.

"Cắt" bớt thủ tục khám bệnh

.

Chỉ cần “soi” tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) dưới đầu đọc và sau tiếng “bíp” là toàn bộ thông tin của bệnh nhân lập tức được hiển thị trên màn hình vi tính, không cần các thao tác ghi chép hay gõ lóc cóc của nhân viên y tế. Tiết kiệm thời gian, chính xác tuyệt đối là ưu điểm nổi trội của đầu đọc mã vạch 2 chiều thẻ BHYT.

Thẻ BHYT được quét qua đầu đọc và lập tức lưu thông tin người bệnh vào hệ thống mạng nội bộ bệnh viện. (Ảnh chụp tại Trung tâm Y tế Sơn Trà)
Thẻ BHYT được quét qua đầu đọc và lập tức lưu thông tin người bệnh vào hệ thống mạng nội bộ bệnh viện. (Ảnh chụp tại Trung tâm Y tế Sơn Trà)

Mục tiêu đến cuối năm nay, tất cả 41 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn Đà Nẵng sẽ đồng loạt trang bị đầu đọc và ứng dụng đọc mã vạch 2 chiều. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có 6 cơ sở hoàn thành mục tiêu này.

Lưu thông tin nhanh chóng

Ngồi đợi tại khu vực khám bệnh Trung tâm Y tế Sơn Trà, ông Trần Lâm (80 tuổi) cho hay, nhiều năm nay ông chủ yếu khám chữa bệnh tại đây và nhận thấy thủ tục hành chính gọn gàng hơn, thời gian chờ đợi của người bệnh giảm. Tuy nhiên, ông Lâm không quan tâm thủ tục được “cắt” ở khâu nào, cũng như không để ý 1 năm trở lại đây, trên góc trái tấm thẻ bảo hiểm xuất hiện thêm khối ô vuông được mã hóa.

Thủ tục hành chính bệnh viện được “cắt”, xuất phát từ việc xuất hiện thêm thiết bị đọc thẻ BHYT tại phòng đón tiếp bệnh nhân. Khi bệnh nhân đưa thẻ vào, thay vì ghi chép lại họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo như những gì có trên thẻ BHYT, nhân viên chỉ cần đưa thẻ qua máy quét và lập tức được lưu mọi thông tin.

Tương tự như vào siêu thị mua hàng, chỉ cần đưa món hàng vào máy quét, giá thành và thông tin sản phẩm sẽ được hiển thị. Riêng công đoạn này đã tiết kiệm khoảng 2 phút/bệnh nhân. Sau đó, mỗi bệnh nhân còn được cấp thêm một mã số dán vào ngay mặt sau của thẻ BHYT. Không chỉ ở khu vực tiếp đón, tất cả quy trình khác trong phạm vi bệnh viện như làm xét nghiệm, thanh toán viện phí, nhận thuốc, v.v… đều dựa trên mã số mà không cần thêm một lần gõ hay ghi thông tin người bệnh.

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng, đầu năm 2014, Trung tâm Y tế Sơn Trà là cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên trên địa bàn thành phố tiên phong thí điểm ứng dụng đọc mã vạch 2 chiều thẻ BHYT.

Anh Nguyễn Cơ, Trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp Trung tâm Y tế Sơn Trà chia sẻ: Mỗi ngày, trung bình trung tâm tiếp nhận 700 bệnh nhân. Tạm tính nếu mỗi người được tiết kiệm chỉ 2 phút thì hiệu quả thời gian đã rất đáng kể. Trung tâm có trang bị 5 đầu đọc và sẽ tăng thêm 8 thiết bị vào cuối năm nay. Nhờ máy móc hỗ trợ, một nhân viên có thể làm bằng hai người so với trước đây.

Bên cạnh đó, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều không quá lệ thuộc vào cuốn sổ khám chữa bệnh. Nếu bệnh nhân quên sổ, bác sĩ chỉ dựa vào mã số trên thẻ BHYT cũng ngay lập tức tìm ra bệnh án và quá trình điều trị của người bệnh.

100% bệnh viện ứng dụng vào cuối năm nay?

Theo kế hoạch của Bảo hiểm xã hội thành phố, đến cuối năm 2015, việc ứng dụng đầu đọc mã vạch 2 chiều sẽ triển khai đại trà đối với tất cả cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 6 cơ sở khám chữa bệnh áp dụng quy trình mới này, gồm các đơn vị sau: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi, Bệnh viện C, Trung tâm Y tế Hải Châu, Trung tâm Y tế Sơn Trà và Trung tâm Y tế Thanh Khê.

Ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng, cho biết phía cơ quan bảo hiểm chỉ đề nghị các bệnh viện áp dụng đọc mã vạch 2 chiều chứ không có quyền bắt buộc. Tuy vậy, cơ quan bảo hiểm sẽ đến từng bệnh viện tìm giải pháp áp dụng thiết bị mới để mục tiêu 100% cuối năm này là thực tế, chứ không phải kế hoạch đặt ra cho có.

Để đọc mã vạch 2 chiều, không đơn giản chỉ sắm một đầu đọc giá vài triệu đồng là xong. Đó là lý do khiến nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa thể triển khai sớm. Khó khăn lớn nhất là cần có sự tương thích giữa phần mềm quản lý bệnh viện và phần mềm của đầu đọc thẻ.

Một cán bộ công nghệ thông tin tại bệnh viện cho biết, chỉ khi bệnh viện ứng dụng thành công công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh nói riêng và toàn bệnh viện nói chung thì lúc đó mới tính đến việc đọc mã vạch 2 chiều. Trong khi đó, phần mềm quản lý bệnh viện hiện còn là vấn đề khó khăn với không ít cơ sở.

Một trở ngại khác khi ứng dụng mã vạch 2 chiều, đó là với thẻ BHYT bị cũ hoặc trầy xước có thể “gây khó hiểu” cho máy đọc. Lãnh đạo Trung tâm Y tế Hải Châu chia sẻ, có người bệnh mang thẻ đi khám nhưng vì phần mã vạch bị xước nên phải quay về nơi cấp BHYT để làm lại thẻ mới.

Về vấn đề này, ông Đinh Văn Hiệp cho biết, Bảo hiểm xã hội thành phố đang thí điểm việc tráng nhựa phía mặt thẻ có in mã vạch để chống trầy và lên kế hoạch kinh phí tiến tới việc tráng nhựa tất cả các thẻ BHYT. Trước ý kiến cho rằng, trong khi hình thức tấm thẻ BHYT thương mại nhìn chắc chắn và sang trọng, thì thẻ BHYT do Nhà nước bán ra hiện nay có độ bền chưa cao. Ông Đinh Văn Hiệp cho rằng, không thể so sánh chất liệu của 2 loại thẻ trên, bởi giá trị mua bảo hiểm chênh lệch quá lớn. Tuy nhiên, trong tương lai, ngành bảo hiểm cũng hướng đến việc sử dụng thẻ từ thay cho thẻ giấy.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.