Cần tháo gỡ khó khăn cho bóng đá trẻ Đà Nẵng

.

Đã lâu rồi bóng đá Đà Nẵng không gặt hái thành tích ở mọi cấp độ. Trong khi đó, hàng loạt đội bóng trẻ đã và có thể sẽ không tham dự các vòng chung kết (VCK) toàn quốc trong năm 2022. Cần nhất lúc này là sớm tháo gỡ khó khăn cho bóng đá trẻ.

Đội 1 SHB Đà Nẵng  năm nay được bổ sung rất nhiều cầu thủ trẻ. Ảnh: M.M
Đội 1 SHB Đà Nẵng năm nay được bổ sung rất nhiều cầu thủ trẻ. Ảnh: M.M

Lần gần nhất đội 1 Đà Nẵng vô địch V-League là năm 2009, tức đã 13 năm trôi qua. Một đội bóng trẻ của Đà Nẵng vô địch gần đây nhất vào năm 2013, với tấm HCV của đội U17. Như vậy, đã quá lâu, từ một thế lực của “thể thao Vua” trong nước,  bóng đá Đà Nẵng đã đánh mất vị thế lẫn vị trí. Trong màu áo các đội tuyển quốc gia nhiều năm qua, quân của “lò” đào tạo Đà Nẵng cũng chỉ đóng góp vài gương mặt. Nổi bật nhất là Hà Đức Chinh, nhưng lại trường thành từ “lò” PVF.

Những ngày qua, việc U17 SHB Đà Nẵng không tham dự VCK U17 toàn quốc vì thiếu kinh phí, đang gây xôn xao dư luận bóng đá. Tại vòng loại, đội đã thi đấu rất ấn tượng và giành vị trí Nhất bảng. Trong đội hình có 4 tuyển thủ U16 quốc gia, vừa được chọn tập huấn ngắn ngày ở Đức. Đã 3 tháng nay, thầy trò U17 SHB Đà Nẵng chuẩn bị rất kỹ với hy vọng đạt thành tích cao. Vậy mà, các em phải ở nhà nhìn trang lứa thi đấu.

Kể từ khi tiếp nhận bóng đá Đà Nẵng, năm 2016, thành phố và Ngân hàng SHB đã cam kết cùng chung tay để xây dựng, phát triển SHB Đà Nẵng. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ cho công tác đào tạo bóng đá trẻ của CLB mỗi năm 20 tỷ đồng (bắt đầu thực hiện từ năm 2017). Còn lại, phía SHB  tài trợ 60 tỷ đồng để giúp đội 1 hoạt động.

Tuy nhiên, do vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ năm 2021, nguồn hỗ trợ từ thành phố tạm dừng cho đến nay. UBND thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất phương án để chi ngân sách hỗ trợ đào tạo bóng đá trẻ phù hợp với quy định của pháp luật. Nhưng đã gần 2 năm qua, các ban, ngành liên quan vẫn chưa thể thống nhất được phương án giải quyết dứt điểm để chi nguồn hỗ trợ này cho bóng đá trẻ. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch thu chi tài chính của CLB. Hay nói cách khác, toàn bộ hệ thống trẻ của bóng đá Đà Nẵng bị ảnh hưởng. Việc U17 (và có thể cả U19 lẫn U21) không thể tham dự VCK toàn quốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bóng đá trẻ thành phố.

Đành rằng, đội bóng đã chuyển giao cho nhà tài trợ SHB, nhưng những cam kết cùng chung tay vẫn còn đó. Vai trò quản lý về mặt Nhà nước với hoạt động bóng đá cần phải luôn được chú trọng. Đây là câu chuyện chung của bóng đá Việt Nam. Điển hình như Quảng Ninh, doanh nghiệp sau khi đạt mục đích phát huy hình ảnh, đã đột ngột trả lại đội bóng cho tỉnh này. Và thế là bóng đá Quảng Ninh không được tham dự V-League 2022.

Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan của thành phố cần tiếp tục làm việc với CLB SHB Đà Nẵng để cùng tháo gỡ những khó khăn cho bóng đá trẻ Đà Nẵng. Mùa giải này, khán giả Đà thành rất hân hoan khi HLV Phan Thanh Hùng đã bổ sung nhiều cầu thủ trẻ cho đội 1.

Dù thành tích chưa hẳn thuyết phục, nhưng chính tinh thần “màu cờ, sắc áo”, tính bản sắc được gầy dựng, đã khiến khán giả bắt đầu đến sân nhiều hơn để cổ vũ cho đội nhà. Không phải đến lúc này chúng ta mới biết việc chăm sóc phần gốc, đào tạo trẻ, là con đường tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp. Vậy thì, với vị thế của một thành phố đầu tàu ở miền Trung, bóng đá trẻ Đà Nẵng (và cả đội 1) phải phấn đấu để trở thành một trung tâm bóng đá mạnh.

Tất nhiên, nhiệm vụ đó phải do Công ty CP Bóng đá SHB Đà Nẵng chịu trách nhiệm chính. Bởi, cả thập niên qua, có những thời điểm ngân sách CLB được rót xuống rất nhiều nhưng các đội trẻ lẫn đội 1 vẫn không gặt hái được thành tích nổi bật. Thế nên, đã đến lúc cần tìm một hướng đi tốt nhất cho bóng đá, đặc biệt là bóng đá trẻ, của thành phố bên sông Hàn. Khi có một tầm nhìn, hướng đi tốt, chắc chắn không quá khó trong việc vận động các doanh nghiệp ủng hộ kinh phí cho bóng đá Đà Nẵng phát triển bền vững.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.