VFF đang được tổ chức vận hành thế nào?

.

Bầu Đức, gần đây, bằng lời nói và việc làm của mình, đã làm “lộ sáng” một phần việc tổ chức - vận hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). 

Với một bộ máy gần 100 người, vẻ như, VFF hiện được điều hành rất tuỳ tiện - đúng như bầu Đức nói. Dù có thể phần nào hiểu, thông cảm do tình hình sức khoẻ của ông Lê Hùng Dũng ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của vị Chủ tịch VFF. Nhưng giờ là lúc phải có sự thay đổi nghiêm túc để bóng đá Việt Nam thực sự bước sang một trang mới, sau hiệu ứng tích cực từ thành công của U.23.

Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII sắp tới chắc chắn sẽ nhận được sự giám sát chặt chẽ của xã hội và các cấp lãnh đạo. Vì vậy cần thông tin minh bạch cách vận hành hiện nay của VFF để tìm ra cách thay đổi tốt nhất cho hoạt động của chính VFF, cơ quan đầu tàu của một nền bóng đá.

Theo Điều lệ VFF, Ban chấp hành (BCH) tổ chức điều hành toàn diện hoạt động thông qua bộ máy do Tổng thư ký quản lý và các ban chuyên môn thuộc BCH. Các quyết định trọng yếu đều phải thông qua bằng nghị quyết của BCH và giữa các kỳ họp của BCH nếu phát sinh các công việc thì Thường trực VFF tổ chức họp để giải quyết định kỳ hằng tháng hoặc bất thường.

Quy định rất chặt chẽ, nhưng trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy, thế nên, mới có chuyện các uỷ viên Thường trực thường xuyên phát ngôn chéo ngoe với nhau vì ngoài Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn do nắm được Tổng Thư ký nên được báo cáo đầy đủ và tự điều hành luôn nên các vị thường vụ khác dù muốn cũng chỉ là có mà như không. Điều bầu Đức tiết lộ và phê phán là đúng, đáng tiếc là những gì đang diễn ra tại VFF 3 năm qua, khi Chủ tịch Lê Hùng Dũng phải điều trị bệnh nên giao quyền lại cho cấp phó. Và dù ông Dũng là người khát khao quyền lực, nhưng do bị bạo bệnh nên cũng đành chấp nhận thực tế đôi khi biết mà bất lực.

Dư luận nhiều khi lại rất đúng, nên việc phản ứng của bầu Đức có lẽ sẽ làm thay đổi các toan tính của một số cá nhân hay những thế lực. Đúng là việc bầu Đức dám đứng ra một mình chống lại tất cả như thế này là cả sự hy sinh của ông, vì có thể có những rủi ro đến với ông. Nhưng nó cần thiết, hữu ích cho bóng đá thời điểm này.

Bóng đá chuyên nghiệp đúng là không phụ thuộc bầu Đức hay bất kỳ ông bầu nào, bởi không có ông bầu này thì có ông bầu khác và bóng đá Việt Nam vẫn phải tồn tại và phát triển. Ai cũng hiểu điều đương nhiên này, nhưng làm thế nào để cộng hưởng sức mạnh của nhiều người có tiềm lực tài chính, có uy tín, năng lực chung tay làm bóng đá là điều vô cùng quan trọng và cấp bách hiện nay.

Với sự bất hợp tác trong Thường trực VFF như thời gian qua ở nhiềm kỳ VII, sẽ khó có khả năng cùng nhau đi tiếp và cần có bước đột phá sau những tố cáo, đả kích và vạch trần - như tiếng chuông cảnh tỉnh của PCT Đoàn Nguyên Đức.

Các cá nhân khi tham gia lãnh đạo VFF phải đặt mục tiêu vì bóng đá Việt Nam chứ không vì bất kỳ mục đích, động cơ cá nhân - điều ai cũng nói, nhưng thực tế nhiều năm qua không như vậy.

Tương lai của bóng đá Việt phải được quyết định, chung tay xây dựng bởi những người xứng đáng.

Theo Lao Động
 

;
.
.
.
.
.
.