.

Ấm, lạnh ở khu nhà chạy thận

.

Khu nhà nghỉ cho bệnh nhân của Bệnh viện Đà Nẵng nằm ở tầng 4 Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị được coi là nhà của người bệnh chạy thận nhân tạo.

Bệnh nhân chạy thận quây quần ăn cơm cho đỡ nhớ nhà.
Bệnh nhân chạy thận quây quần ăn cơm cho đỡ nhớ nhà.

Dãy phòng nghỉ với hàng chục giường tầng được trưng dụng làm chỗ lưu trú cho bệnh nhân ở xa không tiện về nhà, song hầu hết “khách” đặt giường tại đây là những cô bác bị suy thận mạn, giai đoạn 3. Hơn 30 người ở những vùng quê nghèo xa xôi, chưa từng quen biết trở thành “anh em, cô chú” thân thương như ruột rà, khi nhiều năm sớm tối nương tựa vào nhau cùng đi qua bệnh tật.

Giờ cơm, khu nhà nghỉ rộn ràng với từng nhóm người quây quần bên nhau ăn uống, chuyện trò. Khác với những ngôi nhà bình thường, khái niệm “giờ cơm” ở đây thường không theo bữa, mà theo lịch chạy thận. Mọi người ăn để kịp... chạy đúng giờ, ăn để có sức nằm... chạy. Lịch chạy thận chia thành 3 ca/ngày, kéo dài từ 8-20 giờ.

Cô Nguyễn Thị Năm xoa cái bụng căng tròn vỗ vỗ: “Mới chạy hôm qua mà giờ ứ căng rồi. Mỗi tuần chạy 3 lần mà ri. Tuần Tết chạy 2 lần nên càng không dám ăn uống”. 6 năm nay, cô Năm, người phụ nữ đơn thân từ huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) “chuyển khẩu” vào đây và cũng chẳng mấy khi về nhà. “Ở đây hay ở nhà cũng phải sống một mình. Nơi này dù sao còn có những người đồng cảnh để chia sẻ tâm tư tình cảm”, cô Năm nói.

Ngồi cùng bàn ăn với cô Năm, bà Võ Thị Hoa (53 tuổi, xã Quế Châu, Quế Sơn) nhiệt tình tham gia câu chuyện: Nói về khổ, chỗ này chẳng biết ai đứng nhất. Chồng tôi đột quỵ mất được 8 tháng thì tôi phát hiện mình bị thận giai đoạn nặng phải nhập viện gấp. 4 năm nay, tôi ở khu này, tự coi những bữa cơm với các chị em như cơm nhà cho đỡ nhớ”.

Chỉ vào những cái thùng carton đặt nơi đầu giường, bà Hoa nói: “Ngày có nhau, đêm cũng có nhau luôn. Thận hư nên “máy móc” trong cơ thể hư theo hết. Mấy hôm ni lạnh, đêm xuống chúng tôi khó thở, huyết áp tăng, mỗi người tự dựa vào cái thùng đó mà ngủ ngồi, không ngủ được thì cả phòng đành thức nhìn nhau”.

Bà Hoa chỉ thương mấy đứa con tự bươn chải sớm quá. Con gái lớn phải ra Đà Nẵng làm công nhân điện tử vừa kiếm tiền, vừa gần gũi chăm mẹ. Mức lương 4 triệu đồng/tháng đủ nuôi thân và lo cho mẹ cùng 2 đứa em nhỏ ăn học.

Nghe nhắc đến con cái, chị Huỳnh Thị Liên (39 tuổi) cúi mặt đượm buồn. Không hẹn mà gặp, nhiều người ở khu này cùng quê Quế Sơn. Chị Liên nhỏ tuổi hơn nhiều so với mọi người nhưng “thâm niên” chạy thận chẳng thua ai với 6 năm tròn. Chị còn đứa con gái 13 tuổi học rất giỏi, đang ở nhờ ông ngoại. Ông ngoại thì già, ba bé lại đã bỏ ra đi...

Trong khi các cô, các chị túm tụm tâm sự, ở một góc, ông Trần Hữu Phúc (50 tuổi) và ông Trần Phước Hợi (55 tuổi) lẳng lặng ngồi nghe. Một hồi, ông Phúc chìa ra những tờ giấy nhập viện đã cũ nhàu của... con trai cả: “Thằng con đầu của tôi 21 tuổi, đang ở Bệnh viện Tâm thần. 2 năm trước, tự dưng nó phát bệnh nói nhảm. Mẹ nó giờ ra Đà Nẵng ở đợ kiếm tiền lo cho cả hai cha con tôi”...

Tiền chạy thận nhân tạo đã có Nhà nước hỗ trợ. Bên cạnh đó, giá tiền giường nhà nghỉ khá nhẹ chỉ 25.000 đồng/ngày, bao gồm điện, nước, nhưng khoản chi phí này cộng thêm ăn uống, thuốc thang hỗ trợ cho những bệnh đi kèm như huyết áp, tim mạch, xương khớp, v.v… cũng ngốn một phần không nhỏ. Vì vậy, trong khu nhà nghỉ, chuyện chạy thận chỉ là một trong muôn vàn những canh cánh âu lo.

Tuy vậy, những nỗi khổ tưởng như chỉ thấy ở cuối đất cùng trời lại được kể ra với giọng điệu bình thản. Từ khi “đeo” suy thận mạn vào người, những cô bác này đã dần quen chịu đựng cảnh ngộ của chính mình. Ngay cả những đêm giao thừa chờ đến sáng mồng 1 Tết... chạy thận, vài con người quạnh quẽ bên nhau giữa bệnh viện cũng không thể làm họ bật khóc.

Chỉ một điều duy nhất đủ khiến sự tủi thân như đã chết mòn có thể trở nên quay quắt, đó là đường đến trường của con cái họ. Ông Hợi có con đang là sinh viên Đại học Khoa học Huế, ngành Vật lý. Ông còn thêm 2 đứa nhỏ đang học ở quê. “Con lớn học giỏi thì để nó học. 2 đứa sau, một trai một gái, chọn đứa nào bắt nghỉ học cũng mang tiếng phân biệt đối xử nên phải vay cho tụi nhỏ tới trường. Nợ lên tới 60 triệu đồng rồi...”.

Bài và ảnh: HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.