.
Bài toán giảm tải bệnh viện

Giải quyết từ gốc, phát triển y tế dự phòng

.

Theo thống kê từ Quỹ BHYT Việt Nam, năm 2012, số tiền chi cho bệnh nhân Đà Nẵng đi điều trị tại các nơi khác (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, v.v…) là 33 tỷ đồng; trong khi đó, số tiền bệnh nhân ở các nơi về Đà Nẵng khám chữa bệnh lên đến 170 tỷ đồng. Hai con số này đã phản ánh phần nào bức tranh tổng thể về sức hút của các bệnh viện tại Đà Nẵng đối với người bệnh từ khắp mọi miền đất nước, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Bệnh viện Ung thư quy mô 500 giường, góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh viện.                       Ảnh: THU HOA
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Bệnh viện Ung thư quy mô 500 giường, góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh viện. Ảnh: THU HOA

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, trình độ y tế ở Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc so với vài năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ bác sĩ và giường bệnh trên một vạn dân tại Đà Nẵng hiện nay thuộc dạng cao nhất nước, cụ thể là 14,7 bác sĩ và 50 giường/1 vạn dân (tỷ lệ cả nước bình quân là 6,7 bác sĩ và 23 giường/1 vạn dân). Trong vòng hai năm qua, đồng loạt các bệnh viện mới được xây dựng và đưa vào hoạt động như Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Tâm trí giúp tăng thêm 1.400 giường bệnh. Nhờ đó, người dân Đà Nẵng yên tâm điều trị tại chỗ; bệnh nhân ở các tỉnh, thành phố khác thì đổ về rất đông. Số bệnh nhân ngoại tỉnh nội trú tại các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 30%, số vượt tuyến có nơi lên đến 90% khiến tình trạng quá tải càng khó được giải quyết.

Theo bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố, hệ thống điều trị chỉ được giảm tải khi công tác dự phòng được đầu tư và phát triển, lấy phòng bệnh làm gốc mới mong bớt bệnh tật.

Xung quanh vấn đề này, bác sĩ Phạm Hùng Chiến đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng.

* Thưa bác sĩ, từ lâu nay, rất nhiều người cho rằng nguyên nhân của quá tải bệnh viện xuất phát từ chỗ bệnh nhân vượt tuyến quá nhiều. Vì vậy, việc giảm tải cần tính đến chuyện giải quyết được vấn đề vượt tuyến. Quan điểm của lãnh đạo ngành Y tế Đà Nẵng như thế nào?

- Người bệnh có quyền được đi đến bất cứ nơi đâu để khám và điều trị bệnh. Y tế là không biên giới. Ngay cả bản thân chúng ta khi có người thân bị bệnh thì ai cũng mong muốn và sẵn sàng đến bệnh viện tốt nhất và uy tín nhất. Do đó, vượt tuyến thể hiện nguyện vọng chính đáng của người bệnh. Việc sử dụng các biện pháp hành chính để buộc bệnh nhân vào đúng tuyến của mình không phải là cách làm hiệu quả.

Quá tải không xảy ra ở tất cả các bệnh viện và tất cả các khoa, phòng tại mỗi bệnh viện. Ở nơi có điều kiện khám, điều trị tốt, giá viện phí hợp lý thì bệnh nhân sẽ đến đông theo nguyên lý nước chảy về chỗ trũng. Gốc của vấn đề không phải là ngăn cấm chuyện vượt tuyến mà là phải tăng cường công tác y tế dự phòng. Phòng bệnh tốt sẽ góp phần đẩy lùi bệnh tật, ví dụ ho gà, phong, lao… hiện nay gần như đã chấm dứt trong cộng đồng. Tầm soát bệnh tốt, khám định kỳ thường xuyên thì khả năng phát hiện và điều trị bệnh nhẹ nhàng, đỡ tốn kém hơn.

* Phát triển y tế dự phòng là quá trình lâu dài, trong khi đó quá tải trước mắt có thể giải quyết bằng cách nào, thưa ông?

- Có hai dạng quá tải ở Đà Nẵng hiện nay đáng quan tâm nhất đó là tuyến quận, huyện quá tải phần khám bệnh; tuyến tỉnh như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi quá tải sức lực của cán bộ. Theo đó, các bệnh viện quận, huyện cần tăng thêm số phòng khám để tránh ùn tắc người bệnh. Cái khó ở đây là tăng phòng khám thì lấy bác sĩ ở đâu để hoạt động, bởi bệnh viện khu vực này khó thu hút thêm bác sĩ. Tuy nhiên, điều này cũng không phải không thể giải quyết nếu bệnh viện linh động điều chuyển cán bộ sẵn có tại chính cơ sở của mình. Chuyện quá tải khám bệnh chỉ diễn ra vào buổi sáng và các ngày đầu tuần. Do đó, lãnh đạo bệnh viện có thể linh động san sẻ con người ở bộ phận không quá tải cho bộ phận đang quá tải và vào các giờ đông bệnh.

Cái đáng lo nhất là sự quá tải sức người ở bệnh viện tuyến tỉnh. Trong khi quá tải về cơ sở vật chất có thể giải quyết được thì quá tải sức người còn là bài toán khó. Cũng chính vì cán bộ y tế làm việc quá sức nên dẫn đến nhiều hệ lụy như thái độ phục vụ có lúc chưa làm hài lòng tất cả bệnh nhân, nguy cơ xảy ra tai biến, rồi chuyện gửi gắm… Dù các bệnh viện lớn đã chủ động hợp đồng thêm nhân lực (Bệnh viện Đà Nẵng có hơn 400 hợp đồng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi có hơn 300 hợp đồng) nhưng như vậy vẫn chưa đủ.

THU HOA - HOÀNG NHUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.