.

Rối như... bóng đá Việt Nam

.

Sau màn “nổ” của ông bầu Nguyễn Đức Kiên tại hội nghị tổng kết mùa bóng 2011, tưởng chừng bóng đá Việt Nam sẽ sang trang mới. Sự ra đời của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mang lại không ít hy vọng về một cuộc “cách mạng”.

Từng bỏ giải hạng Nhất và nay muốn trở lại nhưng đội Bình Định (áo xanh) phải hụt hẫng vào phút chót!
Từng bỏ giải hạng Nhất và nay muốn trở lại nhưng đội Bình Định (áo xanh) phải hụt hẫng vào phút chót!

Thế nhưng, hơn 4 năm sau khi VPF ra đời, những tín hiệu lạc quan ban đầu cũng dần tàn lụi. Các quy định về tài chính khiến hàng loạt CLB phải “xóa sổ”. Không những thế, do không hề có sự ràng buộc với địa phương, không ít “ông bầu” cũng chẳng ngần ngại “bỏ cuộc chơi” vì những bất đồng.

Việc chuyên nghiệp hóa bóng đá không sai nhưng với đặc thù của mình, bóng đá Việt Nam cần được tiến hành theo một lộ trình phù hợp, thay vì kiểu “đốt cháy giai đoạn” như cách mà VFF và VPF cùng thực hiện.

Những hệ lụy là tất yếu khi lần lượt Navibank Sài Gòn, Ninh Bình hay Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn cùng không ít đội hạng Nhất “nghỉ chơi” mà chẳng ai có thể làm được gì, bởi luật đã có, song cuộc chơi vẫn dựa vào lệ!

Cuộc “cách mạng bóng đá” nửa vời bất thành khiến hệ thống bóng đá Việt Nam phát triển... chẳng giống ai! Nếu V-League có 14 CLB thì hạng Nhất chỉ gói gọn với 10 đội; trong khi đó, số đội hạng Nhì là 14 và đến hạng Ba, con số ấy “teo lại” còn 10 đội!

Đã vậy, ngoại trừ đa phần các CLB V-League, phần lớn các đội ở ba hạng dưới chẳng mấy thiết tha nên lắm lúc, cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lẫn VPF phải… năn nỉ các đội tham gia thi đấu. Trong khi đó, việc tham gia giải mùa sau đối với không ít đội vừa xuống hạng cũng trở thành ẩn số với VFF và VPF.

Gần đây nhất, sau khi xuống hạng Nhất, số phận của đội Đồng Nai như “chỉ mành treo chuông” do không có đủ nguồn kinh phí cần thiết. Trong khi đó, dù được thăng hạng Nhất kể từ mùa giải 2016, đội bóng đá Cà Mau cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Cùng lúc, Bình Định - từng bỏ giải 2014, do không đáp ứng về kinh phí theo quy định- lại muốn thay chân Cà Mau. Mãi đến “phút 90”, Đồng Nai và cả Cà Mau đều xác nhận sẽ tham gia giải hạng Nhất 2016, giúp những nhà điều hành thở phào nhẹ nhõm! Ngược lại, giới hâm mộ lẫn đội bóng đất võ Tây Sơn rơi vào hụt hẫng khi trước đó đã được hứa hẹn rất nhiều!

Với việc số lượng các đội bóng ở các hạng có “độ chênh” rất rõ, không quá khó để nhận biết mặt chân đế của bóng đá Việt Nam chênh vênh thế nào.

Về chuyên môn, với số lượng đội bóng như hiện tại, cũng dễ thấy sự lãng phí rất lớn trong đầu tư của từng đội khi các CLB V-League chỉ được thi đấu 26 trận, trong khi các đội hạng Nhất chỉ thi đấu 18 trận/mùa ở giải Vô địch của mỗi hạng.

Được cọ xát quá ít, cơ hội để bản thân cầu thủ và từng đội bóng tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn, tạo nền tảng cơ bản để phát triển bóng đá nước nhà cũng bị hạn chế ở mức thấp nhất.

Vì thế, từ chỗ không ít người từng tự hào, “V-League là giải đấu số 1 ở Đông Nam Á” thì nay tất cả phải ngước nhìn với sự thán phục về sự phát triển đáng kinh ngạc của Thai-League, dù giải Vô địch quốc gia của người Thái bước vào tiến trình chuyên nghiệp hóa sau V-League!

Xét đến yếu tố cầu thủ nước ngoài - một trong những nhân tố cấu thành và nâng chất giải Vô địch quốc gia ở mỗi nước, đa phần các cầu thủ khi không tìm được chỗ đứng tại Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.., thì mới tìm sang Việt Nam!

Một bức tranh tổng thể không mấy sáng sủa về bóng đá Việt Nam phần nào đã dự báo được những rối rắm sắp tới, khi mùa giải 2016 mở màn. Và một khi nền bóng đá quốc gia tồn tại khá èo uột như thế, không thể đòi hỏi đội tuyển quốc gia sớm “hóa Rồng”...

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.