.

Nguy cơ trẻ tử vong vì sặc thức ăn

.

"Các trường hợp sặc thức ăn ở trẻ nhỏ thì tháng nào chúng tôi cũng tiếp nhận từ 2-3 ca. Nếu trẻ bị sặc hoàn toàn, trong 10 trẻ thì có đến 8 trẻ tử vong vì không kịp sơ cấp cứu. Nhiều khi chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân khi đã chết ngoại viện, rất đau xót!”, bác sĩ Lê Văn Đoan - Phó khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng nói.

Phụ huynh cần thận trọng khi cho con ăn. (Ảnh mang tính minh họa)
Phụ huynh cần thận trọng khi cho con ăn. (Ảnh mang tính minh họa)

Hối hận không kịp

Đến bây giờ, anh N.Đ.T (28 tuổi, ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa hết run khi nhớ lại khoảnh khắc đứa con trai bé bỏng bị sặc cháo chỉ vì tính bất cẩn của mình. Anh T. nhớ lại: “Khi cháu đang ngủ nhưng đến giờ ăn nên tôi đánh thức con dậy cho ăn cháo. Cháu chịu ăn nhưng vẫn còn đang trong cơn mê ngủ, chưa tỉnh hoàn toàn… Ai ngờ cháu bị sặc, tím cả người. Rất may tôi kịp đưa cháu đến bệnh viện. Bác sĩ bảo chỉ cần chậm một phút nữa thôi thì…”.

Sau khi được đưa đến bệnh viện tuyến huyện kịp thời và trải qua các sơ cấp cứu ban đầu, cháu N.Đ.A (7,5 tháng tuổi) đã qua cơn nguy kịch. Song, do bệnh tình diễn biến nặng, cháu A. tiếp tục được chuyển đến khoa Hồi sức nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để cứu chữa. Các bác sĩ cho biết, bệnh tình của cháu A. diễn tiến rất nặng với tình trạng viêm phổi nặng, suy hô hấp độ 3, phải thở bằng máy CPAP kết hợp nội soi phế quản, thở máy. Sau hơn 2 tuần điều trị tích cực, sức khỏe của cháu A. đã dần hồi phục và được xuất viện.

Cũng tại khoa Hồi sức nhi, chúng tôi được biết trường hợp của bệnh nhân Đ.P.H. (2 tuổi) nằm điều trị tại đây hơn 6 tháng. Người nhà cháu H. cho biết, khi đang ăn hạt đậu phộng da cá thì cháu H. bị trượt ngã. Cháu H. được đưa vào bệnh viện quá trễ; dù đã trải qua 2 đợt nội soi, 3 lần lọc máu nhưng không thể cứu vãn được tình hình. Hiện tại, cháu H. mắc di chứng não, suy đa tạng, chỉ nằm một chỗ, không ăn được gì, chỉ có thể uống sữa. “Hai lần lên cơn co giật, cháu cắn lưỡi gần đứt mà không có cảm giác gì. Cháu ngủ thì bình thường chứ khi nào dậy thì tôi phải bồng đi quanh, chứ không cháu lại lên cơn co giật, gồng đến tím cả người. Cháu vốn lanh lợi, vậy mà chỉ vì một phút bất cẩn, bây giờ lại sống đời sống thực vật. Cứ nhìn cháu, tôi không cầm được nước mắt…”, bà M.T.N (60 tuổi, ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), bà nội của cháu H. kể lại.

Dự phòng sặc ở trẻ

Theo bác sĩ Lê Văn Đoan, sặc ở trẻ em là tai nạn khá phổ biến, nhất là trẻ từ 1-3 tuổi. Ở tuổi này, trẻ thường ngậm, mút, cắn, nhai đồ vật nhưng lại chưa có răng hàm nên trẻ hay ngậm hoặc nuốt luôn sau đó. Trẻ nhỏ tuổi cũng có thói quen khóc, nô đùa..., trong khi miệng còn ngậm thức ăn, đồ vật. Trong khi đó, đường dẫn khí của phổi các bé còn nhỏ nên dễ bị hẹp tắc bởi dị vật, sức chịu đựng tình trạng thiếu oxy cấp yếu, nên nếu bị sặc sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Qua nhiều năm trực tiếp điều trị, bác sĩ Đoan nhận thấy khi trẻ có dấu hiệu bị sặc, điều cần thiết nhất là phụ huynh phải cực kỳ bình tĩnh để tiến hành sơ cứu đúng cách cho trẻ. “Nếu bị sặc hoàn toàn, chỉ cần chưa kịp đưa đến bệnh viện trong vòng 5 phút thì trẻ sẽ tử vong, hoặc nếu qua khỏi cũng để lại rất nhiều di chứng nặng nề về thần kinh do não bộ bị tổn thương bởi tình trạng thiếu oxy quá lâu. Vì vậy, các phụ huynh cần phải bình tĩnh để tiến hành các biện pháp sơ cứu cho con”, bác sĩ Lê Văn Đoan nói.
Bác sĩ Đoan cũng cho biết thêm, để tránh bị sặc ở trẻ, phụ huynh cần cho con ăn khi các bé tỉnh táo, không quấy khóc hoặc cười đùa, đặt trẻ nằm cao khoảng 15-30 độ, tốt nhất là bồng, cho trẻ ngồi hoặc nằm võng, tránh nằm giường. Nên chia nhỏ các bữa ăn để tránh nguy cơ nôn và dừng ngay nếu trẻ có biểu hiện ho khi đang ăn.

Trường hợp trẻ bị sặc, có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, khóc nghẹn…, cần hết sức bình tĩnh xử trí theo các bước: móc bỏ thức ăn và dị vật trong miệng, hút sạch mũi, đờm dãi, sau đó nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống thấp hơn ngực, lòng bàn tay đỡ lấy cằm trẻ, dùng cườm tay kia vỗ mạnh, nhanh vào lưng trẻ (giữa 2 xương bả vai) khi trẻ thở ra để phối hợp đẩy dị vật ra. Ngoài ra, cũng có thể đặt trẻ nằm ngửa, đầu thấp, sau đó dùng tay ấn ngực (vùng xương ức, giữa hai núm vú). Khi dị vật đã bật ra, trẻ sẽ hồng hào trở lại, khóc to. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, kiểm tra và lấy bỏ dị vật còn sót.

Bài và ảnh: BÌNH AN
 

;
.
.
.
.
.