Hồi sinh bóng rổ

.

Sau 5 năm vắng bóng hoàn toàn, năm 2003, Sở GD&ĐT Đà Nẵng mới góp phần khôi phục lại Bóng rổ Đà Nẵng thông qua việc tổ chức môn bóng rổ trong khuôn khổ Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) năm học 2003-2004.

Từ trước năm 1975, bóng rổ Đà Nẵng từng một thời sôi động với những cuộc “chạm trán” thường xuyên của các đội bóng rổ Trường Trung học Phan Thanh Giản, Trường Trung học Phan Châu Trinh, Trường Trung học Thọ Nhơn… nhưng sau đó thì vắng bóng.

Mãi đến năm 1981, đội bóng rổ Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Đà Nẵng được thành lập, đại diện cho bóng rổ Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) tham gia tranh tài ở các giải quốc gia, từ hạng A2 cho đến A1 rồi đội mạnh. Năm 1999, đội Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng rớt hạng và sự hiện diện của bóng rổ đỉnh cao Đà Nẵng trên sàn đấu quốc gia cũng kết thúc khi những VĐV trụ cột đều đã lớn tuổi song không có lực lượng kế thừa.

May mắn khi ngành GD&ĐT có mục tiêu xây dựng lực lượng tham gia HKPĐ nên từ năm học 2003-2004, bóng rổ từng bước được gầy dựng từ các trường học. Cũng trong năm 2016, sự kiện Đà Nẵng có CLB Danang Dragons tham gia thi đấu giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam và đăng quang ngôi vô địch đã có những tác động đáng kể đến phong trào tập luyện bóng rổ trong thanh - thiếu niên nói chung và trong trường học nói riêng.

Cầu thủ Việt kiều Stefan Nguyen của Danang Dragons tại VBA 2016 thừa nhận: “Phong trào chơi bóng rổ đang dần phát triển ở Đà Nẵng. Tôi đã thử chơi cùng các bạn và dù là nghiệp dư nhưng tôi nhận thấy rất nhiều người có khả năng bước vào sân chơi chuyên nghiệp. Hạn chế lớn nhất ở đây là quy mô vẫn còn nhỏ”.

Danh hiệu vô địch VBA 2016 của Danang Dragons tác động không nhỏ đến sự phát triển trở lại của bóng rổ Đà Nẵng.Ảnh: ANH VŨ
Danh hiệu vô địch VBA 2016 của Danang Dragons tác động không nhỏ đến sự phát triển trở lại của bóng rổ Đà Nẵng.Ảnh: ANH VŨ

Dẫu vậy, như thừa nhận của anh Trần Ngọc Hùng, cựu VĐV đội Bóng rổ Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng hiện là Trưởng Ban Trọng tài Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF), chính ngành GD&ĐT Đà Nẵng đã có công đầu giúp bóng rổ được “hồi sinh”.

Từ tác động của những giải bóng rổ thuộc HKPĐ, kể từ năm 2005, sinh viên của các trường ĐH trên địa bàn thành phố cũng tự tập hợp, thành lập các CLB và tự tổ chức các giải đấu phong trào. Với quy mô chỉ có 4 đội ban đầu, năm 2016, giải đã có sự tham gia thi đấu của 6 đội mạnh, 12 đội B nam và 6 đội nữ.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất dành cho bóng rổ cũng được đầu tư hơn. Mới đây, sân thi đấu bóng rổ thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) quận Thanh Khê đưa vào sử dụng đã sớm trở thành điểm đến lý tưởng của những người yêu thích bộ môn này.

Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển Bóng rổ Đà Nẵng (DBDC) cũng được hình thành, do anh Nguyễn Trường Minh trực tiếp phụ trách cùng 3 cộng tác viên đến từ Trường Đại học Thể dục-Thể thao (TDTT) Đà Nẵng và 2 HLV người nước ngoài tham gia huấn luyện.

Theo anh Nguyễn Trường Minh, DBDC không chỉ nhắm đến việc đào tạo theo hướng chuyên nghiệp cho các VĐV mà còn tạo sân chơi cho những người yêu thích bóng rổ; thông qua việc tổ chức các giải đấu phong trào thường xuyên.

Cũng tại đây, DBDC đã hỗ trợ tổ chức 3 giải đấu gồm giải Đội mạnh, giải tiền HKPĐ và giải HKPĐ thành phố. DBDC còn hướng đến mục tiêu thành lập một đội chuyên nghiệp để được tham gia thi đấu giải quốc gia và đó cũng là nền tảng để bóng rổ Đà Nẵng phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, anh Trần Ngọc Hùng vẫn còn không ít suy tư: “Dù bóng rổ Đà Nẵng đã hồi sinh nhưng để phát triển mạnh mẽ, rất cần sự quan tâm của ngành TDTT thông qua việc tổ chức các giải đấu chính thức; qua đó mới tạo được cơ hội để các VĐV cọ xát, rèn luyện cũng như có động lực tập luyện…”.

Trong các kỳ Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc gần đây, các đội bóng rổ nam, nữ THPT lẫn THCS của Đà Nẵng đều giành được thành tích cao như HCB đội nam, HCĐ đội nữ THCS (HKPĐ 2004), HCV đội nam và HCV đội nữ THCS (liên tiếp hai kỳ HKPĐ 2008 và 2012), HCV đội nam và HCĐ đội nữ (HKPĐ 2016); HCĐ đội nam THPT (HKPĐ 2008), HCB đội nữ THPT (HKPĐ 2012), HCĐ đội nam và HCĐ đội nữ (HKPĐ 2016).

BẢO AN

;
.
.
.
.
.