.

Trung tâm cấp cứu 115: Nơi bỏ không, nơi quá tải

.

Hoạt động cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng mấy năm nay rơi vào tình cảnh có cơ ngơi rộng rãi thì không phù hợp về mặt địa điểm hoạt động, còn nơi đáp ứng đặc thù cấp cứu lại chật hẹp đến mức không thể nhúc nhích.

Ngược với cảnh rộng rãi nhưng vắng hoe ở trung tâm cấp cứu mới...
Ngược với cảnh rộng rãi nhưng vắng hoe ở trung tâm cấp cứu mới...

Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng mới được xây dựng cách đây vài năm, trên diện tích “thẳng cánh cò bay” và phòng ốc đầy đủ tại đường Thanh Tịnh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), giờ trở thành chỗ lý tưởng cho… cỏ dại mọc um tùm.

Trong khi đó, trung tâm cũ cạnh Bệnh viện Đà Nẵng tại số 103B Quang Trung (quận Hải Châu) dù bức bí đến mức cả con người và phương tiện phải chia nhau từng centimet, nhưng vẫn được trưng dụng như một địa điểm không thể lý tưởng hơn cho công tác cứu người.

8.000m2 đất trở thành cánh đồng cỏ

Trung tâm cấp cứu mới được khánh thành vào năm 2010 tại đường Thanh Tịnh có diện tích 10.000m2, trong đó diện tích sử dụng là 2.000m2. Phần đất còn lại dự kiến được dùng vào việc mở rộng trung tâm trong tương lai.

Tuy nhiên, mấy năm nay, 8.000m2 đất còn lại trở thành cánh đồng cỏ cao ngút đầu người. Phần công trình đã đưa vào hoạt động cũng đang bị bỏ không và nhiều mảng tường, cửa rơi rớt trầm trọng. Điều đáng nói là cơ ngơi hiện đại và hoành tráng này hiện chỉ được dùng cho một việc duy nhất: hoạt động hành chính. Trong khi đó, việc quan trọng nhất của Trung tâm là điều hành cấp cứu (trực tổng đài), trực cấp cứu và tập kết xe cấp cứu như một trạm chính chỉ huy thì nơi này không phù hợp vì xa trung tâm thành phố.

“Chỉ sau 6 tháng hoạt động, chúng tôi đã rút mọi việc từ Trung tâm mới về lại “nhà” cũ bởi nảy sinh quá nhiều trở ngại cho công tác cấp cứu. Đặc biệt, khi một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim tại đường Ông Ích Khiêm đã tử vong vì xe cấp cứu đến chậm (do xe chạy từ Trung tâm tại phường Hòa Minh xuống mất nhiều thời gian) thì chuyện “dời nhà” không còn là điều phải do dự”, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng chia sẻ.

Bác sĩ Hồng cho biết thêm, đặc thù của cấp cứu ngoại viện là trụ sở phải đặt tại nơi đông dân cư, khả năng tiếp cận hiện trường nhanh, nằm sát bệnh viện lớn, bảo đảm việc đưa bệnh nhân đến và đi kịp thời. Hơn nữa, quận Hải Châu là địa bàn tập trung hầu hết các cơ quan chính của thành phố; đồng thời là địa phương thường diễn ra các sự kiện lớn có quy mô quốc gia, quốc tế nên trung tâm cấp cứu cũng phải đặt tại đây mới đáp ứng việc xử lý nhanh nhất khi có sự cố tại những nơi, những sự kiện đó.

“Thời gian vàng trong cấp cứu là 10 phút. Chúng tôi đã tính đến việc khi cầu vượt ngã ba Huế được lưu thông, Trung tâm cấp cứu đặt tại quận Liên Chiểu cũng không thể thuận lợi bằng nằm tại quận Hải Châu, dù xét ở bất kỳ góc độ nào”, bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm nói.

...trung tâm cũ buộc phải “cơi nới” bằng cách... chiếm lòng lề đường làm chỗ đậu xe.
...trung tâm cũ buộc phải “cơi nới” bằng cách... chiếm lòng lề đường làm chỗ đậu xe.

“Tổng hành dinh” chật chội

Ngược với trung tâm mới, trung tâm cũ vừa chật hẹp, vừa xuống cấp nhưng tấp nập hoạt động suốt 24 giờ/7 ngày.

Điểm nhận dạng của “tổng hành dinh” cấp cứu 115 hiện nay là bức tường cũ kín bít, phía ngoài có hàng dài xe cấp cứu… lấn chiếm lòng lề đường. Bác sĩ Hồng phân trần: “Được phép thì chúng tôi đã đập rào từ lâu để nơi này thông thoáng hơn và hết chỗ cho mấy ông “làm” bậy. Khổ nỗi, đây là cơ sở vật chất của Bệnh viện Đà Nẵng nên mình không thể đụng vào.

Diện tích sử dụng của trung tâm chỉ vỏn vẹn 96m2 cho 14 cán bộ trực 24/24 giờ. Mọi hoạt động từ điều hành công việc, giao ban, nghỉ ngơi của cán bộ y tế cấp cứu đều gói gọn trong không gian nhỏ bé này thì lấy đâu ra chỗ đậu xe cho đúng luật và an toàn. Nguyên tắc xe phải xuất phát nhanh, nhưng thú thực đậu đỗ kiểu đó thì riêng việc di chuyển xe cũng ngốn không ít thời gian”.

Không chỉ gây mất mỹ quan đường phố, việc bất đắc dĩ “dãi nắng dầm mưa” dàn xe cấp cứu cũng bị nhiều thiệt hại. Bác sĩ Thảo cho biết, xe chứa thuốc men và phương tiện y tế, nhưng để hoài ngoài nắng nên dẫn đến hư hỏng đồ đạc bên trong. Bên cạnh đó, có năm gặp bão lớn, xe cấp cứu đậu trước trung tâm bị hai cây cổ thụ ngã đè “bẹp gí” khiến việc lưu thông cả đội xe bị ảnh hưởng liên hoàn. “Có gara thì đâu đến nỗi”, bác sĩ Thảo nói.

Riêng chỗ xử lý xe cấp cứu lâu nay còn là chuyện đau đầu không kém. Gặp bệnh truyền nhiễm, lây lan, nhất là đối với bệnh dịch có khả năng bùng phát nghiêm trọng như SARS, Ebola, v.v…, xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân không biết được tẩy rửa như thế nào. Bác sĩ Hồng trăn trở: “Bệnh  lây nhiễm, nhất là lây qua chất thải, dịch tiết, v.v… cần phải có quy trình rửa xe cho đúng chuẩn để không biến xe cấp cứu thành ổ dịch lây cho cộng đồng. Chúng tôi lúng túng chuyện này mà đâu thể giải quyết được khi trung tâm quá chật”.

Đổi to lấy nhỏ?

Trước tình cảnh chỗ rộng rãi bị để trống gây lãng phí, chỗ cần dùng lại chật chội, Ban Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng mong muốn thành phố cho hoán đổi cơ ngơi bề thế 10.000m2 tại đường Thanh Tịnh bằng một cơ sở nhỏ khoảng 200m2 tại trung tâm thành phố.

Theo bác sĩ Hồng và bác sĩ Thảo, hoạt động cấp cứu 115 Đà Nẵng hiện phát triển tương xứng so với cả nước. Chỉ còn một khó khăn duy nhất là địa điểm và trụ sở hoạt động chưa ổn định. Vì thế, chỉ cần quỹ đất vừa phải, đủ chỗ làm việc, nghỉ ngơi, đậu xe và xử lý xe chở bệnh dịch là quá đủ. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm tờ trình lên các sở, ngành chức năng, trung tâm vẫn chưa nhận được câu trả lời về việc bố trí địa điểm cũng như cải tạo cơ sở vật chất.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.