.
CÂU CHUYỆN DÂN SỐ

Yên tâm mà dùng!

.

Một trong những nỗi lo của người nhiễm HIV là việc mua và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có thể khiến thông tin cá nhân của họ bị rò rỉ. Tuy nhiên, sắp tới, người nhiễm HIV có thể hoàn toàn yên tâm vì Đà Nẵng có cách làm riêng để tấm thẻ BHYT đến tay người có H một cách hiệu quả.

Khi cần, hãy gọi cán bộ chuyên trách

Một người nhiễm HIV chia sẻ, khi sử dụng thẻ BHYT, người bệnh cảm thấy lo lắng liệu thông tin của mình có được bảo mật tuyệt đối trong suốt quá trình chuyển tuyến, chuyển tiếp qua các cơ sở y tế hay không. Đôi khi vì mang nỗi lo này nên một số người không mua BHYT, hoặc nếu có thẻ cũng âm thầm tự đi khám chữa bệnh mà không cần làm giấy chuyển tuyến.

Theo ông Phạm Chải, cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, nỗi lo này có, nhưng đó là chuyện của 2 năm trước. Nếu người nhiễm có đủ thông tin về hệ thống hỗ trợ họ trong việc quản lý và điều trị bệnh như những gì Đà Nẵng đang làm hiện nay thì không có gì đáng phải lo lắng quá mức.

Ông Chải cho rằng, việc tự đi khám chữa bệnh mới có khả năng làm rò rỉ thông tin cá nhân của người nhiễm, còn nếu thông qua kênh hỗ trợ để đến cơ sở y tế thì sẽ được bảo mật tuyệt đối. “Người nhiễm HIV muốn khám bệnh cứ liên hệ cán bộ chuyên trách tại phường, xã hoặc liên hệ trực tiếp với tôi thì sẽ có ngay thủ tục cần thiết chuyển đến nơi điều trị phù hợp.

Số điện thoại của tôi hoặc của cán bộ phường, xã và của các anh chị trong nhóm chăm sóc tại nhà đều được công bố cho người nhiễm nên việc liên hệ không có gì khó khăn. Vì đã có hệ thống giới thiệu và tiếp nhận nên người có H sẽ không phải khai lại thông tin”, ông Chải nói.

Chị Dương Thị Thùy Linh, cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn cũng cho biết: “Người nhiễm HIV trên địa bàn quận chỉ cần đến gặp tôi mà không cần chạy ngược, chạy xuôi làm thủ tục. Tôi sẽ thay mặt người bệnh trực tiếp làm những giấy tờ cần thiết, việc của bệnh nhân là hãy yên tâm chữa bệnh”.

Mua riêng BHYT

Ngoài sợ rò rỉ thông tin khi đi khám chữa bệnh, việc mua BHYT bắt buộc theo hộ gia đình còn khiến một số người nhiễm HIV không đủ tiền mua thẻ. Các cán bộ chuyên trách đều cho biết, không ít người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn, bỏ tiền một lần mua bảo hiểm cho cả nhà là số tiền lớn với họ. Bên cạnh đó, muốn mua được bảo hiểm phải trình hộ khẩu nên người nhiễm HIV rất ngại.

Theo Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng, để giải quyết khó khăn này, chủ trương của thành phố là từ năm 2016, người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn sẽ được cung cấp thẻ BHYT theo danh sách riêng mà không nhất thiết mua theo hộ gia đình và cũng không lo tiền mua bảo hiểm. Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thành phố sẽ là đầu mối trực tiếp làm việc này cho người nhiễm.

Từ cuối năm 2014, Sở Y tế thành phố cũng đã ban hành quyết định thực hiện hệ thống cung cấp dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS và quy trình chuyển tuyến, chuyển tiếp giữa các dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Qua đó, Sở xác định trách nhiệm, nhiệm vụ của từng đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ và quy định trong phối kết hợp, tránh tình trạng đùn đẩy bệnh nhân HIV/AIDS. Nhờ sự phối hợp này, trong năm 2015 đã có hàng ngàn lượt bệnh nhân HIV/AIDS được khám, theo dõi điều trị tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.

Hiện nay, Đà Nẵng có hơn 329 bệnh nhân đang được quản lý tại các phòng khám ngoại trú, trong đó 308 bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV. Đặc biệt, từ năm 2015, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS triển khai xét nghiệm đếm tế bào CD4, chủ động điều trị sớm cho bệnh nhân cũng như tăng cường xét nghiệm đo tải lượng virut đánh giá hiệu quả điều trị ARV.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.