Qua đường dây nóng

"Gợi ý" mua sữa học đường?

.

Báo Đà Nẵng nhận được phản ánh của một số trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Thanh Khê, cho rằng chuyên viên Phòng GD&ĐT quận này có “gợi ý” qua điện thoại việc các trường phải mua sữa theo đề án “Sữa học đường” của một công ty sữa nhất định. Qua tìm hiểu, việc mua sữa theo đề án là bắt buộc, nhưng việc tham gia đề án là hoàn toàn tự nguyện, không có chuyện ép buộc.

Đại diện (xin giấu tên) của một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Thanh Khê bày tỏ lo lắng: “Bấy lâu nay, nhà trường vẫn ký hợp đồng với một công ty sữa riêng để cung cấp. Việc ký kết này đều thông qua sự thống nhất theo yêu cầu của phụ huynh, chứ không phải nhà trường tự ý thực hiện rồi buộc phụ huynh đóng tiền mua sữa. Bên cạnh đó, do hợp đồng đã ký, nếu bỏ ngang sẽ phải đền bù, rất tốn kém”.

Vị này cũng cho biết thêm, trường hợp “buộc” phải thực hiện đề án sữa học đường và mua sữa của một công ty theo chỉ định, thì cơ quan chức năng phải hướng dẫn các trường theo lộ trình để nhà trường chủ động thực hiện, không thể yêu cầu thực hiện ngay được.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho biết, đề án “Sữa học đường giai đoạn 2018-2020” hiện vẫn chưa triển khai. Việc thực hiện cụ thể như thế nào phải được UBND thành phố quyết, cấp phòng chỉ làm theo; kể cả có chỉ định hay không một công ty sữa nào đó cung cấp, vì còn phải thông qua đấu giá…

Trường hợp phản ánh một chuyên viên gọi cho các trường, phòng sẽ kiểm tra và nghiêm túc nhắc nhở, không có chuyện “chỉ thị” kiểu “cầm đèn chạy trước ô-tô”.

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT, ngày 12-9 tới, Sở sẽ triển khai tập huấn toàn thành phố về thực hiện đề án “Sữa học đường giai đoạn 2018-2020” cho các trường mầm non. Đến ngày 15-9 sẽ triển khai đề án, bắt đầu từ quận Hải Châu và Thanh Khê, sau đó thực hiện theo hình thức cuốn chiếu đến toàn thành phố.

Đây là đề án lớn, có tính nhân văn cao, sự hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp cung cấp sữa rất đáng kể. Tuy nhiên, việc tham gia đề án hay không hoàn toàn là quyền của phụ huynh, chứ không ép buộc tham gia.

“Trước đây, đề án Sữa học đường chỉ thí điểm ở một số xã nghèo vùng ven, nay thực hiện toàn thành phố, nên số phụ huynh hay đơn vị trường học nào không tham gia, chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu nguyên do và có hướng tuyên truyền phù hợp, nhằm bảo đảm sự hưởng thụ chính đáng của học sinh cũng như quá trình phát triển của các em”, ông Vĩnh cho biết.

Đối với các trường tư thục, theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, nếu không tham gia đề án, dĩ nhiên trường không được nhận hỗ trợ từ Nhà nước và công ty sữa cung cấp. “Về việc này, tại buổi tập huấn sắp tới, đại diện các trường sẽ được phổ biến đầy đủ về chương trình thực hiện đề án, cũng như những ưu việt của đề án, các quy định khác khi tham gia”, ông Vĩnh cho hay.

Được biết, theo kế hoạch, từ tháng 1-2018, đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 được thực hiện. Sau đó, Sở GD&ĐT tham mưu UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố xin lùi tiến độ triển khai đề án từ tháng 3-2018. Đến nay, đề án bắt đầu thực hiện từ ngày 15-9.

Đề án “Sữa học đường giai đoạn 2018-2020” đặt mục tiêu 100% trẻ nhà trẻ, mẫu giáo toàn thành phố được uống sữa tại đơn vị 5 lần/tuần; phấn đấu đến năm 2020, 90% phụ huynh và người chăm sóc trẻ ở địa bàn 7 quận, huyện có trẻ tham gia chương trình uống sữa học đường được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.

Đồng thời, đến năm 2020, trẻ mầm non suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi không quá 1%. Trẻ được hưởng thụ từ đề án bao gồm: trẻ nhà trẻ 12 - 36 tháng và mẫu giáo 3-6 tuổi của các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm lớp độc lập tư thục; trẻ mầm non học tại các cơ sở giáo dục, các trường chuyên biệt, trung tâm khuyết tật trực thuộc ngành giáo dục, và các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trên địa bàn thành phố.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.