.
Kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm: Tay không bắt giặc!

Bài cuối: Giám sát từ gốc

.

Từng có nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng nên xây trạm kiểm nghiệm hiện đại để kiểm soát thực phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng hiện nay khẳng định: Đà Nẵng đã có đủ, thậm chí... dư la-bô (phòng thí nghiệm) đạt chuẩn.

Thanh tra Chi cục an toàn thực phẩm Đà Nẵng kiểm tra thực phẩm dịp Tết Ất Mùi 2015.
Thanh tra Chi cục an toàn thực phẩm Đà Nẵng kiểm tra thực phẩm dịp Tết Ất Mùi 2015.

Vấn đề lớn nhất cần làm trong kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) là làm thế nào giám sát được từ gốc, thay vì đợi thực phẩm lưu thông trên thị trường rồi mới “tóm”.

Không cần thêm phòng kiểm nghiệm

Nhiều người thắc mắc tại sao Đà Nẵng là một thành phố lớn lại không thể đầu tư trạm kiểm soát thực phẩm với những trang thiết bị hiện đại ngay tại chợ đầu mối để kiểm soát chặt trước khi những món hàng này đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các sở, ngành phụ trách ATTP, thành phố hiện có quá đủ phòng xét nghiệm đảm nhận việc này.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã có la-bô đạt ISO 17025 theo tiêu chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là địa bàn tập trung một số phòng xét nghiệm thuộc khu vực như Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2, Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2, v.v…

Trừ một số hóa chất đòi hỏi phải đưa ra Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia, còn lại những phòng thí nghiệm nêu trên đều bảo đảm cho hoạt động kiểm soát thực phẩm tại Đà Nẵng. Đà Nẵng không thiếu, mà ngược lại có thuận lợi trong việc tiếp cận các phòng kiểm nghiệm.

Theo bà Lê Hoàng Thúy, Phó trưởng phòng Quản lý kỹ thuật, Sở NN&PTNT, không nên xây dựng thêm trạm kiểm nghiệm hoành tráng gây lãng phí; thay vào đó, cần đầu tư trang thiết bị test nhanh mẫu thử. Bà Thúy cho biết, năm 2015, dự kiến các ngành sẽ tăng việc kiểm tra nhanh thực phẩm tại chợ đầu mối với kinh phí 300 triệu đồng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương, năm 2013, Sở có trang bị một bộ test nhanh với giá trên 10 triệu đồng và chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn là hết. Do hoạt động kiểm soát ATTP của Sở không được cấp kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia nên việc mua phương tiện kiểm tra nhanh cũng chấm dứt từ đó.

Kiểm soát từ gốc mới giải quyết được vấn đề

Vì nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa không thể quản lý, nên đợi đến khi thực phẩm lưu thông trên thị trường, cơ quan chức năng mới “vào cuộc”. Để kiểm soát thực phẩm từ gốc, Việt Nam đã có chương trình thực hành nông nghiệp tốt, gọi tắt là VietGAP. Theo đó, rau, củ, quả nói riêng, nông sản nói chung được theo dõi, kiểm tra, đánh giá độ an toàn từ nước, đất, môi trường, hóa chất, v.v... ở công đoạn đầu tiên cho đến khi thành phẩm. Bộ hồ sơ “lý lịch cá nhân” cho từng loại được ghi chép rõ ràng. Nhờ đó, việc quản lý nguồn gốc thực phẩm dễ như trở bàn tay.

Tuy nhiên, điều đáng nói là rau, củ, quả mà người dân sử dụng hằng ngày hiện nay chủ yếu không xuất thân từ nơi thực hành nông nghiệp tốt. “Vùng nông nghiệp của Đà Nẵng nhỏ, nguồn rau, củ, quả đáp ứng cho thị trường rất hạn chế. Hầu hết thực phẩm nông sản được nhập từ các nơi về theo hình thức gom hàng không có hồ sơ”, ông Nguyễn Tứ cho biết.

Đối với nông sản do Đà Nẵng sản xuất, theo ông Tứ, vì người nông dân không trồng chuyên canh mà làm nhỏ, lẻ, manh mún, không theo tiêu chuẩn VietGAP, nên hàng nông sản tự cung tự cấp đã ít, mà hàng đạt tiêu chuẩn ATTP từ gốc càng ít hơn.

Theo các cán bộ kiểm soát ngành hàng nông, lâm, thủy sản, trong bối cảnh khó quản lý nguồn gốc hàng hóa, Đà Nẵng cần xây dựng liên kết giữa vùng sản xuất với nơi tiêu thụ, qua đó thuận lợi trong việc giám sát và truy lại nguồn gốc thực phẩm.

Tuy nhiên, việc liên kết hiện nay mới chỉ dừng ở ý tưởng. Thực tế thì người tiêu dùng vẫn phải sử dụng nhiều loại thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm với lai lịch khá mơ hồ, còn cơ quan chức năng vẫn thực hiện việc kiểm soát như bao lâu nay. Đó là không nắm được nguồn gốc tận cùng của thực phẩm, đành loay hoay xử lý phần ngọn, tức khi thực phẩm lưu thông mới “chặn” lại kiểm soát… để biết.

Năm 2014, trên địa bàn Đà Nẵng có 4 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 24 người mắc, không có người tử vong. Trong đó, một vụ ngộ độc cá nóc với 4 người mắc, một vụ xảy ra tại trường THCS làm 13 học sinh ngộ độc.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.