.

Sốt mò: Tìm "thủ phạm" ở vùng kín

.

Trong cùng một tuần cuối tháng 8 vừa qua, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn tiếp nhận liên tiếp hai bệnh nhân nữ (bà Đ., 58 tuổi và chị V., 20 tuổi), đều trú phường Hòa Quý, nhập viện với triệu chứng sốt cao và có vết loét đặc trưng do ấu trùng mò đốt. Hai bệnh nhân được chẩn đoán bị sốt mò, một bệnh tưởng đã “đi vào dĩ vãng” khi chỉ xuất hiện trong chiến tranh, thời ăn hầm ở núi.

ThS, BS Phạm Văn Dũng điều trị cho bệnh nhân sốt mò tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn.
ThS, BS Phạm Văn Dũng điều trị cho bệnh nhân sốt mò tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn.

Theo ThS, BS Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, sốt mò là bệnh hiếm gặp trên địa bàn Đà Nẵng. 10 năm qua, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn ghi nhận gần 40 ca bệnh sốt mò. Riêng một tuần gần đây có đến 2 người mắc. Địa bàn quận Ngũ Hành Sơn là nơi trước đây có nhiều đất nông nghiệp, quá trình đô thị hóa khiến nguy cơ tiếp xúc với ổ dịch trong tự nhiên tăng cao.

Điểm đặc biệt trong điều trị sốt mò là nếu không tìm được vết loét do mò (ve) đốt, bệnh thường dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh nhiễm trùng khác như: viêm họng, sốt Dengue, nhiễm trùng đường tiểu. Khi đó, việc điều trị sẽ trở nên cực kỳ phức tạp, phương pháp sử dụng các xét nghiệm cận lâm sàng hay xét nghiệm đắt tiền, sử dụng nhiều kháng sinh cũng không phát huy tác dụng (ngoài ý nghĩa giúp loại suy một khi bác sĩ còn lúng túng trong chẩn đoán). Ngược lại, chỉ cần xác định được vết đốt của mò, đây sẽ là cơ sở quan trọng đáng lưu ý để có thể chẩn đoán đó là bệnh sốt mò.

Trong trường hợp sốt mò, chỉ cần điều trị bằng Doxycycline 100mg x 2 viên/ngày với giá rất rẻ sẽ cho kết quả tốt. Cụ thể, có đến 97,3% bệnh nhân được chẩn đoán sốt mò tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn đáp ứng tốt với Doxycycline và cắt sốt sau 2 ngày dùng thuốc.

Điều đáng nói, vị trí vết loét do ấu trùng mò đốt phần lớn đều nằm chỗ kín, nhất là ở lưng, bẹn, bộ phận sinh dục, thậm chí trong nếp rốn, nếp nhăn mi mắt và vành tai nên rất khó phát hiện. Bệnh nhân cũng không cảm thấy đau, ngứa tại vết loét. Bên cạnh đó, thông thường bác sĩ chỉ gặp một vết loét trên người bệnh, hiếm khi có hai hoặc nhiều vết loét. Các ca bệnh ghi nhận tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn hầu hết là nữ trên 60 tuổi, làm nghề nông. Một số người mắc bệnh do có thói quen đi vệ sinh “lộ thiên” nên bị mò đốt ở những vị trí nhạy cảm và hoàn toàn khó phát hiện.

Tại Việt Nam, thời điểm bệnh sốt mò bộc phát là từ đầu đến cuối mùa mưa. Con mò (ve) có thể truyền mầm bệnh từ đời này sang đời khác, nhưng tối đa chỉ 2-3 đời. Bệnh lây qua vết đốt của ấu trùng mò có mang mầm bệnh. Vết loét do mò đốt có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính dài nằm theo nếp nhăn của da, kích thước 2-3mm x 3-5mm. Thời kỳ khởi phát bệnh nhân bị sốt, có dấu hiệu nhiễm độc. Thời kỳ toàn phát có 4 triệu chứng chính: sốt, có vết loét, sưng hạch toàn thân, phát ban.

ThS, BS Phạm Văn Dũng chia sẻ: “Qua kinh nghiệm điều trị sốt mò, chúng tôi xác định việc thăm khám lâm sàng thật tỉ mỉ để tìm vết loét do ấu trùng mò đốt khi đứng trước một trường hợp sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân là điều rất quan trọng. Điều này giúp chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó giảm chi phí cho bệnh nhân và xã hội”.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.