.
Chuyện trạm y tế xã thời nay

Kỳ 1: Chuyện người, chuyện máy

.

Việc đến trạm y tế (TYT) để khám chữa bệnh đã và đang dần… đi vào dĩ vãng đối với người dân nội thành, bởi bệnh viện hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, với người dân ở các xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, TYT vẫn là một cơ sở y tế vô cùng quan trọng trong việc khám chữa bệnh ban đầu. Đặc biệt gặp tình huống cấp cứu, TYT càng là nơi đầu tiên bà con ở khu vực nông thôn tìm đến.

Trạm y tế Hòa Phong có bác sĩ và máy móc tương đối bảo đảm khám ban đầu. Trong ảnh: Bác sĩ CK I Nguyễn Triêm siêu âm bụng cho bệnh nhân.
Trạm y tế Hòa Phong có bác sĩ và máy móc tương đối bảo đảm khám ban đầu. Trong ảnh: Bác sĩ CK I Nguyễn Triêm siêu âm bụng cho bệnh nhân.

Huyện Hòa Vang có 11 xã, trong đó 8 xã đã có bác sĩ. Điều đặc biệt ở các TYT xã là trong khi bác sĩ trẻ nhất quyết “không về”, thì ngược lại, bác sĩ làm lâu năm tại trạm lại kiên quyết… “không đi” dù có cơ hội luân chuyển. Các trạm cũng đã được trang bị một số trang thiết bị phục vụ  khám chữa bệnh. Tuy nhiên, chuyện máy chờ người, người chờ máy diễn ra ở không ít nơi.

Trạm y tế đông bệnh nhân như... bệnh viện

Có mặt tại TYT xã Hòa Phong vào sáng đầu tuần, chúng tôi phải đợi qua giờ khám của bác sĩ vì nơi này có lượng bệnh nhân rất đông. Trung bình mỗi ngày trạm tiếp nhận 120 bệnh nhân, cao điểm có ngày trên 180 bệnh nhân. Với 1 bác sĩ và 2 y sĩ trực tiếp khám, quả thật khối lượng công việc tại đây không thua kém, thậm chí áp lực hơn môi trường bệnh viện. Dù Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang vừa đi vào hoạt động và cách TYT này chỉ gần 2km nhưng bà con xã Hòa Phong và một vài xã lân cận cũng đến trạm khám như bao lâu nay. Bác sĩ Trần Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hòa Vang thừa nhận: “Có bệnh viện rồi nhưng số bệnh nhân đến trạm Hòa Phong vẫn không hề sụt giảm”.

Đây là điều lạ, song cũng là niềm tự hào của đội ngũ y tế xã khi thực tế cho thấy, các trạm vẫn là điểm đến đầu tiên và rất cần thiết của bà con. TYT Hòa Tiến mỗi ngày tiếp nhận khoảng 40 bệnh nhân. Con số này không cao như Hòa Phong, nhưng nếu xét đặc thù trạm chưa có bác sĩ cố định (tính đến tháng 9-2014, đã có 1 bác sĩ được cử về công tác nhưng còn đang đi học), phải dựa vào nguồn bác sĩ tăng cường thì lượng bệnh như vậy là không nhỏ. Trong khi đó, TYT Hòa Bắc với số dân chỉ 3.800 người (bằng 1/5 so với các xã khác) cũng tiếp nhận 400 lượt bệnh/tháng.

“Cục vàng” của xã

Dân cư đông, mặt bệnh nhiều, bác sĩ trẻ không chịu về công tác. Vì vậy, đối với những xã may mắn có bác sĩ bám trụ, bà con quý bác sĩ như “cục vàng”. 1 bác sĩ/1-2 vạn dân/xã thì không có lý gì bác sĩ không trở thành người nổi tiếng và được người người, nhà nhà của cả xã đều biết mặt, thuộc tên. Hơn nữa, cả 8/8 bác sĩ đang hoạt động ở các xã tại huyện Hòa Vang đều là người sinh ra, lớn lên và có thâm niên làm việc tại địa phương hơn, nên không riêng bà con biết bác sĩ, mà bác sĩ cũng nhớ mặt bệnh nhân, hiểu hoàn cảnh của từng người đến trạm.

Hiện Hòa Vang còn thiếu 3 bác sĩ (các xã Hòa Ninh, Hòa Châu, Hòa Phước) để bảo đảm 100% TYT xã có bác sĩ. Thu hút thêm 3 người cũng là vấn đề nan giải của cả ngành y tế. Bác sĩ Trần Sỹ chia sẻ: “Bệnh viện huyện còn thiếu tới 10 bác sĩ chuyên khoa lẻ, huống gì nói đến chuyện đủ bác sĩ cho TYT”.

Tuy nhiên, gặp và trò chuyện với các bác sĩ là trạm trưởng ở hầu hết các TYT xã, điều dễ cảm nhận là các cán bộ này đều thật sự hài lòng với công việc và thẳng thắn thừa nhận: Nếu được điều chuyển, thậm chí chuyển lên chức vụ quản lý cao hơn cũng không muốn đi.

Bác sĩ CK I Nguyễn Triêm, Trạm trưởng TYT Hòa Phong tâm sự: “Làm ở đâu cũng là làm việc. Ở đây, tôi được giúp trực tiếp cho bà con, xóm giềng. Ngoài công việc còn là tình cảm quê hương. Chỉ biết lớn lên, làm việc suốt mấy chục năm nay với bà con nên quen và thân thương quá rồi”. Bác sĩ Triêm chia sẻ thêm: Ra đường thấy ấm áp lắm, bà con nhiều người nhớ mình, đám cưới đám tiệc gì cũng mời bác sĩ tới nhà chia vui.

Cùng chia sẻ này, bác sĩ Phan Văn Hiệp, Trạm trưởng TYT Hòa Bắc cười rất tươi khi nói về công việc hằng ngày: “Bệnh nhân ở quê thấy thương lắm! Có người đến nhà, đợi tôi đi làm về nhờ khám bệnh (không tính tiền khám) rồi nói: “Bán cho bác 30.000 đồng thuốc”. Nghĩa là bệnh nhân không nghĩ mua thuốc theo toa mà mua theo số tiền họ có”.

Một lý do góp phần khiến những năm gần đây, các bác sĩ đang công tác tại TYT xã yên tâm với nghề, đó là việc được hưởng 200% lương. Với mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng (sau khi đã nhận thêm 100%), các bác sĩ nhận thấy cuộc sống kinh tế ổn định hơn để tập trung làm tốt phận sự. Dù vậy, chính sách này bảo đảm mức “thu” cho bác sĩ đang làm ở trạm, nhưng vẫn chưa “hút” được người mới.

Máy chờ người, người chờ máy

Đến các TYT xã hiện nay, bệnh nhân sẽ được thăm khám bằng một số máy móc tạm gọi là hiện đại như máy siêu âm, máy đo điện tim, thở oxy, hút đờm, đo đường huyết, v.v… Nhưng sự trang bị này không phải nơi nào cũng có và đồng đều.

Tại TYT Hòa Tiến, chúng tôi nhìn thấy chiếc máy đo điện tim được cất gọn gàng… trong tủ, chiếc máy siêu âm thì được cán bộ y tế cho biết đang đặt tại… Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang. Lý do là phải có bác sĩ mới dùng máy này được. Trong khi đó, bác sĩ - người sẽ về phụ trách trạm này còn đang đi học kỹ thuật sử dụng máy móc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Thế nên, chỉ những ngày có bác sĩ tăng cường về trạm, máy mới được mang ra dùng, còn máy siêu âm phải để tại bệnh viện sử dụng hằng ngày, bởi “để không” sẽ hỏng.

Dù sao Hòa Tiến cũng cho thấy “đang trên đà phát triển” vì đã có phương tiện và con người sẵn sàng cho một sự đổi mới tại đây. Ở một số xã khác, cả thiết bị lẫn con người đều còn đang phải chờ, và chờ cho đến bao giờ vẫn là câu hỏi khó trả lời.

Nếu Hòa Tiến có máy và chờ người, Hòa Bắc lại gặp trường hợp người chờ máy. Bác sĩ Hiệp, Trạm trưởng Hòa Bắc mong ước trạm được trang bị một máy siêu âm. “Người dân muốn làm siêu âm phải đi từ làng ra tới Liên Chiểu hết 20-30km. Người trẻ hay người già đi lại như vậy đều bất tiện. Trạm có bác sĩ rồi, học sử dụng máy chỉ khoảng 4 tháng nên tôi tin chỉ cần có phương tiện thì sẽ ổn”, bác sĩ Hiệp nói.

THU HOA - HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.