.

Chế độ ăn của mẹ và khuyết tật bẩm sinh ở con

.

Khuyết tật bẩm sinh là những bất thường về hình dáng và chức năng của trẻ khi được sinh ra, dẫn đến khuyết tật về thể chất và tinh thần. Khuyết tật bẩm sinh cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Chế độ dinh dưỡng thích hợp cho các bà mẹ và bổ sung dinh dưỡng cả trước lẫn trong khi mang thai có thể ngăn chặn được một số loại dị tật bẩm sinh.

Phường Hòa Thuận Đông truyền thông chăm sóc sức khỏe phụ nữ trước khi mang thai.
Phường Hòa Thuận Đông truyền thông chăm sóc sức khỏe phụ nữ trước khi mang thai.

Bổ sung các loại vitamin

Trong chế độ ăn uống của các bà mẹ, nếu thiếu vitamin B9, còn gọi là folate hoặc axit folic, có thể dẫn đến dị tật hệ thần kinh ở trẻ sơ sinh. Dị tật hệ thần kinh như nứt đốt sống và thiểu năng trí tuệ là những vấn đề về phát triển não và tủy sống, thường bắt đầu trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Một trẻ sơ sinh khi bị nứt đốt sống thì cột sống không vững chắc, dẫn đến tổn thương thần kinh và tê liệt chân. Khi bị thiểu não, đứa trẻ trở thành gánh nặng của xã hội. Việc nhận được đầy đủ axit folic trước và trong khi mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu, có thể ngăn ngừa được khuyết tật hệ thần kinh. Chế độ ăn tham khảo (Dietary Reference Intake - DRI) để có đủ 400mg axit folic/ngày có thể từ vitamin tổng hợp hoặc từ các thực phẩm có chứa folate (dạng tự nhiên của axit folic). Thực phẩm giàu folate bao gồm: rau xanh, chất ngũ cốc, nước cam, đậu Hà Lan và hoa quả.

Bên cạnh vitamin B9, vitamin B12 cũng rất cần thiết trong việc phòng ngừa các khuyết tật hệ thần kinh. Phụ nữ cần 2,4mg/ngày và 2,6mg/ngày trong thời kỳ mang thai. Vitamin B12 có trong các sản phẩm từ sữa, thịt, gia cầm và trứng. Giống axit folic, phụ nữ cần tự đáp ứng đủ vitamin B12 cho mình trước khi thụ thai và trong thời kỳ mang thai để giảm nguy cơ khuyết tật hệ thần kinh cho trẻ. Phụ nữ có mức độ vitamin B12 thấp là những người bị rối loạn đường ruột làm cản trở sự hấp thụ vitamin B12 và những người ít hoặc không ăn thịt, trứng, các sản phẩm từ sữa. Phụ nữ có chế độ ăn uống nghèo nàn hoặc bị hạn chế cũng có nguy cơ sinh con mắc dị tật hệ thần kinh.

Các bệnh bẩm sinh do chế độ ăn không đúng

Bệnh tim bẩm sinh: Phụ nữ mang thai có chế độ ăn thiếu vitamin B2 và vitamin B3 thì con có nguy cơ bị bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt khi họ ăn nhiều chất béo bão hòa. Các sản phẩm sữa (ít hoặc không có chất béo để tránh chất béo bão hòa), gan và các loại rau xanh là nguồn cung cấp vitamin B2. Còn vitamin B3 có trong thịt gà, các loại ngũ cốc, cá, gan và các loại hạt.

Tật nứt bụng: Chế độ ăn uống nghèo nàn là yếu tố góp phần xuất hiện loại dị tật bẩm sinh: tật nứt bụng (trong đó, thành bụng của trẻ sơ sinh có vết nứt hoặc rách). Những phụ nữ ăn ít đạm hoặc kẽm và những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp có nguy cơ sinh con bị tật nứt bụng. Việc không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và hút thuốc lá khi mang thai cũng có thể gây ra tật nứt bụng.

Thoát vị cơ hoành bẩm sinh (CDH): Phụ nữ có chế độ ăn ít vitamin B12, vitamin E, canxi dễ sinh con bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh. Thoát vị bẩm sinh với một phần tạng phủ trong bụng lên ngực gây suy hô hấp trầm trọng.

Hở hàm ếch: Đây là một dị tật bẩm sinh xảy ra khi các mô của môi hoặc vòm miệng của thai nhi không phát triển cùng với sự phát triển của thai kỳ. Trẻ bị hở hàm ếch thường không có đủ mô ở miệng và mô này không kết với nhau một cách thích hợp để hình thành vòm miệng. Phụ nữ không có chế độ ăn uống hợp lý hoặc không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng có khả năng sinh con hở hàm ếch. Thiếu axit folic và vitamin A là nguyên nhân gây ra bệnh này.

Hội chứng nhiễm cồn ở bào thai (FAS): Jennifer K.Nelson, Giám đốc dinh dưỡng lâm sàng và Phó giáo sư dinh dưỡng tại Trường Khoa học Y tế Mayo (Rochester, Mỹ) cảnh báo phụ nữ mang thai nên tránh uống rượu để ngăn chặn việc sinh con bị mắc hội chứng nhiễm cồn ở bào thai. Cũng theo Nelson: “Trẻ sinh ra bị mắc hội chứng này thì kém phát triển cả về hình thể lẫn thần kinh”.

Việc cung cấp các chất dinh dưỡng thích hợp rất quan trọng cho cả mẹ và bé. Bổ sung vitamin trước khi sinh là điều cực kỳ cần thiết. Bổ sung sắt và canxi đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của thai nhi.

K.H


(Theo tài liệu chương trình chăm sóc sức khỏe trước mang thai và sàng lọc sơ sinh)

;
.
.
.
.
.