.
Phương hay Thuốc quý

Phòng trị sót nhau - có rau bù ngót

.

Sót nhau sau sinh đẻ hay nạo, sảy thai là một nguyên nhân phổ biến gây tai biến chảy máu và nhiễm trùng trong phụ khoa. Dấu hiệu sớm nhất của sót nhau là chảy máu kéo dài, ngoài ra có các triệu chứng đau âm ỉ hoặc từng cơn ở vùng bụng dưới; nhiễm khuẩn xuất hiện ngày thứ 3-4 sau khi sinh hoặc nạo thai.

Rau ngót - Sauropus androgynus, thuộc họ Thầu dầu – Euphorbiaceae. Ảnh: P.C.T
Rau ngót - Sauropus androgynus, thuộc họ Thầu dầu – Euphorbiaceae. Ảnh: P.C.T

Theo kinh nghiệm dân gian, dùng một nắm (50g) lá rau bù ngót (rau ngót) đem rửa sạch, giã nhuyễn và cho vào một ít nước (nước đun sôi để nguội), vắt lấy chừng 100ml. Chia làm 2 phần để uống hai lần (mỗi lần cách nhau 10 phút); sau chừng 15 - 30 phút nhau sẽ ra hết và hết đau bụng. Để chữa sót nhau có người còn dùng 20-40g rễ tươi giã vắt nước uống hoặc dùng rau bù ngót giã nhuyễn rồi đắp vào gan bàn chân.

Không chờ đến lúc sót nhau, phụ nữ sau sinh trong vòng 2-3 ngày, có thể dùng bài thuốc trên uống để dự phòng sót nhau. Ngoài ra để bồi dưỡng sản phụ sau sinh nên dùng rau ngót nấu canh với thịt heo nạc hoặc giò heo. Có nơi hay nấu canh rau ngót với trứng tôm, trứng cáy, cá rô, cá tràu... nhưng với thịt heo nạc thì yên tâm hơn đối với sức khỏe của sản phụ đang cho con bú.

Rau ngót hay bồ ngót, bù ngót, bù ngọt, tên khoa học Sauropus androgynus, là loài cây nhỏ, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây lâu năm, có thể cao 1,5 - 2m, thân nhẵn, nhiều cành mọc thẳng đứng. Mọc hoang và được trồng khắp nơi ở Việt Nam.

Trong lá có nhiều axit amin cần thiết, vitamin C, protein... được dùng làm rau. Là cây thuốc dân gian: rễ, lá kích thích tử cung, được dùng chữa sót nhau, bí đái; lá chữa ban, sởi, ho, sốt, tưa lưỡi. Uống nước sắc hoặc nước vắt từ rễ và lá tươi giã nát; ngày dùng 20 - 40g. Theo GSTS. Đỗ Tất Lợi, khi làm thuốc, thường chọn những cây rau ngót đã sống 2 năm trở lên, hái lá tươi về dùng ngay.

Theo Đông y, rau ngót tính mát lạnh, vị ngọt. Có công năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết hóa ứ, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ. Rau ngót là thang thuốc “công bổ kiêm thi” (vừa công vừa bổ) “phù chính khu tà” (nâng đỡ chính khí, trừ tà khí) vừa tăng sức đề kháng của cơ thể, vừa chống lại nguyên nhân bệnh từ bên ngoài xâm hại cơ thể.

Theo một số nghiên cứu về thành phần của rau ngót cho thấy: Trong 100g rau có 6,5g đạm, 0,08g chất béo, 9g đường, 503mg kali, 15,7mg sắt, 13,5mg mangan, 0,45mg đồng, 23.300UI betacaroten, 85mg sinh tố C, 0,033mg B1, 0,88mg B2.

Như vậy rau ngót (so với các rau lá khác) nhiều đạm, chất sắt, mangan và tiền sinh tố A. Rau ngót cũng khá nhiều magiê, đồng, kali, sinh tố C và PP. Về axit amin thì trong 100g rau ngót có 0,34 threonin, 0,25g phenylalanin, 0,24g leucin, 0,23g isoleucin, 0,16g lysin, 0,13g methionin, 0,05g tryptophan.

Với chất lượng đạm thực vật cao như vậy nên rau ngót được khuyên dùng thay thế đạm động vật để hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận. Rau ngót được khuyên dùng cho người giảm cân và người bị bệnh đường huyết cao.

Ngoài ra rau ngót là một loài hiếm có trong giới thực vật vì có chứa vitamin K. Theo American of clinical nutrition 1-1999 và tài liệu của Trường Đại học Berkeley 7-1999 cho biết ăn rau có vitamin K thiên nhiên làm giảm nguy cơ gãy xương ở người già, do nó bảo vệ cấu trúc khung sụn chống lại sự bào mòn...

Từ năm 1973 Pareira và Ifafar phát hiện trong rau ngót nhiều papaverin là chất từ trước chỉ tìm thấy trong cây thuốc phiện. Trong điều trị dùng papaverin để giãn cơ trơn của mạch máu làm giảm cơn đau phủ tạng, hạ huyết áp và gây cương cứng dương vật. Cứ 100g rau ngót có 580mg papaverin cho nên nếu ăn quá nhiều rau ngót trong một bữa cơm thì về lý thuyết có thể gặp các phản ứng phụ do papaverin gây ra (buồn ngủ, chóng mặt, táo bón...).

Một số bài thuốc khác

Trẻ sơ sinh tưa lưỡi, lưỡi trắng rộp, bỏ bú: Nước ép rau ngót tươi bôi lên lưỡi tổn thương. Có thể hòa thêm mật ong để bôi.

Trẻ bị dị ứng: Lá rau bù ngót 40g, rửa sạch, giã nát, cho nước đã nấu sôi để nguội vào quấy đều, gạn lấy nước uống chia 2 lần, cách nhau 10 phút.

Trẻ bị sốt nóng: Dân gian thường dùng lá rau bù ngót rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước cho trẻ uống, bã đắp vào thóp.

Trị hóc xương: Dùng cả cây và lá bù ngót tươi, giã nhỏ, vắt lấy nước cốt để ngậm nuốt từ từ sẽ khỏi (lưu ý chỉ dùng cho những trường hợp bị hóc xương nhỏ).

Chữa chứng đỏ mắt hoặc mắt bị nhức: Lá rau bù ngót 50g, rễ cỏ xước 30g, lá dâu 30g, lá tre 30g, rau má 30g, lá chanh 10g; tất cả dùng tươi, sắc đặc, chắt lấy nước uống chia nhiều lần trong ngày.

Canh giải nhiệt mùa hè: Rau ngót nấu canh với hến, mát và ngọt đậm đà. Phối hợp này lạnh nên cho thêm lát gừng hoặc nên kiêng với người hư hàn.

Chữa nhức trong xương: Nấu rau ngót với xương sống heo ăn.

Trẻ bị âm hư ra mồ hôi trộm, người luôn nóng: Rau ngót 30g, rau bầu đất 30g, nấu với bầu dục lợn.

ĐẶNG ÁNH TUYẾT (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.