.
Sức khỏe của bạn

Rubella và thai nghén

.

Bệnh Rubella đang là nỗi lo rất lớn của phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Khá nhiều phụ nữ mang thai, dù là con quý, cũng đành lòng bỏ thai ngoài ý muốn vì quá sợ nguy cơ con bị khuyết tật dị hình do “hội chứng rubella bẩm sinh”. Thai nhiễm bệnh, thai khuyết tật phải bỏ đi đã đành, nhiều thai phụ do không hiểu hết bệnh lý, hoặc không được tư vấn đúng đắn đã loại bỏ những thai nhi “oan uổng”.

Vài nét về bệnh nhiễm Rubella

Bệnh Rubella, còn gọi là bệnh sởi Đức (German measles), là bệnh sốt phát ban như bệnh sởi thường thấy. Điểm khác biệt là tuy Rubella cũng chỉ là một bệnh phát ban do vi-rút nhẹ, nhưng nếu bệnh xảy ra trên phụ nữ có thai thì có thể gây hội chứng rubella bẩm sinh (congenital rubella syndrome, CRS) rất nguy hiểm, để lại những di chứng nặng nề cho trẻ sơ sinh: đục thủy tinh thể, mù mắt, điếc, tim bẩm sinh, khuyết tật não và hệ thần kinh…

Vi-rút Rubella lây truyền chính qua đường hô hấp. Người bệnh khi ho, hắt hơi sẽ bắn tung nhiều giọt nước li ti mang đầy mầm bệnh sang người lành. Mẹ mang thai bị bệnh có thể lây truyền vi-rút cho thai nhi.

Từ khi nhiễm vi-rút đến khi phát bệnh, giai đoạn ủ bệnh, khoảng 2-3 tuần lễ. Bệnh nhân sau khi sốt, đau khớp, đau mình mẩy, sưng các hạch sau gáy, cổ… khoảng 3 ngày ban đỏ sẽ xuất hiện, bắt đầu từ mặt cổ lan xuống lưng, ngực. Khi đã ra ban thì bệnh nhân sẽ hết sốt, nếu không có biến chứng cấp như viêm họng, sưng phổi thì bệnh đỡ dần.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh Rubella, các biện pháp của y tế chỉ là điều trị triệu chứng và di chứng: thuốc sốt, thuốc kháng sinh chống bội nhiễm, thuốc ho, thuốc bổ…

Tiêm phòng vắc xin ngừa Rubella rất hiệu quả. Ở Canada, người ta đã đưa chương trình tiêm phòng Rubella từ năm 1969, do đó hiện nay bệnh không còn nữa, chỉ thấy rất hiếm trường hợp mắc bệnh, đa phần là ở người mới nhập cư từ các vùng có bệnh lưu hành.

Các xét nghiệm labo để chẩn đoán nhiễm Rubella

Cũng như mọi vi sinh vật gây bệnh, vi-rút Rubella khi vào cơ thể cũng sẽ kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra các kháng thể chống lại vi-rút này. Hai loại kháng thể hay được định lượng để chẩn đoán bệnh Rubella là IgM và IgA.

Ngoài ra, kỹ thuật PCR là kỹ thuật phân tử cực kỳ đặc hiệu để xác định thành phần axít nhân của vi-rút. Tiếc rằng, kỹ thuật “cao cấp” này chỉ một số cơ sở y tế làm được, chưa đại trà.

Ba vấn đề quan trọng cần phải nắm

Một là sự phát triển thai: Từ trứng, hợp tử của noãn và tinh trùng, thai nhi cần hơn 36 tuần (chín tháng mười ngày) để phát triển thành đứa trẻ sơ sinh hoàn chỉnh. Sự phát triển này qua 2 giai đoạn: 12 tuần đầu là giai đoạn phôi (embryos) là thời kỳ đang hình thành những cơ quan, bộ phận và 24 tuần tiếp theo là giai đoạn thai (fetus) là sự lớn lên, trưởng thành các cơ quan bộ phận đã có. Nguy cơ lây nhiễm và bị vi-rút Rubella ảnh hưởng lên thai nhi phụ thuộc sát theo giai đoạn của thai kỳ.

Nguy cơ khi bà mẹ nhiễm Rubella: Theo Hội Sản Phụ khoa Canada, SOGC, 2 nguy cơ khi mẹ nhiễm Rubella gồm:

(1) Nguy cơ lây vi-rút từ mẹ qua thai nhi: 12 tuần: 80%; 14-24 tuần: 25%,  26-30 tuần: 35%;  36 tuần trở đi: 100%.

(2) Nguy cơ bị hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS): Dưới 11 tuần:  90%; 11-12 tuần: 33%;  13-14 tuần: 11%; 15-16 tuần: 24%; trên 16 tuần: hiếm 0%.

Ý nghĩa các kết quả xét nghiệm: Có  4  tình huống xảy ra

1. IgM (âm) và IgG (âm): Bình thường hoặc nhiễm Rubella giai đoạn “cửa sổ”. Cần định lượng lại IgM và IgG sau 2-3 tuần.

2. IgM (dương) và IgG (âm): Nhiễm rubella cấp, cần xét nghiệm IgM và IgG sau 2 tuần. Nếu IgM tăng và IgG dương, chắc chắn bị nhiễm Rubella; nếu IgM dương tính nhưng IgG vẫn âm, kết quả IgM này là dương “không đặc hiệu”, cần làm thêm các xét nghiệm cao hơn.

3. IgM (âm) và IgG (dương): Đã có miễn dịch với rubella hoặc đã được tiêm phòng.

4. IgM (dương) và IgG (dương): Bị nhiễm Rubella đợt cấp tính.

Thay lời kết

Rubella có thể gây hội chứng Rubella bẩm sinh CRS vô cùng nguy hại, để lại di chứng nặng nề. Tiêm chủng là cách chắc chắn và hiệu quả để ngăn ngừa bệnh.

Chuẩn bị làm mẹ dứt khoát phải tiêm phòng Rubella, một tháng sau chủng ngừ a có thai sẽ rất an toàn. Nếu có thai khi chưa chủng ngừa, cần phải đến bác sĩ để được tư vấn.

 TS, BS TRẦN BÁ THOẠI

Trưởng khoa Quốc tế, BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.