Nói không với tiêu thụ động vật hoang dã

.

Những năm qua, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF - SGP) triển khai nhiều dự án tuyên truyền, bổ trợ kiến thức cho người dân nhằm giảm thiểu tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD). Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng tăng cường công tác quản lý ĐVHD, đồng thời triệt phá nhiều đường dây đưa động vật về địa bàn thành phố để tiêu thụ…

Cán bộ thuộc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) vận động người dân thả cá thể khỉ vào rừng tại địa bàn quận Liên Chiểu.
Cán bộ thuộc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) vận động người dân thả cá thể khỉ vào rừng tại địa bàn quận Liên Chiểu.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên quốc gia của GEF-SGP cho biết: “So với thời điểm cách đây 10 năm, số lượng động vật hoang dã ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa giảm 16 loài, trong khi số lượng các loài cần bảo vệ tăng lên 5 loài”.

Từ năm 2016, GEF - SGP hỗ trợ đồng bào Cơ tu (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, qua đó góp phần bảo vệ đa dạng sinh học vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Được biết, bên cạnh việc phát triển kinh tế, duy trì bản sắc văn hóa, phát triển nông thôn và bảo vệ môi trường, đồng bào Cơ tu bắt đầu xây dựng hương ước bảo vệ rừng, chung tay quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương. Theo chị Thu Huyền, dự án này sẽ tiếp tục được triển khai giai đoạn 2018-2020 nhằm duy trì thói quen tốt, nâng cao ý thức bảo vệ ĐVHD trong cộng đồng dân cư.

Tháng 5 vừa qua, Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu đã vận động gia đình ông Trần Văn Đông (trú 132 Hoàng Văn Thái, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) giao nộp 2 con khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) được nuôi nhốt tại nhà để thả vào rừng tại tiểu khu 4A, phường Hòa Hiệp Bắc với sự chứng kiến của cán bộ UBND phường Hòa Hiệp Bắc.

Ông Nguyễn Đình Nam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn ĐVHD trên địa bàn như: tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình nuôi nhốt ĐVHD của các trại nuôi; tổ chức tuần tra, truy quét tại rừng để ngăn chặn các hành vi săn, bẫy bắt; trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp các cá thể ĐVHD được nuôi nhốt làm cảnh tại nhà để thả vào tự nhiên.

Nhiều hoạt động khác như hội thảo, triển lãm, tập huấn về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền… cũng diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng nhằm tuyên truyền sâu rộng; thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, không khoan nhượng đối với nạn buôn bán và tiêu thụ ĐVHD; kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ loài voọc chà vá trên bán đảo Sơn Trà…

Cùng với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành văn bản yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tuyệt đối không mua bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là các loài ĐVHD nguy cấp và các sản phẩm của chúng, cũng như không mua hay phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

UBND thành phố yêu cầu các sở: Du lịch, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố phối hợp với đơn vị quản lý thị trường, hải quan, cảng vụ, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Ga đường sắt Đà Nẵng, các địa phương tập trung kiểm tra những làng nghề, cơ sở chế biến, cơ sở kinh doanh ăn uống, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các điểm du lịch, sân bay, bến tàu…, nhanh chóng phát hiện hành vi tiêu thụ, tàng trữ, ngăn chặn loại hình tội phạm liên quan đến loài thuộc danh mục ưu tiên tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP.

Thông tin. Kết quả xử lý các trường hợp vi phạm trong vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn ĐVHD được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp để xảy ra vi phạm trên địa bàn, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.

Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố cho biết, thời gian gần đây, các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn mình quản lý, qua đó ngăn chặn những hành vi săn bắt, tiêu thụ ĐVHD. Đơn cử, tại bán đảo Sơn Trà hay khu vực có nguy cơ cao như Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, vấn đề giám sát được đẩy mạnh, qua đó xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.