.

Giá viện phí sẽ tăng gấp đôi

.

Giá viện phí sẽ chính thức tăng đợt đầu tiên từ ngày 1-3-2016. 3 nhóm tăng giá gồm tiền khám, ngày giường bệnh và tất cả dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm. Ước tính bình quân, giá viện phí sẽ tăng khoảng gấp đôi so với giá cũ.

Viện phí sẽ đồng loạt tăng từ ngày 1-3-2016.
Viện phí sẽ đồng loạt tăng từ ngày 1-3-2016.

Phần viện phí tăng thêm được dùng trả cho các khoản phụ cấp đặc thù, gồm phụ cấp thường trực và phụ cấp phẫu thuật thủ thuật, thay vì ngân sách phải chi trả như trước đây. Theo lộ trình, đợt tăng giá này chỉ áp dụng đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Trước mắt, bệnh nhân không có thẻ BHYT vẫn được tính theo giá cũ. Đến ngày 1-7-2016, giá viện phí sẽ tăng đợt tiếp theo, bao gồm thêm phần tiền lương trả cho cán bộ y tế. Lúc đó, giá viện phí có thể tăng tối thiểu gấp 3 lần so với giá hiện nay.

Bệnh viện sẽ có 2 bảng giá

Theo thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính (Thông tư 37), các cơ sở y tế được phân theo 5 hạng: bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT sẽ được quy định thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Tùy hạng bệnh viện, giá các loại dịch vụ kỹ thuật sẽ có mức tương ứng thống nhất với nhau và cơ bản là đều tăng so với trước đây. Ví dụ đối với bệnh viện hạng I, giá khám lâm sàng từ 15.000 đồng/lượt lên 20.000 đồng; giá giường nội khoa loại 1 từ 61.000 đồng/ngày tăng lên 99.000 đồng; phẫu thuật ruột thừa viêm bình thường giá 1 triệu đồng lên gần 2,2 triệu đồng.

Giá mới (tăng từ 1-3) chỉ áp dụng trong khám chữa bệnh BHYT. Do đó, đến nay các bệnh viện đang tính toán xây dựng 2 bảng giá dành cho đối tượng bệnh nhân có thẻ BHYT và bệnh nhân không có BHYT.

Theo các bệnh viện, xây dựng được bảng giá mới là một áp lực rất lớn. Không phải cứ dựa vào danh mục giá của hơn 1.800 dịch vụ kỹ thuật do liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất, thì các bệnh viện có thể ra được giá cụ thể cho đơn vị mình. Thực tế, hơn 1.800 chỉ là một số dịch vụ kỹ thuật cơ bản, còn hàng chục ngàn dịch vụ kỹ thuật khác hiện chưa nằm trong danh sách thống nhất và cần các bệnh viện khẩn trương đưa ra giá tương đương.

Chẳng hạn, tổng số dịch vụ kỹ thuật được triển khai tại Bệnh viện Đà Nẵng là trên 12.000, Bệnh viện Ung bướu triển khai trên 5.500 dịch vụ kỹ thuật… Như vậy, còn rất nhiều “mặt hàng” khác các bệnh viện cần “làm giá” cho phù hợp để tính với khách hàng kể từ ngày áp dụng tăng giá.

Trong khi đó, các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng (từ tuyến tỉnh trở xuống) đều đang bị động chờ bệnh viện tuyến Trung ương “làm giá tương đương” xong mới dựa vào đó áp dụng cho bệnh viện mình.

Dù sắp đến, mới chỉ có đối tượng bệnh nhân BHYT chịu tác động của đợt tăng giá, nhưng mức độ tác động cũng rất khác nhau vì liên quan đến % đồng chi trả của người bệnh.

Tại Bệnh viện Ung bướu, 95% bệnh nhân thuộc đối tượng có bảo hiểm, nhưng trong đó chỉ 56% người bệnh là được hưởng 100% BHYT, còn lại 46% số người có bảo hiểm phải đồng chi trả từ 5-20%. TS, BS Nguyễn Phạm Thanh Nhân, phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu cho hay, các bệnh nhân được hưởng 100% BHYT (người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội v.v…) không hẳn hoàn toàn không chịu tác động về tăng viện phí.

Trong quá trình khám và điều trị, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng các dịch vụ kỹ thuật nằm ngoài danh mục BHYT và lúc đó bệnh nhân phải bỏ tiền túi trả cho những khoản này. Riêng với Bệnh viện C Đà Nẵng, bác sĩ Võ Thị Hà Hoa, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, đợt tăng giá này ít ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người bệnh tại bệnh viện này, vì hầu hết bệnh nhân đến đây đều có BHYT và thuộc nhóm đối tượng hưởng quyền lợi BHYT 100% (người có công nhóm 1, 2;  hưu trí…); chỉ còn lại số ít bệnh nhân là cán bộ, công nhân viên hoặc học sinh, sinh viên phải đồng chi trả.

Đồng tiền đi liền chất lượng?

Chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng như thế nào cùng với tăng giá? Đó là băn khoăn của người bệnh nói riêng, toàn xã hội nói chung. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: Song song với việc ban hành giá mới, bệnh viện rà soát lại từ ngoài vào trong toàn bộ quy trình đón tiếp, chăm sóc bệnh nhân.

Đặc biệt, lần này lực lượng thu ngân, hộ lý, tạp vụ, làm vệ sinh được củng cố lại thái độ phục vụ, lời ăn tiếng nói đối với người bệnh. “Không thể 5 giờ sáng vào phòng bệnh dọn dẹp rồi gây ồn ào, làm mất giấc ngủ người bệnh; không thể gọi tên người nhà đến nộp viện phí với giọng nói khó nghe”, bác sĩ Thạnh nói.

Ngoài nâng cao thái độ phục vụ, các bệnh viện đều thêm bộ phận chăm sóc khách hàng, giải đáp mọi thắc mắc của bệnh nhân và người nhà; đồng thời chuẩn bị đặt bảng giá mới ở những nơi dễ quan sát để người bệnh không bị bất ngờ về giá cả. Một vấn đề quan trọng khác các bệnh viện lo triển khai sớm là đổi mới hệ thống CNTT để tránh chuyện “tính nhầm giá” khi áp dụng 2 bảng giá khác nhau.

Một đặc điểm nhân văn riêng có của Đà Nẵng là dù giá viện phí tăng lên, nhưng các bệnh nhân chạy thận nhân tạo người Đà Nẵng vẫn hoàn toàn yên tâm về chi phí, khi UBND thành phố vừa phê duyệt tiếp tục hỗ trợ toàn bộ phần còn lại sau khi BHYT thanh toán. Việc hỗ trợ kéo dài đến năm 2020.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cho biết, đến cuối năm 2015, ước tính Đà Nẵng còn 117.112 người dân chưa có BHYT. Đây cũng là nhóm người chưa bị tác động bởi đợt tăng giá kể từ đầu tháng 3-2016. Tuy nhiên, theo lộ trình, tất cả người bệnh dù có BHYT hay không đều sẽ được áp dụng chung một mức giá tăng theo hướng tính đúng, tính đủ cho các cơ sở y tế. Như vậy, người không tham gia BHYT sẽ gặp nhiều khó khăn trong chi trả viện phí.

Bài và ảnh: Thu Hoa

;
.
.
.
.
.