.
Phương hay Thuốc quý

Cây ổi làm thuốc

.

Ổi là cây ăn quả quen thuộc, thân thương, đã đi vào thơ ca hoài niệm: “Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Những cây ổi thơm ngày ấy/ Và vầng hoa ngâu mưa thu…”- (Không đề, thơ Quang Dũng). Ổi còn là cây thuốc cho nhiều vị thuốc, có tên chữ Hán là Phiên thạch lựu (番石榴), tên khoa học là Psidium guajava L., thuộc họ Sim - Myrtaceae.

Một cây ổi mọc hoang trên đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: P.C.T
Một cây ổi mọc hoang trên đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: P.C.T

Ổi là cây nhỡ cao 3-6m. Vỏ nhẵn, mỏng, khi già bong rộp từng mảng lớn. Cành non vuông, có nhiều lông mềm, về sau hình trụ và nhẵn. Lá mọc đối, thuôn hay hình trái xoan, gốc tù hay gần tròn, gân lá nổi rõ ở mặt dưới. Hoa trắng, mọc đơn độc hay tập trung 2-3 cái thành cụm ở nách lá. Quả mọng hình cầu, chứa rất nhiều hạt hình bầu dục. Ðài hoa tồn tại trên quả.

Gốc ở Mỹ châu nhiệt đới, được trồng rộng rãi ở nhiều nơi. Có khi gặp ở trạng thái hoang dại. Ngoài công dụng ăn quả chín, người thu hái các bộ phận búp non, lá, quả, vỏ thân (vỏ rộp) và vỏ rễ của cây để làm thuốc, dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.

Phân tích thành phần hóa học cho thấy lá ổi chứa tinh dầu (0,31%) trong đó có dl-limonen. Còn có β-sitosterol, acid maslinic (acid cratagolic), acid guijavalic. Trong lá ổi non và búp non còn có 7-10% tanin pyrogalic, khoảng 3% nhựa. Nhựa cây ổi chứa acid d-galacturonic (72,03%), d-galactose (12,05%) và l-arabinose (4,40%). Cây, quả ổi có pectin, vitamin C; trong hạt có tinh dầu với hàm lượng cao hơn trong lá. Vỏ thân chứa acid ellagic.

Theo Đông y, quả ổi có vị ngọt và chát, tính bình; có tác dụng cầm ỉa chảy, tiêu viêm, cầm máu. Lá, rễ, vỏ thân đều có vị đắng, chát, tính bình; có tác dụng táo thấp kiện tỳ, thanh nhiệt giải độc; chủ trị đau bụng tả lỵ, bụng đầy do thực tích, răng lợi sưng đau, viêm khớp dạng thấp, sa trực tràng, đái tháo đường, thấp chẩn (eczema), lở loét ống chân, nhọt độc, sưng đau do đánh ngã, xuất huyết do dao chém, rắn độc cắn.

Vỏ ổi và lá đều chát, có nhiều chất tanin nên nó làm săn niêm mạc ruột, làm giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột, còn có tác dụng kháng khuẩn. Thường được dùng trị viêm ruột cấp và mạn, kiết lỵ, trẻ em tiêu hoá kém; dùng 15-30g dạng thuốc sắc.

Lá tươi cũng được dùng trị chấn thương bầm dập, vết thương chảy máu và vết loét. Nhân dân thường dùng lá và quả ổi chữa ỉa chảy và đau bụng đi ngoài.

Lá, búp ổi non còn được dùng chữa bệnh zona (còn gọi là bệnh giời leo, thường mọc những mụn nước thành đám trong người, nhất là ở ngực và lưng).

Đơn thuốc:

1. Trị ỉa chảy: Lá ổi vừa non, vừa già, dùng một nắm độ 50g đem sắc với hai bát nước. Sắc như sắc thuốc, đun nhỏ lửa sôi từ từ trong 15-30 phút. Sau đó để nước âm ấm, chiết lấy nước uống làm nhiều lần, mỗi lần một chén nhỏ. Có thể thêm đường.

2. Bệnh zona: Dùng lá búp ổi non 100g rửa sạch, phèn chua 10g, muối 1g, cho tất cả vào cối giã nhỏ, thêm ít nước. Dùng nước thuốc này để bôi. Có thể cho thêm 5-6g bột sunfamit càng tốt.

3. Viêm dạ dày cấp: Lá ổi 30g thái nhỏ và rang với một nhúm gạo, thêm nước đun sôi uống, ngày hai lần.

4. Viêm ruột, kiết lỵ: Lá ổi tươi 30-60g sắc uống.

5. Tổn thương do đánh ngã, chảy máu do dao cứa: Lá ổi tươi rửa sạch, giã nhuyễn đắp.

6. Giải trúng độc ba đậu: Quả ổi xanh phơi khô, Bạch truật sao đất, Vỏ quả lựu, đều 12g; sắc 1 chén rưỡi nước còn 1 chén uống.

7. Chữa băng huyết: Quả ổi sao khô, đốt tồn tính, tán bột. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g.

8. Chữa tiểu đường tuýp 2: Quả ổi 150g ăn mỗi ngày. Phần vỏ của quả ổi có nhiều chất xơ, sinh tố C và những chất chống oxy hóa có tác dụng kháng viêm và ổn định đường huyết rất tốt cho các bệnh nhân bệnh tiểu đường tuýp 2 (không phụ thuộc insulin). Không ăn phần ruột có nhiều hạt và chỉ số đường cao. Người già có thể xắt nhỏ, xay và ép lấy nước uống. Tuy nhiên, nước ép sẽ mất bớt đi sinh tố và chất xơ.

Lưu ý: Không dùng ổi cho những người đang bị táo bón và bệnh tả lỵ chưa hóa giải hết tích trệ. Ruột ổi có thể làm nhuận trường nhưng chất chát trong lá ổi và vỏ ổi có thể gây táo bón.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.