.

Kiểm soát bệnh truyền nhiễm lây lan qua biên giới

.

Một số bệnh dịch tưởng đã trôi vào quá khứ nay trở lại với mức độ nguy hiểm cao hơn. Bên cạnh đó, các bệnh dịch mới nổi bùng phát và trở nên khó kiểm soát là những lý do để ngành y tế 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia cùng ngồi lại chia sẻ thông tin và học hỏi kinh nghiệm phòng bệnh, nhất là phòng bệnh truyền nhiễm lây lan qua biên giới.

Các bác sĩ ngành y tế 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia tại hội thảo.
Các bác sĩ ngành y tế 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia tại hội thảo.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 4 và 5-12 tại Đà Nẵng với sự tham dự của đại diện các Cục Y tế dự phòng, Viện, Trung tâm vệ sinh dịch tễ 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Cẩn trọng với “bệnh lãng quên”

Dịch hạch là một trong những “bệnh lãng quên” được nhắc đến tại hội thảo lần này. Trên thế giới, nhiều năm qua không tồn tại dịch hạch. Thế nhưng gần đây, dịch hạch đang quay lại tại một số nước với tỷ lệ tử vong cao. Điều đáng nói, dịch hạch trở nên phức tạp hơn khi xuất hiện tình trạng kháng thuốc và sự biến đổi khí hậu làm động lực của dịch hạch tăng thêm.

Bác sĩ Phạm Công Tiến, Trưởng khoa Côn trùng - Miễn dịch, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, tính đến nay, ca nhiễm dịch hạch cuối cùng tại Việt Nam là vào tháng 3-2003, tức cách đây hơn 10 năm. Tuy vậy, không thể chủ quan với căn bệnh chết người này.

Từ tháng 8 đến tháng 10-2014, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã thực hiện nghiên cứu về vật chủ, véc-tơ truyền bệnh tại các cửa khẩu khu vực Tây Nguyên. Kết quả thật đáng lo ngại khi chỉ số bọ chét và tỷ lệ nhiễm bọ chét trên các đàn chuột ở các cửa khẩu quá cao. Trong khi đó, bọ chét nhiễm khuẩn là vật thể trung gian lây truyền bệnh dịch hạch.

Cụ thể, nghiên cứu này giám sát 4 loài mang mầm bệnh dịch hạch là chuột lắt, chuột rừng, chuột bóng, chuột chù. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm bọ chét của chuột lắt đến trên 55%, chuột rừng trên 31%, v.v… Chỉ số bọ chét và tỷ lệ nhiễm bọ chét ghi nhận ở của khẩu Lệ Thanh (giáp biên giới Campuchia) gấp nhiều lần mức cảnh báo của WHO.

Ở các cửa khẩu khác trong cuộc nghiên cứu trên, con số cũng báo động không kém. Đây là những nguy cơ có thể xuất hiện trở lại bệnh dịch hạch bất cứ lúc nào. Bác sĩ Phạm Công Tiến còn cho biết, ở Việt Nam có 34 loài bò chét thuộc 7 họ, trong đó khu vực Tây nguyên có 13 loài.

Phòng bệnh nhìn từ Việt Nam

Các nước tham dự hội thảo bày tỏ mong muốn cử người sang Việt Nam học tập chính sách, hướng dẫn và chiến lược phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm.

Để kiểm soát dịch bệnh có thể lây truyền qua đường biên giới, Việt Nam xây dựng tổng số 44 trạm ở các cửa khẩu dọc chiều dài đất nước bao gồm 17 trạm giáp Trung Quốc, 11 trạm giáp Lào và 16 trạm giáp Campuchia. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Việt Nam thiết lập mạng lưới giám sát đối với 5 loại bệnh dịch mới nổi gồm cúm mùa, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh dịch nói chung.

Bác sĩ Ngữ Duy Nghĩa, Phòng Giám sát và phòng chống dịch của Viện Vệ sinh và Dịch tễ Trung ương, công bố 10 bệnh có số mắc cao từ năm 2012-2014 ở khu vực giáp Lào và Campuchia. Trong đó, bệnh đường hô hấp và tiêu hóa phổ biến nhất. Cụ thể, các địa phương giáp Lào thường xuất hiện bệnh cúm mùa, tiêu chảy, lỵ, dại (riêng bệnh dại đã làm 79 người chết trong 3 năm); khu vực giáp Campuchia thường có bệnh truyền nhiễm như: cúm mùa, tiêu chảy, thủy đậu, tay chân miệng (khu vực này đã có 38 người chết vì thủy đậu trong 3 năm qua).

THU HOA

;
.
.
.
.
.
.