Đà Nẵng rất nỗ lực để đáp ứng được yêu cầu của thành phố cũng như niềm tin yêu của nhân dân trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thể thao hàng đầu của cả nước. Không chỉ cạnh tranh sòng phẳng với các trung tâm mạnh trên toàn quốc ở những môn thể thao trong hệ thống Olympic, bây giờ, những cái tên Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng, Hoàng Quý Phước, Trần Lê Quốc Toàn… không còn quá xa lạ tại các đấu trường quốc tế. Với sự quan tâm, đầu tư của thành phố cũng như nỗ lực tự thân của ngành TDTT, một tương lai lạc quan đang mở ra với thể thao Đà Nẵng…

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.