.

Chào con yêu!

.

Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại Đà Nẵng được chào đón trong niềm hạnh phúc vỡ òa của ông bà, cha mẹ và tất cả y bác sĩ khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi vào 10 giờ ngày 25-12.

Bé trai đầu tiên được GS,BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng TS,BS Trần Đình Vinh đón rồi lập tức được áp da kề da trên  ngực mẹ.
Bé trai đầu tiên được GS,BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng TS,BS Trần Đình Vinh đón rồi lập tức được áp da kề da trên ngực mẹ.

Ngày 25-12 có ý nghĩa đặc biệt không chỉ của một gia đình, mà với ngành y tế Đà Nẵng bởi đây được coi là sự kiện bước ngoặt trong lĩnh vực TTTON. Sau quá trình dài chuẩn bị, đến nay, ca mổ đầu tiên đã thành công mỹ mãn với sự tham gia trực tiếp của GS,BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng- người tiên phong trong lĩnh vực TTTON tại Việt Nam.

Niềm vui vỡ òa

3 bé ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm

Ngoài sản phụ T.Tr, sáng 25-12, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi có thêm hai sản phụ đón con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Như vậy có tổng cộng 3 bé gồm 2 trai và 1 bé gái đầu tiên ra đời bằng TTTON tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi vào sáng 25-12.

Hơn 9 tháng chờ đợi kể từ ngày thực hiện công đoạn đầu tiên của quá trình TTTON cho sản phụ T.Tr (33 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng), sáng 25-12, từ rất sớm, lãnh đạo Sở Y tế và Bệnh viện Phụ sản - Nhi đã chỉnh tề trang phục để đón chào một sự kiện trọng đại.

Bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi, hạnh phúc nói rằng ông cảm giác hân hoan như mình chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Với TS,BS Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện, dù đã trực tiếp đón hàng ngàn trẻ chào đời nhưng lần này, là người mổ chính cùng GS,BS Phượng, ông không thể giấu sự hồi hộp xen lẫn bao cảm xúc mừng vui.

Đứng trong phòng phẫu thuật lặng lẽ quan sát vợ “vượt cạn”, anh Đoàn Việt Hà (35 tuổi), bố của bé, chia sẻ: Hai vợ chồng đã đợi giây phút này suốt 4 năm qua. Được chẩn đoán vô sinh nguyên phát với 3 lần bơm tinh trùng vào buồng tử cung nhưng thất bại, tuy vậy lần này với phương pháp TTTON, anh và chị đều cảm thấy rất tự tin. Và mọi nỗ lực của vợ chồng anh đã được đền đáp bằng khoảnh khắc bé cất tiếng khóc chào đời.

Chứng kiến giây phút bé chào đời được phát trực tiếp trên sóng truyền hình, tất cả những người có mặt trong hội trường Bệnh viện Phụ sản - Nhi vỗ tay reo hò. Có thể ví khoảnh khắc ấy giống một pha ăn mừng khi đội tuyển bóng đá Việt Nam ghi được bàn thắng đẹp trong trận chung kết.

Bước ra từ phòng mổ, GS,BS Phượng cười rạng rỡ. Bà nói: “Tôi đang sống lại cảm giác của 17 năm trước, khi lần đầu tiên đón em bé ra đời bằng TTTON tại Việt Nam”. Còn với người bố, anh lặng đi không nói nên lời. Điều duy nhất anh có thể chia sẻ là: “Tôi đặt tên con là Thiên Phúc, nghĩa là món quà mà ông trời đã ban cho chúng tôi”.

Bước ngoặt trong điều trị vô sinh

Đối với ông bố trẻ, đứa con chào đời sau bao năm mong mỏi là món quà của tạo hóa. Nhưng với ngành y tế Đà Nẵng nói chung, Bệnh viện Phụ sản - Nhi nói riêng, đó là cả quá trình lâu dài chuẩn bị để đến ngày gặt hái kết quả ban đầu.

Tháng 3-2014, khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chính thức hoạt động với sự chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia của Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh thành phố Hồ Chí Minh (HOSREM), trong đó đặc biệt là vai trò của GS,BS Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội và các bác sĩ Bệnh viện Mỹ Đức.

Tính đến hết tháng 11-2014, sau hơn 8 tháng triển khai TTTON, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã thực hiện được 116 chu kỳ chuyển phôi tươi và 25 chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh với tỷ lệ thành công tương đương với các trung tâm lớn trong nước. Trong đó, với phương pháp chuyển phôi tươi, tỷ lệ có thai lâm sàng là 39 trường hợp, chiếm 33,6%. Với phương pháp chuyển phôi trữ lạnh, tỷ lệ có thai lâm sàng là 11 trường hợp, chiếm 44%. Hiện tại khoa có 5 bác sĩ, 4 chuyên viên phôi học, 8 nữ hộ sinh và 1 hộ lý.

Trước khi triển khai TTTON, khoa Hiếm muộn đã có 10 năm chuẩn bị. Từ năm 2004, khoa Hiếm muộn, tiền thân là Phòng hiếm muộn, khoa Sản - Bệnh viện Đà Nẵng đã là vệ tinh của Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, phối hợp đảm nhận một số phần việc trong toàn bộ quy trình TTTON. Đến nay, với sự hoàn thiện về thiết bị, nhân lực và kỹ thuật, khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi đã đạt chuẩn giống như các mô hình trung tâm hỗ trợ sinh sản hiện đại trong nước. Toàn bộ quy trình TTTON đã có thể thực hiện độc lập tại khoa này, bệnh nhân không cần di chuyển đi các nơi như trước đây.

Hơn 30 năm trước (ngày 25-7-1978), em bé TTTON đầu tiên trên thế giới chào đời tại Anh. Hiện nay, mỗi năm thế giới có khoảng 1,5 triệu trường hợp TTTON. Ở các nước phát triển, TTTON chiếm từ 2-5% trên tổng số trẻ sơ sinh hằng năm.

Tại Việt Nam, 17 năm trước (ngày 30-4-1998) đã chứng kiến sự kiện đón 3 em bé đầu tiên ra đời bằng TTTON. Đến nay, cả nước đã có 20 trung tâm TTTON được thành lập, thực hiện hơn 15.000 chu kỳ TTTON/năm. Ước tính có hơn 20.000 em bé đã ra đời từ kỹ thuật TTTON tại Việt Nam. Chi phí thực hiện kỹ thuật này ở nước ta thuộc loại thấp nhất thế giới nhưng tỷ lệ thành công khá cao.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.