CLB Dù lượn Đà Nẵng (DNPG): Từng bước chinh phục bầu trời

.

Năm 2012, những phi công trụ cột của CLB Dù lượn Hà Nội (Hanoi Paragliding - HNPG) chính thức đặt vấn đề phát triển môn thể thao dù lượn cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố Đà Nẵng với động thái ban đầu là tổ chức Cuộc thi dù bay quốc tế Đà Nẵng 2012 (DIPR 2012). Khi lãnh đạo thành phố xác định DIPR 2012 sẽ góp phần tạo ra một thương hiệu mới cho Đà Nẵng, Sở VH-TT&DL cũng từng bước tạo điều kiện để DNPG xây dựng nền tảng ban đầu.

Các thành viên của DNPG trong một buổi tập bên sông Cổ Cò.                                  Ảnh: LÊ HẢI SƠN
Các thành viên của DNPG trong một buổi tập bên sông Cổ Cò. Ảnh: LÊ HẢI SƠN

Được sự đồng ý của lãnh đạo thành phố cũng như Sở VH-TT&DL, Chủ nhiệm HNPG Bùi Thái Giang cùng các thành viên HNPG như Nguyễn Quang Chuẩn, Trần Anh, Phùng Đức Thắng tiếp cận nhà báo Lê Hải Sơn và anh Hoàng Ngọc Thắng, những thành viên chủ chốt của DNPG hiện nay nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bộ môn dù lượn. Với một môn thể thao mạo hiểm, mới lạ và hết sức tốn kém, số lượng thành viên tham gia ban đầu phát triển nhỏ giọt khi đến năm 2013, DNPG chỉ có thêm các anh Dương Hiển Hoàng, Nguyễn Thế Kháng và cô Tú Anh. Đã thế, khu vực bay và tập luyện cũng hết sức hạn chế, bởi thời điểm ấy, đỉnh Bàn Cờ (Sơn Trà) vẫn rậm rạp cây cối. Vì thế, các thành viên DNPG phải lên núi Phước Tường với độ cao chừng 150 mét để tập luyện và bãi đáp là Trung tâm TDTT SHB Đà Nẵng. Song do đây là khu vực quân sự nên từng có lần các thành viên của DNPG bị lập biên bản do chưa được cấp phép điểm bay. May mắn khi chính những sĩ quan của Ban Phòng không (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng) thấu hiểu đam mê nên hướng dẫn các thủ tục xin cấp phép điểm bay, cùng sự hỗ trợ của Sở VH-TT&DL.

Dần dà, dù lượn cũng bắt đầu có được sức cuốn hút giới trẻ bởi niềm đam mê chinh phục bầu trời và nhất là được ngắm thành phố Đà Nẵng từ những góc nhìn rất đặc biệt. Ngay cả với Lê Hải Sơn, bất chấp gặp phải sự cố kỹ thuật do vòm dù ụp ngay miệng vực nhưng ngay sau đó anh vẫn tiếp tục trải nghiệm bay đôi cùng phi công Nguyễn Quang Chuẩn để khi hạ cánh xuống bãi biển Thọ Quang, anh phải thốt lên: “Thú vị thật khi chưa bao giờ có được một cảm giác như thế!”. Song để được trải nghiệm cảm giác bay lượn giữa khoảng không bao la, không chỉ phải trang bị đầy đủ các trang - thiết bị, mỗi VĐV còn phải nắm bắt kỹ năng điều khiển dù lượn. Đinh Thế Anh, một thành viên mới của DNPG cho biết, bước đầu, mỗi học viên phải làm quen với trang thiết bị dù lượn và nguyên lý bay cơ bản. Quan trọng hơn, họ phải nắm vững kiến thức về khí tượng, đánh giá được điều kiện thời tiết và địa hình bay, cách xác định hướng và tốc độ gió cũng như an toàn bay, chuẩn bị và kiểm tra thiết bị trước khi bay. Trải qua một khóa huấn luyện khoảng hơn 2 tháng, VĐV phải thuần thục kỹ năng khống chế cánh dù, cách bơm không khí cánh dù và xử lý tình huống khi gặp sự cố. Với mục đích bảo đảm an toàn tuyệt đối, sau khi kết thúc khóa huấn luyện, các học viên sẽ được HLV cho thực tập, làm quen với độ cao chừng vài chục mét để cảm nhận việc lơ lửng và cảm giác bay trên không trung. Buổi bay tốt nghiệp của mỗi học viên luôn có HLV hoặc những người giàu kinh nghiệm hướng dẫn tỉ mỉ qua bộ đàm. Trở ngại lớn nhất hiện nay của DNPG là tìm điểm bay vì các địa điểm phải được các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn đồng ý, trước khi Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) xác nhận cấp phép. Ngoài điểm cất cánh, điểm hạ cánh cũng phải đủ rộng để có thể hạ cánh an toàn.

Hiện nay, Ban Vận động thành lập DNPG đã được thừa nhận với khoảng 50 thành viên tham gia DNPG. Và tất cả đang hy vọng DNPG sẽ sớm được chính thức ra đời nhằm đóng góp vào thành công chung của Giải Dù lượn hạ cánh chính xác “Bay trên Tiên Sa” nhân mùa du lịch Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2017.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.