.
Phương hay Thuốc quý

Mẫu thảo chữa viêm thận phù thũng

.

Trong đợt khảo sát cây thuốc tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, qua giới thiệu của một số người dân, tôi tìm đến nhà ông Lê Bá Anh, 62 tuổi, ở thôn Nam Yên, và được ông chia sẻ kinh nghiệm dùng một cây thuốc nam chữa bệnh viêm thận phù thũng rất hiệu quả.

Ông Lê Bá Anh trao mẫu cây thuốc cho tác giả.
Ông Lê Bá Anh trao mẫu cây thuốc cho tác giả.

Ông Anh bị viêm thận phù thũng cách đây hơn 10 năm, ông đã điều trị nhiều nơi, nhưng chỉ đỡ được thời gian ngắn rồi tái phát liên lục. May nhờ một người quen truyền cho kinh nghiệm của một người dân tộc Tày di cư sinh sống trên Tây Nguyên, chỉ cho một cây thảo mọc khá phổ biến ở vườn, ruộng, dọc đường đi nhiều nơi khắp nước ta.

Ông liền ứng dụng với cách dùng một nắm cây tươi (khoảng 50g) rửa sạch, sắc với 1 lít nước, lấy 1/2 lít chia uống 2-3 lần trong ngày. Sau một tháng sử dụng, bệnh phù của ông hết hẳn và từ đó đến nay đã 10 năm, không tái phát.  

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Anh đã phổ biến bài thuốc này cho một số người “đồng bệnh tương lân” khác, đều cho kết quả tương tự. Đặc biệt, ông cho biết, có người bị sỏi thận uống nước sắc cây này một thời gian khám lại đã thấy sỏi biến mất.

Theo yêu cầu của tôi, ông Anh đã dẫn ra đám ruộng trước nhà, chỉ cho tôi “tận mục sở thị” loài cây thuốc ông đã sử dụng. Tôi đã chụp ảnh, thu mẫu và nhờ một chuyên gia ở Viện Dược liệu xem qua và cho nhận định bước đầu là cây thuộc họ Hoa mõm sói - Scrophulariaceae.

Tiếp tục tra cứu một số tài liệu trong và ngoài nước, tôi đã định danh được đó là Mẫu thảo, tên khoa học Lindernia crustacea (L.) F. Muell., (đồng danh: Capraria crustacea L., Vandellia crustacea (L.) Benth.).

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Mẫu thảo là cây thảo mọc hằng năm, có thân trườn, bén rễ ở các mắt, phân nhánh nhiều từ gốc. Lá hình trái xoan nhọn, mọc đối, không lông có góc ở gốc, mép khía răng cưa, có cuống ngắn. Hoa có cuống dài ở nách các lá, cuống hoa có lông lún phún, thường bằng hay dài hơn lá, đài dính đến phân nửa, tràng hoa tim tím. Quả nang nhẵn, hình trứng, dài bằng đài. Hạt nhỏ, màu vàng, hình trứng, hơi có mạng không đều. Cây ra hoa vào mùa hè thu.

Loài này phân bố ở Sri Lanca, Ấn Ðộ, Nê-pan, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Việt Nam, Nhật Bản, Phi-lip-pin, Úc, Tân Ghi-nê, Micronedi và Polynêdi.

Theo Đông y, Mẫu thảo có vị đắng nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, giải độc; thường dùng trị: 1. Lỵ do trực trùng cấp và mạn, viêm ruột ỉa chảy, rối loạn tiêu hóa; 2. Viêm gan, viêm thận thủy thũng; 3. Cảm mạo; 4. Bạch đới. Liều dùng: 40-80g rễ sắc uống. Dùng ngoài, giã rễ hoặc cành lá tươi đắp trị ung nhọt, đinh độc, vết thương (do ve đốt, rắn cắn). Dân gian còn dùng cây tươi giã nát với đường chảy để đắp trị bệnh ngoài da, eczema.

Tra cứu thêm trong Trung dược đại từ điển, Mẫu thảo (母草) còn có tên Tứ phương thảo, Xà châm thảo lá nhỏ, Phô địa liên, được ghi nhận lần đầu trong tài liệu sổ tay cây thuốc thường dùng của bộ đội Quảng Châu với công năng tác dụng: “thanh nhiệt lợi thấp, trị bệnh lỵ trực khuẩn, viêm ruột, đi tả, tiêu hóa không tốt, rắn độc cắn”. Sổ tay cây thuốc thường dùng của Không quân Quảng Châu  lại nói Mẫu thảo (còn gọi Tứ phương chưởng thảo, Xà thông quản, Khí thống quản) “trị cảm mạo, viêm gan, viêm thận thũy thũng, ung sang, đinh độc”. Danh mục cây thuốc Quảng Tây ghi nhận Mẫu thảo trị “tổn thương đáng ngã, ung nhọt vú, ung thư dạ dày”.

Theo Trung Hoa bản thảo, Mẫu thảo (còn có các tên: Khai hoài thảo, Thủy lạt tiêu, Xỉ diệp mẫu thảo, Hồ điệp dực, Mao thảm thảo, Tế ngưu độc), có các thành phần: sorbose, glucose, cysteine, gluctamic acid, methionine…; có công năng thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết, giảm đau; chủ trị cảm mạo phong nhiệt, thấp nhiệt tả lỵ, viêm thận thủy thũng, bạch đới, kinh nguyệt không đều, nhọt độc, rắn độc cắn, tổn thương đánh ngã…

Liều dùng: 15-20g khô hoặc 40-80g tươi. Có thể tán bột, sắc thuốc thang hoặc ngâm rượu; dùng ngoài lá tươi giã đắp.

Dưới đây là một số bài thuốc sử dụng Mẫu thảo trích dịch từ Trung dược đại từ điển:

1. Trị cấp tính tả lỵ, có thể phát sốt: Mẫu thảo 40g, Sắn dây, Rau sam và  Nhân trần đều 20g. Sắc uống.

2. Trị lỵ trực khuẩn mạn tính: Mẫu thảo tươi 80-120g, Cỏ seo gà tươi và Rau dền tươi đều 40g. Sắc chia 2 lần uống.

3. Trị viêm thận mạn tính: Mẫu thảo khô 80g, Rau sam tươi 1,5kg, Rượu ngon 2 lít ngâm sau 3 ngày có thẻ dùng, mỗi lần 15ml, ngày 3 lần.

4. Trị mụt nhọt sưng đau: Mẫu thảo tươi rửa sạch, thêm chút muối ăn (nếu nhọt vỡ miệng thì gia thêm chút đường cát), giã nhuyễn đắp lên nhọt.

Đối chiếu các tư liệu khảo cứu trên đây, có thể nói bài thuốc kinh nghiệm từ dân gian dùng Mẫu thảo để chữa viêm thận phù thũng mà ông Lê Bá Anh ở xã Hòa Bắc đã dùng là có cơ sở và đã được y văn trong và ngoài nước ghi nhận.

Tuy nhiên, để tránh các biến chứng ngoài ý muốn, bệnh nhân không nên tự ý điều trị, mà cần có sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc chuyên môn.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.