V-League và câu chuyện bóng đá chuyên nghiệp

.

Tại hội nghị tổng kết được Ban điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tổ chức vào ngày 16-10 ở Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Trưởng Ban điều hành giải Trần Anh Tú thừa nhận, dù đã trải qua 18 năm tổ chức bóng đá chuyên nghiệp nhưng ý thức chuyên nghiệp vẫn cần được cải thiện.

Sự nỗ lực của đội ngũ trọng tài vẫn chưa đủ để tạo được niềm tin với các đội bóng lẫn người xem.                                         Ảnh: ANH VŨ
Sự nỗ lực của đội ngũ trọng tài vẫn chưa đủ để tạo được niềm tin với các đội bóng lẫn người xem. Ảnh: ANH VŨ

Có thể những nhà điều hành sẽ xoa tay hài lòng khi cuối cùng V-League 2018 cũng tìm ra được nhà vô địch lẫn đội xuống hạng. Tương tự, Cúp Quốc gia 2018 và giải hạng nhất được kết thúc cùng với những tiêu chí tương tự. Thế nhưng, chẳng khác những mùa giải trước, V-League 2018 vẫn diễn ra trong bối cảnh bóng đá Việt Nam tiếp tục rối ren, từ bên trong lẫn bên ngoài sân cỏ.

Đây là thực tế đáng lo ngại khi vẫn xảy ra tình trạng cầu thủ tự ý dừng trận đấu, phản ứng không đúng mực với trọng tài; khán giả tràn vào sân đuổi đánh cầu thủ lẫn phóng viên đang tác nghiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ “Vua sân cỏ” tiếp tục mắc những sai sót lẽ ra không đáng có, như trường hợp trọng tài Trần Văn Lập không rút thẻ đỏ cho hậu vệ Hồ Tấn Tài, sau khi cầu thủ này đã nhận thẻ vàng thứ 2 trong một trận đấu. Tuy nhiên, cách xử lý của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), VPF lẫn Ban điều hành giải chỉ có giá trị xoa dịu dư luận.

May mắn lớn nhất của V-League 2018 là nhờ sự vượt trội của Hà Nội FC đã giúp cuộc đua vô địch giảm thiểu đáng kể sự căng thẳng. Nhờ đó, VPF đã tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ trong việc mời trọng tài nước ngoài sang điều hành giải đấu! Chỉ duy nhất trận đấu quyết định cho chiếc vé play-off Xổ số kiến thiết Cần Thơ - Nam Định mới được tổ trọng tài Malaysia điều hành. Có lẽ, đây là nỗi đau với lực lượng trọng tài Việt Nam khi tâm lý không tin tưởng trọng tài quốc nội đã hằn sâu trong nếp nghĩ của các CLB bóng đá Việt Nam. Vì sao tâm lý này vẫn tồn tại? Câu trả lời thuộc về VFF, VPF lẫn Ban trọng tài.

Hẳn nhiên, sự ngờ vực của các CLB chẳng phải không có cơ sở khi tình trạng các ông bầu thao túng giải đấu vẫn cứ tồn tại. Điển hình là việc Hoàng Anh Gia Lai dọa bỏ giải đấu nếu ông Trần Anh Tú ứng cử vào chức danh Phó Chủ tịch VFF (khóa 8) phụ trách tài chính và vận động tài trợ, buộc ông Tú phải rút lui từ rất sớm. Hay đó là những thông tin về việc ông Đỗ Quang Hiển treo thưởng 3 tỷ đồng cho Cần Thơ nếu đội bóng Tây đô trụ hạng thành công (?). Và trước khi V-League 2018 chính thức khép lại, xuất hiện không ít thông tin về việc Cần Thơ - với sự hậu thuẫn của một ông bầu khá nổi tiếng - sẽ mua lại suất V-League của một CLB đang thuộc sở hữu của ông bầu này. Để rồi, với sự thao túng của các ông bầu đã xuất hiện một số trận đấu nằm trong vòng nghi vấn “nhường điểm” giữa các đội được xem là cùng một ông chủ!

Cho nên, thay vì hướng đến việc đề nghị các CLB “cải tạo mặt sân đấu” cùng với tiến trình “cấp phép cho các CLB chuyên nghiệp”, VFF và VPF nên định hướng lại sự phát triển của bóng đá Việt Nam nói chung, bóng đá chuyên nghiệp nói riêng theo hướng bền vững, căn cơ. Trong đó, cần thay đổi để nền bóng đá Việt Nam không theo hình chóp ngược khi hiện tại số đội V-League, hạng nhất, hạng nhì, hạng ba lần lượt là 14-10-13-8; đồng thời, để chất lượng các giải đấu không bị ảnh hưởng, VFF lẫn VPF cần xây dựng lịch thi đấu phù hợp, thay vì ngắt quãng như những mùa giải gần đây. Điều này buộc VFF và VPF phải chuyên nghiệp trong công tác điều hành, trước khi yêu cầu các CLB có ý thức chuyên nghiệp.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.
.