.
Sức khỏe của bạn

Mãng cầu xiêm có trị được ung thư ?

.

Gần đây, trên một số phương tiện truyền thông và trong dân chúng rộ lên các thông tin quảng bá việc ăn mãng cầu xiêm có thể chữa trị được bệnh ung thư. Chúng ta thử tìm hiểu một cách khoa học về thông tin này.

Thông tin về cây mãng cầu xiêm

Mãng cầu xiêm còn gọi là mãng cầu gai, na xiêm, na gai, tên khoa học là Annona muricata, họ Annonaceae là loại cây cho trái ăn được. Mãng cầu xiêm có nguồn gốc Trung Nam Mỹ. Cây cũng được trồng ở châu Phi, Đông Nam Á và một số đảo Thái Bình Dương. Cây mãng cầu xiêm cao từ 3-10m, rậm, lá màu đậm, không lông, xanh quanh năm. Hoa màu xanh, mọc ở thân. Quả mãng cầu xiêm to và có gai mềm, thịt quả ngọt hơi chua, hạt có màu nâu sậm. Trái chín chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Giá trị dinh dưỡng

Theo Wikipedia và USDA, thành phần  dinh dưỡng của mảng cầu xiêm như sau:  Trong mỗi 100g chất thịt có 66 kcalo, đường bột 16,84 gam; chất đạm 1 gam; chất béo 0,3 gam; chất xơ 3,3 gam; Vitamin B1 0,07mg; Vitamin B2 0,05mg; Vitamin B3 0,9mg; Vitamin B5 0,253mg; Vitamin B6 0,059mg; Vitamin B9 (Folic acid) 14 µg; Vitamin C 20,9mg; Canxi 14mg; Sắt 0,6mg; Magie 21mg; Phospho 27,mg; Kali 278mg; Natri 14mg; Kẽm 0,1mg.

Người ta có thể dùng phần thịt ngọt để ăn, xay nước sinh tố trái cây, để làm kẹo, mứt, hương liệu làm kem. Tại Mỹ mãng cầu xiêm đã được công ty New Belgium Brewing dùng để làm bia Rolle Bolle mùa hè.

Tác dụng chữa bệnh ung thư

Cho tới nay, chưa có tài liệu khoa học chuẩn xác nào chứng minh trái mãng cầu xiêm có khả năng trị được các bệnh ung thư.

Riêng hạt mãng cầu xiêm, từ lâu người ta đã biết nó có chứa chất độc: người Ấn Độ dùng nước chiết hạt mãng cầu làm thuốc sát trùng ngoài da, dân Việt Nam ta cũng đem giã nhỏ đun lấy nước để gội đầu trị chấy, rận...

Theo PGS, TS, DS Nguyễn Hữu Đức, hạt mãng cầu xiêm chứa chủ yếu chất béo (khoảng 40%), 0,05% alcaloid trong đó có hai chất muricin và muricinin. Mới đây người ta phát hiện có những chất gọi chung là annonaceous acetogenins có thể gây độc cho tế bào, đặc biệt gây độc một dòng tế bào gây ung thư gan ở người.

Trên một số địa chỉ Internet, cũng có một số tài liệu cho rằng hạt mãng cầu xiêm có thể diệt tế bào gây ung thư nhiều loại, thậm chí có tài liệu ghi hạt này diệt 12 loại tế bào ung thư như tế bào ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tụy, ung thư phổi… Nhưng nói chung, đây chỉ là thử nghiệm sơ khởi trên ống nghiệm, chưa được kiểm chứng trên lâm sàng và chưa được một cơ quan chức năng ngành y dược nào phê chuẩn. Hơn nữa, những thông tin này thường thấy trên các tạp chí “lá cải”, press medicale không nổi tiếng.

Thay lời kết

Có ba điều liên quan đến sức khỏe cần hết sức lưu ý:

Một là y học là ngành khoa học chứng cứ (evidence based science), nghĩa là thuốc men, phương cách điều trị cần phải có những thực nghiệm theo dõi, kiểm chứng và có nghiệm thu, phê chuẩn mới được cho phép sử dụng trên cơ thể con người.

Hai là thực phẩm chức năng không phải là thuốc, thực phẩm chức năng rất cần thiết để bổ sung, hỗ trợ cho thuốc nhưng tuyệt nhiên không thể thay thế thuốc.

Ba là thuốc men liên hệ với mạng sống của con người, không thể nghe đồn thổi để rồi lấy bản thân làm “vật thí nghiệm” cho một loại thuốc không có chứng nghiệm rõ ràng.

TS, BS TRẦN BÁ THOẠI

Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.