.

Chấn thương dây chằng chéo trước

.

Tổn thương dây chằng chéo trước thường xảy ra trong các tình huống chấn thương như sau: Chấn thương trực tiếp vào mặt trước gối (cú va chạm trong tình huống cản bóng, tai nạn giao thông); đang chạy, dừng đột ngột và chuyển hướng nhanh chóng; xoay người sang phía đối diện trong lúc bàn chân giữ nguyên; cú nhảy cao, rơi một chân tiếp đất trong tư thế không thuận.

Khoảng một nửa số bệnh nhân bị tổn thương dây chằng chéo trước khớp gối có kèm theo các tổn thương khác như rách sụn chêm, bong sụn khớp, tổn thương các dây chằng khác của khớp (dây chằng chéo sau, dây chằng bên…).

Giải phẫu

Khớp gối là một khớp lớn nhất cơ thể, bao gồm đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chầy và xương bánh chè. Các thành phần này được kết nối với nhau bởi hệ thống các dây chằng, bao khớp, trong đó quan trọng nhất là dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau. Hai dây chằng này giữ cho đầu trên xương chầy và đầu dưới xương đùi không bị trượt theo chiều trước sau khi khớp gối vận động.

Dây chằng chéo trước bám từ lồi cầu xương đùi tới diện trước mâm chầy giữ cho mâm chầy không bị trượt ra trước và xoay trong.

Tổn thương dây chằng chéo trước với nhiều hình thái khác nhau, người ta chia thành các mức độ như sau:

- Độ 1: dây chằng bị giãn, gối còn vững.

- Độ 2: dây chằng đứt một phần, gối bắt đầu mất vững (lỏng gối vừa)

- Độ 3: dây chằng đứt hoàn toàn, gối lỏng lẻo.

Trên thực tế, tổn thương độ 1 thường ít gặp, chủ yếu là tổn thương độ 2 và độ 3.

Triệu chứng

• Sưng và đau vùng gối: Bệnh nhân có thể cảm nhận được tiếng “rắc” ngay khi chấn thương. Sau đó gối sưng đau và hạn chế vận động. Dù bệnh nhân có điều trị hay không thì tình trạng sưng đau dần cũng tự hết.

• Lỏng gối: Bệnh nhân có cảm giác chân yếu khi đi lại. Khó khăn khi đứng trụ một chân bên gối lỏng. Khi chạy nhanh có cảm giác ríu chân, dễ vấp ngã. Khi đi nhanh trên đường không bằng phẳng, dễ có cảm giác trẹo gối. Lên cầu thang cảm giác không thật chân, khó khăn khi đi xuống dốc hoặc bước xuống cầu thang.

• Teo cơ: Đùi bên chấn thương nhỏ dần do teo cơ, do đó chân càng ngày càng yếu, nhất là khi cơ đùi teo nhiều. Teo cơ dễ xảy ra ở những người ít hoạt động như dân văn phòng, học sinh… Tuy nhiên với vận động viên thể thao, triệu chứng lỏng gối thường biểu hiện không rõ ràng vì cơ đùi rắn chắc làm cho gối vững giả tạo mặc dù dây chằng chéo trước đã đứt hoàn toàn.

Chẩn đoán hình ảnh

Chụp X-quang thông thường để đánh giá tình trạng xương, chỗ bám của dây chằng chéo trước.

Chụp MRI (cộng hưởng từ): ngoài giúp chẩn đoán có tổn thương dây chằng chéo trước, phim MRI còn cho biết các tổn thương khác kèm theo như sụn chêm, sụn khớp và các dây chằng khác.

Hậu quả của tổn thương dây chằng chéo trước

Khi dây chằng chéo trước bị đứt, sự phân phối và truyền lực từ đùi xuống cẳng chân không bình thường, từ đó dẫn đến hai tổn thương thứ phát là rách sụn chêm thứ phát và thoái hóa khớp gối.

Điều trị:

Không phẫu thuật khi:

- Đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, gối vững

- Đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước ở những bệnh nhân không có triệu chứng, hoặc không có nhu cầu chơi thể thao hoặc sẽ từ bỏ chơi thể thao, người ít hoạt động, người già.

Phẫu thuật

Mục đích của phẫu thuật là giải quyết lỏng gối, phục hồi lại chức năng của dây chằng chéo trước, từ đó làm vững gối, giúp người bệnh trở lại sinh hoạt và chơi thể thao bình thường.

Phẫu thuật nội soi khớp gối tái tạo lại dây chằng chéo trước bằng một mảnh gân khác thay thế là phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay. Các mảnh gân thay thế có thể là gân tự thân (của chính bệnh nhân) hoặc là gân đồng loại (lấy từ người hiến tặng).

Phục hồi chức năng sau mổ

Sau mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo trước, người bệnh cần phải trải qua giai đoạn quan trọng là tập luyện phục hồi chức năng. Tùy theo tính chất tổn thương của dây chằng, tùy theo kỹ thuật mổ và chất liệu mảnh ghép được sử dụng mà mỗi bệnh nhân sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước có những bài tập tương đối khác nhau. Do đó bệnh nhân cần tuân thủ theo sự hướng dẫn cụ thể của phẫu thuật viên và bác sĩ phục hồi chức năng. Thông thường bệnh nhân mất 3 tháng để trở lại sinh hoạt thường ngày và 9-12 tháng để chơi thể thao trở lại.

Th.S BS LÊ QUANG MINH

Khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình - Thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.