.

Vẫn còn "thánh địa" Chi Lăng!

.

Ngày 15-9 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có thông báo, trước mắt, cho giữ lại sân Chi Lăng để phục vụ các hoạt động TDTT của thành phố Đà Nẵng.

Với kết luận của lãnh đạo thành phố, người hâm mộ vẫn có thể yên tâm theo dõi những trận cầu của SHB Đà Nẵng (áo cam) trên “thánh địa” Chi Lăng.
Với kết luận của lãnh đạo thành phố, người hâm mộ vẫn có thể yên tâm theo dõi những trận cầu của SHB Đà Nẵng (áo cam) trên “thánh địa” Chi Lăng.

Từ rất lâu và với rất nhiều người, đặc biệt là những vị cao niên cũng như lão thành cách mạng, sân vận động Chi Lăng không chỉ là công trình phục vụ các hoạt động TDTT mà còn là nơi lưu dấu lịch sử của Đà Nẵng. Theo lời kể lại, lúc sinh thời, cụ Nguyễn Đình Hùng, nguyên đặc phái viên của Bộ Nội thương tại Quảng Nam-Đà Nẵng và các vị lão thành cách mạng đã tận dụng những trận bóng đá tại sân Chi Lăng để gặp mặt, trao đổi những thông tin trong thời kỳ hoạt động bí mật.

Với những người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng, sân Chi Lăng trở thành “chứng nhân lịch sử”, không chỉ của bóng đá Quảng Nam- Đà Nẵng trước kia và bóng đá Đà Nẵng hiện nay mà còn chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử của bóng đá Việt Nam. Tại giải Bóng đá U-16 châu Á 2000, trên sân cỏ Chi Lăng, những Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn, Quang Tuấn… trở thành những “người hùng” khi đánh bại đội tuyển U-16 Trung Quốc trong một trận cầu sôi động để giành quyền vào bán kết.

Trước đó, nơi đây còn lưu dấu giày của rất nhiều danh thủ lớp trước ở các CLB Thể Công, Tổng cục Đường sắt, Công an Hà Nội, Cảng Hải Phòng, Phòng không - Không quân, Quân khu thủ đô, Than Quảng Ninh, Xi-măng Hải Phòng hay Cảng Sài Gòn, Lương thực thực phẩm, Hải quan, Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh hay Tổng cục Hóa chất…

Cũng trên sân Chi Lăng, người hâm mộ từng chứng kiến những lần đăng quang của bóng đá quê hương với ngôi vô địch giải Bóng đá Trường Sơn “Mừng Tổ quốc thống nhất 1976” của đội Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau đó là lần lên ngôi vô địch giải Bóng đá hạng các đội mạnh toàn quốc 1992 và đoạt Cúp Quốc gia của đội Quảng Nam-Đà Nẵng chỉ 1 năm sau đó. Gần đây nhất, SHB Đà Nẵng cũng được nhận chiếc Cúp Vô địch V-League 2009 trước sự chứng kiến trực tiếp của hàng vạn cổ động viên trên sân Chi Lăng.

Năm 2012, thông tin sân Chi Lăng được chuyển nhượng cho Tập đoàn Thiên Thanh khiến nhiều người hụt hẫng. Sau mỗi mùa V-League, nỗi lo về việc đội bóng quê hương còn được thi đấu hay không trên sân Chi Lăng trở thành chủ đề bàn tán của đông đảo người hâm mộ.

Ngày 15-9 vừa qua, nỗi lo ấy tạm gác lại khi Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có thông báo “Đồng ý chủ trương lắp đặt lại nguyên trạng giàn mái không gian, lợp lại mái che, lắp đặt ghế ngồi và cải tạo một số hạng mục cơ bản của công trình sân vận động Chi Lăng để tiếp tục khai thác sử dụng phục vụ các hoạt động thể thao và tập luyện cho VĐV. Giao cho Sở VH-TT&DL làm việc với các đơn vị liên quan để tiếp tục sử dụng các công trình tại sân vận động Chi Lăng…

Đồng ý về nguyên tắc cho phép Ban quản lý dự án xây dựng Đà Nẵng chấm dứt hợp đồng đối với đơn vị thực hiện gói thầu tháo dỡ, lắp đặt giàn mái không gian, đèn sân bóng và ghế ngồi sân vận động Chi Lăng”.

Qua trao đổi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng Nguyễn Phúc Linh cho biết, ít nhất, trong 5 năm tới, sân vận động Chi Lăng vẫn được sử dụng phục vụ các hoạt động thể thao. Ngoài sân bóng đá, khu chung cư mới xây dựng trong khuôn viên sân Chi Lăng cũng được bố trí làm chỗ ở cho VĐV thuộc Trung tâm huấn luyện- đào tạo VĐV của thành phố.

Theo Phó Giám đốc Nguyễn Phúc Linh, quyết định của lãnh đạo thành phố là quyết định hợp lòng dân khi sân Chi Lăng vẫn tiếp tục là “thánh địa” của bóng đá Đà Nẵng, như ước muốn của hàng vạn người hâm mộ.

Bài và ảnh: BẢO AN

;
.
.
.
.
.