.

Những mảnh ghép nụ cười

.

Còn gì hạnh phúc hơn khi khép lại một năm, thành quả chúng ta có được là những nụ cười tươi tắn. Những ngày cuối cùng của năm 2014 cũng là dịp ghi dấu 5 đợt phẫu thuật sứt môi hở vòm miệng miễn phí cho trẻ em khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với tất cả 125 nụ cười đều được “lắp ghép” an toàn, thành công.

Bác sĩ Đẩu bế em bé trước phẫu thuật (ảnh trái) và sau phẫu thuật lần đầu tại Đà Nẵng.
Bác sĩ Đẩu bế em bé trước phẫu thuật (ảnh trái) và sau phẫu thuật lần đầu tại Đà Nẵng.

Chương trình do đoàn của bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu đến từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thực hiện, thông qua sự hỗ trợ của tổ chức Smile Train và Hội đồng hương Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyến trở về nào cũng rất nhiều “quà”

Lại trở về quê hương vào dịp cuối năm, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt (RHM), Bệnh viện Nhi đồng 1, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh, xúc động cho biết chuyến đi lần này đặc biệt hơn, bởi đây còn là dịp sơ kết để nhìn lại hành trình 5 đợt phẫu thuật mang nụ cười cho bé thơ tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Là bác sĩ chuyên khoa RHM, thường xuyên chứng kiến bà con đồng hương lặn lội đường xa đi điều trị, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu đã ấp ủ dự định mang ekip từ thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng phẫu thuật tại chỗ, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Dự định tốt đẹp của ông đã trở thành sự thật thông qua sự tài trợ của tổ chức Smile Train (tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ trẻ em bị sứt môi hở vòm miệng trên toàn thế giới). Tháng 10-2013, chương trình lần đầu chính thức triển khai tại Đà Nẵng. Kể từ đó, những con số trẻ em đủ điều kiện sức khỏe được phẫu thuật cứ thế nhân lên cho đến hôm nay là 125 bé. Có cháu mới 3 tháng tuổi, có những cháu đã lớn và trải qua nỗi mặc cảm suốt tuổi thơ.

Ngẫm lại chặng đường hơn một năm với 5 đợt phẫu thuật, bác sĩ Đẩu… làm một bài toán kinh tế: qua khảo sát của ông, cứ mỗi bé vào thành phố Hồ Chí Minh điều trị, dù dị tật sứt môi được miễn phí nhưng chi phí ăn ở, đi lại cũng tiêu tốn của gia đình 20 triệu đồng. Như vậy, với 125 ca điều trị tại chỗ, tính ra chương trình đã góp phần làm lợi cho xã hội 2,5 tỷ đồng.

Sự trở về của bác sĩ Đẩu không chỉ với vai trò người làm chuyên môn. Lý do đưa ông về quê còn xuất phát từ một tình yêu cháy bỏng cùng hai tiếng “đồng hương”. Bởi thế, ngoài công việc phẫu thuật và chuyển giao kỹ thuật, lần nào theo ông trở về cũng có… rất nhiều quà. Hơn 200 phần quà, mỗi phần trị giá 500.000 đồng đã được vị Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng vận động từ các mạnh thường quân để tặng các bệnh nhi sứt môi và cả những bé bị ung thư máu. Đó là lý do vì sao trước mỗi chuyến đi, ông phải lên kế hoạch mất 2 tháng.  

Cần có bệnh viện răng hàm mặt

Đến nay, chương trình đã đào tạo cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi 2 phẫu thuật viên, 1 bác sĩ gây mê, 1 kỹ thuật viên gây mê và 2 trợ thủ phòng mổ. Nhờ đó, những chuyến trở về sau này, đoàn của bác sĩ Đẩu bớt “hùng hậu” dần khi đã có nhân lực tại chỗ thay thế.

Tuy vậy, bác sĩ Đẩu chia sẻ, muốn đạt tới khả năng điều trị hoàn chỉnh các ca sứt môi, hở vòm, Đà Nẵng cần phát triển chuyên ngành RHM và tiến tới xây dựng một bệnh viện RHM chứ không đơn thuần là đào tạo một ekip. “Việc điều trị sứt môi, hở vòm là quá trình toàn diện kéo dài từ lúc bé trong bào thai cho đến khi em được 20 tuổi. Ngoài tạo hình, việc điều trị tâm lý, tập nói, chỉnh sửa thẩm mỹ và hoàn thiện phải mất rất nhiều năm và qua nhiều giai đoạn”, bác sĩ Đẩu nói.

Mỗi năm cả nước có 3.000 ca mới sứt môi, hở vòm, với tỷ lệ cứ 550 trẻ có 1 trẻ mắc. Nguyên nhân có thể do di truyền hoặc mẹ bị stress trong lúc mang thai; mẹ nhiễm virus cúm, Rubella, tia X, hóa chất độc hại, v.v…

“Tôi mong muốn thành phố Đà Nẵng có bệnh viện RHM với đầy đủ các chuyên khoa. Hiện nay, trong số các bác sĩ giỏi đầu ngành hoạt động tại các thành phố lớn, rất nhiều bác sĩ là người Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đồng hương cũng sẵn sàng hỗ trợ để phát triển lĩnh vực y tế tại quê nhà. Với khả năng của mình, tôi tin sẽ vận động được nguồn nhân lực cũng như kinh tế để góp một phần hình thành bệnh viện RHM”, bác sĩ Đẩu nói, rồi chợt tự hỏi: “Không biết tôi có tham vọng quá không?”
Nếu một ngày nào đó các bệnh nhi được cơ hội điều trị RHM, sứt môi hở vòm miệng thuận tiện và hiện đại hơn bây giờ, hẳn người dân sẽ cảm ơn thật nhiều những “tham vọng” mà ông đã ấp ủ từ ngày hôm nay.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.