.
Phương hay Thuốc quý

Tâm sự Tất niên

.

Tính tới số tất niên Ất Mùi này, chuyên mục “Phương hay Thuốc quý” (PHTQ) của báo Đà Nẵng cuối tuần đã duy trì được tròn ba năm với khoảng 150 kỳ.

Về phần mình, trước khi nhận viết bài cho PHTQ (do nhà báo Văn Thành Lê đề xuất, được Ban Biên tập Báo Đà Nẵng cho phép mở chuyên mục và giao tôi đảm trách viết bài), mặc dù từng trải hàng chục năm cộng tác viết bài, biên tập, tổ chức bài vở cho một bán nguyệt san chuyên ngành dược liệu, nhưng có thể nói đây là chuyên mục tôi gợi cho tôi nhiều hứng thú và tâm đắc nhất.

Tâm đắc vì đề tài xoay quanh khu vườn đông y dược liệu vừa kỳ bí vừa quen thuộc mà mình đã canh tác, đã thu hoạch suốt mấy chục năm qua.

Hứng thú vì song hành với các bài viết đăng trong chuyên mục, các “phương hay thuốc quý” vừa được đúc kết, vừa được triển khai ứng dụng trong các phòng khám chữa bệnh từ thiện trên địa bàn huyện Hòa Vang cũng như tại Bệnh viện YHCT thành phố Đà Nẵng.

Xin được nói rõ thêm, từ năm 2010, tôi và một số đồng nghiệp trong Hội Dược liệu thành phố và Hội Đông y huyện Hòa Vang đã phối hợp với ban trị sự các chùa Lộc Quang (Hòa Sơn), Hòa Nam (Hòa Nhơn), Hưng Quang (Hòa Phong) tổ chức các Tuệ Tĩnh đường chuyên khám chữa bệnh bằng thuốc nam - châm cứu hoàn toàn miễn phí mỗi tuần 2-3 buổi, theo phương châm “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt” của Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Cũng theo mô hình này - Nhà điều dưỡng Tình thương Suối Hoa (Hòa Phú) đã đi vào hoạt động từ tháng 5-2013.  Trong năm 2015 vừa qua, Nhà điều dưỡng đã khám cho gần 20.000 lượt bệnh nhân, cấp 200.000 thang thuốc trị giá 4 tỷ đồng. Nguồn thuốc nam chủ yếu được chúng tôi hướng dẫn thu hái tại địa phương, trong đó có không ít loài mới được khai thác lần đầu sau khi PHTQ đăng tải giới thiệu.

Cùng với việc nhận lời viết bài cho PHTQ, cũng vì đam mê chuyên môn thuốc nam - châm cứu, tôi đã có quyết định thay đổi lớn trong cuộc đời là nghỉ việc Phó Tổng Biên tập tạp chí Cây thuốc quý của Trung ương Hội Dược liệu Việt Nam, về đầu quân cho Bệnh viện YHCT Đà Nẵng với mong muốn góp phần bé nhỏ xây dựng và phát triển ngành Đông y dược liệu của thành phố quê hương.

Có lẽ cũng nhờ chất men say ấp ủ từ những bài viết trên PHTQ, chúng tôi đã đề xuất cùng lúc 2 đề tài nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố và đã được UBND thành phố phê duyệt giao cho Bệnh viện YHCT chủ trì triển khai thực hiện trong năm qua.

Đề tài đầu tiên là “Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển”. Đề tài này tiến hành thực hiện các nội dung nghiên cứu: điều tra thành phần loài; xây dựng danh lục cây thuốc; xây dựng bản đồ phân bố một số cây thuốc trọng tâm; biên soạn hoàn chỉnh bản thảo sách “Cây thuốc Đà Nẵng”; đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác hợp lý, quy hoạch và phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đề tài thứ hai là “Đánh giá hiệu quả điều trị nghiện ma túy bằng thuốc nam – châm cứu kết hợp dạy nghề giúp việc lương y – lương dược tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06” với các mục tiêu hoàn thiện quy trình kỹ thuật và đánh giá hiệu quả ứng dụng điều trị cắt cơn nghiện ma túy chất dạng thuốc phiện và ma túy tổng hợp; theo dõi tỷ lệ tái nghiện sau khi hòa nhập cộng đồng. Đây là đề tài khoa học được nhiều cơ quan ngôn luận đánh giá mang tính xã hội, nhân văn sâu sắc.

Cả hai đề tài đã được phê duyệt với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng, thực hiện trong hai năm (2015 – 2017).

Đây là kết quả đột phá trong công tác nghiên cứu khoa học của tập thể lãnh đạo, nhân viên Bệnh viện YHCT, nhưng một phần “có lẽ cũng nhờ chất men say ấp ủ từ những bài viết trên PHTQ”.

Đó là tin vui mà người viết bài này muốn nhắn gửi thay lời cám ơn những thịnh tình mà Ban Biên tập và bạn đọc Báo Đà Nẵng cuối tuần dành cho chuyên mục PHTQ suốt ba năm qua.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.