.
BHYT giảm chi trả 28 loại thuốc có chi phí lớn

Vừa áp dụng, vừa nghe ngóng

.

Không biết việc chữa bệnh của mình sẽ đi đâu về đâu, đó là tâm trạng của các bệnh nhân tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đang điều trị bằng thuốc Tarceva, một loại rất đắt đỏ trong nhóm 28 loại thuốc bị bảo hiểm y tế (BHYT) giảm chi trả kể từ đầu năm 2015.

Theo bác sĩ Trần Quang Hiếu, Phó Giám đốc Thường trực Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, kể từ ngày 1-1-2015, Bệnh viện phải áp dụng theo quy định chi trả BHYT chung cho cả nước. Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung cũng vừa áp dụng quy định mới, vừa nghe ngóng để có sự phản hồi, điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế của người bệnh.

“Làm ơn lên tiếng giùm chúng tôi”

Suốt ngày 29-12, bà Trương Thị Bích Hoa (59 tuổi), bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại phòng 906, khoa Hóa trị 2, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng cứ rơi nước mắt mỗi lần nhắc đến việc có thể sẽ phải đồng chi trả một số tiền khá lớn, nếu luật BHYT mới được áp dụng.

Đến từ xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, với mức lương hưu hơn 3 triệu đồng/tháng dành cho giáo viên tiểu học, bà Hoa một mình nuôi con trai và chăm mẹ già 86 tuổi. Bà chia sẻ: “Tôi không muốn than nghèo kể khổ, nhưng từ trước đến nay, tôi chỉ đồng chi trả 5%, nay phải nâng lên 50-70% cho loại thuốc mình đang dùng vốn rất đắt tiền thì đúng là ngoài sức chịu đựng”.

Điều trị tại Bệnh viện Ung thư hơn một năm nay, sau khi trải qua đủ các phác đồ điều trị nhưng không đáp ứng, cách đây 3 tháng, bà Hoa được chỉ định sử dụng thuốc uống Tarceva 100mg. Giá một viên là 890.000 đồng và mỗi ngày bà Hoa phải uống hai viên, tương đương chi phí riêng cho loại thuốc này lên đến trên 1,7 triệu đồng/ngày. Đây là loại thuốc bệnh nhân phải uống mỗi ngày, trung bình mỗi tháng hết 45 triệu đồng, chưa tính các chi phí khác.

Theo cách tính BHYT từ trước đến nay, bà Hoa đồng chi trả 5%. Với một giáo viên nghèo về hưu, số tiền như vậy cũng đã là nhiều đến vắt kiệt tài sản để chữa bệnh. Thế nhưng, bây giờ nghe tin sắp có cách tính mới, đó là Tarceva nằm trong danh mục các loại thuốc BHYT giảm chi xuống còn 30-50%, đồng nghĩa với việc bệnh nhân phải đồng chi trả từ 50-70%, tương đương mỗi ngày bà Hoa phải đồng chi trả gần 900.000 đồng tiền thuốc.

Đang nghe ngóng tình hình

Một bác sĩ tại khoa Hóa trị 2 chia sẻ: Tarceva giống như phương thuốc cuối cùng cho một số bệnh ung thư giai đoạn cuối, khi bệnh nhân đã được áp dụng qua tất cả các phác đồ. Đây là loại thuốc mang lại hiệu quả cao trong điều trị.

Một số bệnh nhân có đáp ứng ngoạn mục với Tarceva như khối u di căn não, người bệnh nằm liệt giường, nhưng sau 4 tháng uống thuốc này thì bệnh nhân vận động được. Các kết quả nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, đáp ứng tốt với Tarceva, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có thể kéo dài thời gian sống lên 16 tháng, cao hơn 40% thời gian sống so với sử dụng hóa chất.

Cũng vì gần như là lựa chọn cuối cùng đối với một số bệnh, nên nếu không đủ tiền chi trả, không thể tiếp tục sử dụng Tarceva, đồng nghĩa với việc bệnh nhân hết đường chạy chữa. Điều đáng nói hiện nay có đến trên 90% bệnh nhân đang điều trị Tarceva tại khoa này là người nghèo.

Theo bác sĩ Trần Quang Hiếu, cách tính BHYT như trên chỉ áp dụng cho bệnh nhân mới nhập viện từ ngày 1-1-2015, còn những bệnh nhân nhập viện trước đó, có đáp ứng tốt với thuốc vẫn được tính giá như cũ. Phía bệnh viện đang chờ những chỉ đạo, thay đổi và hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH để có hướng giải quyết phù hợp.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.