Thể thao góp phần nâng tầm hình ảnh Đà Nẵng

.

Kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành ngày 16-10-2003 “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ngành Thể dục-Thể thao (TDTT) thành phố có sự phát triển đáng kể, từng bước khẳng định vai trò trung tâm TDTT của khu vực miền Trung.

ABG 5 đã góp phần giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một thành phố Đà Nẵng văn minh, hòa ái.
ABG 5 đã góp phần giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một thành phố Đà Nẵng văn minh, hòa ái.

Nếu năm 2005, ngành TDTT thành phố chỉ có 21 môn thể thao thành tích cao với 270 VĐV, thì đến năm 2018 đã tăng lên 25 môn và 29 phân môn, với 668 VĐV chuyên nghiệp và 170 VĐV bán chuyên nghiệp. Cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng thể thao thành tích cao của thể thao Đà Nẵng cũng được nâng lên tương ứng.

Tại SEA Games 28 (2015), 12 VĐV Đà Nẵng đóng góp cho đoàn Thể thao Việt Nam 4 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ và cũng với chừng đó VĐV tại SEA Games 29 (2017), dù chỉ mang về 4 HCB, 3 HCĐ nhưng các thông số kỹ thuật của những VĐV chủ lực như kình ngư Hoàng Quý Phước có sự tăng tiến rõ nét.

Không những thế, chỉ từ 2 VĐV giành được vé đến Olympic London 2012 là VĐV Điền kinh Nguyễn Thị Thanh Phúc và VĐV Cử tạ Trần Lê Quốc Toàn; năm 2016, ngoài đô cử Trần Lê Quốc Toàn, kình ngư Hoàng Quý Phước và VĐV Điền kinh Nguyễn Thành Ngưng cũng xuất sắc được tham gia tranh tài tại Olympic Rio de Janeiro 2016.

Đáng nói, cả 3 VĐV Đà Nẵng đều đến Rio 2016 bằng những chiếc vé chính thức, qua thành tích thi đấu ở các giải đấu tuyển chọn trước đó. Dù các VĐV Đà Nẵng chưa gây được tiếng vang bằng kết quả chuyên môn nhưng tại London 2012, “cô gái Vàng” của thể thao Đà Nẵng Nguyễn Thị Thanh Phúc đã tạo được ấn tượng đẹp khi trên đường về đích trong tình trạng gần như kiệt sức, Thanh Phúc vẫn không cần đến sự trợ giúp y tế và nỗ lực băng qua vạch đích bằng chính đôi chân của mình.

Các cuộc thi marathon quốc tế Đà Nẵng tạo được tiếng vang ngày càng lớn với các VĐV trên toàn thế giới.
Các cuộc thi marathon quốc tế Đà Nẵng tạo được tiếng vang ngày càng lớn với các VĐV trên toàn thế giới.

Cùng với thể thao thành tích cao, phong trào tập luyện TDTT quần chúng ngày càng được mở rộng về quy mô và chất lượng. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Thao cho biết: “Đến nay, có nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư thể thao.

Nhờ đó, các sân cầu lông, các CLB bóng bàn, CLB võ thuật, các sân bóng đá cỏ nhân tạo, các phòng tập thể hình, khiêu vũ, phòng tập gym và yoga… ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, ngành TDTT tích cực vận động, kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ kinh phí tổ chức các giải thể thao thành phố, quốc gia với số tiền tài trợ lên hàng tỷ đồng”.

Với cách làm linh hoạt ấy, CLB Khiêu vũ Luân Oanh, CLB Dù lượn Đà Nẵng, các liên đoàn thể thao của thành phố như: Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Bóng bàn, Liên đoàn Quần vợt, Công ty TNHH Khởi Phát (Làng Thể thao Tuyên Sơn), Công ty CP Đầu tư Nam Hải Vân (Sân bóng đá Nam Hải Vân), Trung tâm TDTT Quốc phòng 3 - Quân khu 5 (cụm sân bóng đá Duy Tân, cụm sân bóng đá Chuyên Việt), Câu lạc bộ Bóng bàn BMB… đã phát triển từng ngày và góp phần tạo nên sức sống sinh động cho phong trào TDTT thành phố.

Một trong những hoạt động đáng chú ý của thể thao Đà Nẵng và hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa là việc tổ chức các sự kiện thể thao mang tính giải trí, kết hợp du lịch, thông qua các cuộc thi thường niên như: Ironman 70.3, Marathon quốc tế Đà Nẵng (DNIM). Đây là các sự kiện thu hút số lượng lớn VĐV và du khách tham gia, với kinh phí tổ chức lên đến hàng chục tỷ đồng. Điển hình như Ironman 70.3 năm 2017 thu hút 1.330 VĐV đến từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, cuộc thi này có hơn 1.636 VĐV tham gia đến từ 56 quốc gia tranh tài.

Hay DNIM 2017 chỉ mới thu hút khoảng 4.000 VĐV thuộc 40 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, thì tại DNIM 2018, con số VĐV thi đấu đã đạt xấp xỉ 7.000 người đến từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chính những sự kiện này đã góp phần quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” và được các tổ chức quốc tế cũng như các VĐV đánh giá cao.

Không những thế, việc tổ chức thành công các sự kiện quy mô thành phố, quốc gia và quốc tế, thể thao Đà Nẵng nói chung đã phát triển đáng kể, thu hút quần chúng tham gia tập luyện.

Tại lễ bế mạc Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5 - 2016), Phó Chủ tịch Hiệp hội Olympic châu Á (OCA) Timothy Fox khẳng định, thời gian diễn ra ABG 5, các quan chức thể thao, VĐV, HLV đã được tận hưởng khí hậu Đà Nẵng, tận hưởng bờ biển và đại dương, văn hóa và lịch sử Đà Nẵng.

Thành phố và con người Đà Nẵng cũng mang lại một bầu không khí tuyệt vời khiến những ai có mặt đều tràn đầy đam mê và phấn khích. Và Đà Nẵng đã mang lại tất cả những khoảnh khắc quý báu để nâng niu và viết lên trang sử mới của OCA với ABG 5 hoàn hảo nhất.

Hay ông Yoshiho Fujisawa, Tổng Giám đốc Công ty truyền thông Densu Alpha - một trong những người mang cuộc thi Marathon quốc tế về Đà Nẵng từng bày tỏ:

“Một ngày không xa, Đà Nẵng và Việt Nam sẽ trở thành biểu tượng hòa bình để khắp nơi trên thế giới cùng hướng đến. Đó là thực tế khi thể thao đã góp phần không nhỏ nâng tầm Đà Nẵng và mang Đà Nẵng ra thế giới, cũng như đưa thế giới đến với thành phố bên sông Hàn…”.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.
.