.
Rối rắm bảo hiểm y tế bắt buộc hộ gia đình

Bài cuối: Thủ tục nhiêu khê

.

Không ít người rơi vào tình cảnh có tiền muốn mua BHYT nhưng không thể mua được. Nhiều người bức xúc không mua nữa.

Người dân làm thủ tục mua BHYT hộ gia đình tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.
Người dân làm thủ tục mua BHYT hộ gia đình tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Nguy cơ sụt giảm số người tham gia BHYT là khó tránh khỏi trong thời gian đầu luật này được triển khai.

Như vậy, mục đích tăng số người tham gia BHYT và tiến tới BHYT toàn dân của Luật BHYT bắt buộc theo hộ gia đình 2015 đang gặp phản ứng ngược.

Phải nhờ công an xác nhận!

Mấy hôm nay, anh Đặng Quang Phong (tổ 15, Lộc Phước, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cảm thấy khó hiểu khi bỗng dưng bị ách việc mua BHYT. Gia đình anh Phong có 5 người gồm ba mẹ và 3 người con. Ba mẹ đã có BHYT, hai em có BHYT học sinh, còn bản thân anh Phong mới đi làm, chưa đủ thời gian tham gia BHYT tại công ty nên anh ra UBND phường đăng ký bảo hiểm tự nguyện.

Mang tiền đến phường nộp, anh Phong mới “té ngửa” vì bây giờ không được mua BHYT lẻ nữa mà phải mua theo hộ gia đình. Khổ cho anh Phong khi trong hộ khẩu nhà anh còn có tên một người chú và một người cô. Hai người này hiện ở xa nhưng chưa tách khẩu và anh không tiện liên lạc với họ để kêu gọi cô, chú cùng tham gia BHYT với mình, hoặc lấy bảng photo BHYT của hai người này nhằm chứng minh mọi người trong sổ hộ khẩu nhà anh đều đã tham gia BHYT.

Chị Nguyễn Thị Diễm Đông, đại lý thu phường Thọ Quang cho biết: Trong trường hợp anh Phong không liên lạc được với người chú và người cô có tên trong hộ khẩu nhà mình thì có thể liên hệ công an địa phương xác nhận hai người này tạm vắng. Tuy nhiên, bản thân chị Đông cũng hoang mang về cách giải quyết trường hợp anh Phong.

“Nếu vì lý do nào đó công an không xác nhận được cô, chú anh Phong tạm vắng thì anh Phong sẽ không đủ điều kiện hợp lệ mua BHYT. Tình huống này khó xử thật. Thấy tội người dân nhưng mình đâu phải là người có quyền đưa ra hay thay đổi quy định”.

Bà Nguyễn Thị Một, mẹ anh Phong thắc mắc: Sao phải bắt con tôi đi lòng vòng, đủ đường để chứng minh nó… đủ điều kiện được mua BHYT? Khó quá thì tôi chẳng mua nữa”.

Chị Hạnh, đại lý thu phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê cũng nói: Nhiều người lý luận rằng không còn ở trong hộ thì đương nhiên bị cắt khẩu. Như vậy, đơn giản cứ dựa vào sổ hộ khẩu để bán BHYT. Thực tế, đó chỉ là lý thuyết. Biết bao nhiêu người đi ở xa mà tên vẫn còn rành rành trong sổ, dẫn đến những người còn lại phải bị ách tắc việc mua BHYT.

Việc người dân đến UBND phường mua BHYT nhưng phải quay trở về vì chưa đủ thủ tục đã trở thành chuyện cơm bữa trong những ngày qua.

Sáng 26-1, cũng tại UBND phường Thọ Quang, con dâu bà Trương Thị Lý đi mua BHYT cho mẹ chồng như mọi năm nhưng lần này, mọi thứ rắc rối hơn nhiều so với suy nghĩ của chị. Dù đã được hướng dẫn trước các thủ tục cần thiết, nhưng chị vẫn thiếu bảng photo BHYT của các anh, chị, em - những người có tên trong sổ nhưng đang làm việc ở Đồng Nai và cả giấy chứng tử của một người đã mất (tên người này vẫn nằm trong sổ hộ khẩu). “Mua BHYT chi mà khó khăn dữ ri!”, chị này than thở trước khi quay về.

Nguy cơ giảm số người tham gia BHYT

“Luật BHYT bắt buộc hộ gia đình nhằm hướng tới BHYT toàn dân, nhưng khả năng trong tháng 1 này, số người tham gia BHYT sẽ giảm rõ rệt vì thủ tục quá phiền hà”, một cán bộ phường khẳng định.
Đây không còn là suy đoán mà là vấn đề thực tế đang diễn ra tại các phường.

Trong hơn 200 người vô tình “bị” mua BHYT theo phương thức cũ tại phường Thọ Quang (đã đề cập trong bài viết tại kỳ 1), hiện có 10 người không đồng tình mua theo hộ gia đình và từ chối luôn việc mua BHYT. Tại phường Thuận Phước, trong một buổi sáng có 6 người đến đăng ký tham gia BHYT thì 4 người bức xúc bỏ về.

Ngay cả việc thống kê tổng số hộ dân để quản lý hộ nào tham gia BHYT, hộ nào không tham gia cũng là câu chuyện phức tạp khác. Theo quy định, chậm nhất đầu tháng 10-2015, các phường, xã gửi thống kê số hộ trên địa bàn lên Bảo hiểm xã hội thành phố. Đến năm 2016, hằng tháng, các địa phương gửi thống kê để biết số hộ tăng, giảm. Quy định là vậy, nhưng với các phường, việc thống kê hộ tham gia BHYT là vấn đề không đơn giản.

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh (phường Thanh Khê Tây) cho biết: Lấy số thống kê hộ gia đình phải dựa vào một cuộc điều tra nghiêm túc. Trong đó, yêu cầu phải có biểu mẫu cụ thể và thống nhất cho toàn thành phố; đồng thời cấp kinh phí để địa phương thực hiện. Thống kê cho có và đưa ra con số không chính xác thì chẳng ý nghĩa gì ngoài chuyện đối phó.

Ông Văn Phú Long, Trưởng phòng thu bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cũng chia sẻ: Những số liệu thống kê về số hộ, số khẩu hiện nay rất cũ. Bảo hiểm xã hội thành phố rất muốn có con số cập nhật, chính xác và mới nhất nhưng riêng ngành thì không đủ sức làm được điều này.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.