Trật tự vỉa hè: Nhiều bất cập - Bài cuối: Văn minh đô thị gắn với đường thông, hè thoáng

.

Giữ đường thông, hè thoáng là một phần trong việc xây dựng văn hóa, văn minh đô thị. Song, xử lý vi phạm trật tự vỉa hè không đơn giản bởi vướng cả lý, tình lẫn chồng chéo trong phân cấp quản lý. Vì vậy, việc vừa giữ trật tự vỉa hè, vừa bảo đảm việc mưu sinh của người nghèo luôn là bài toán khó.

Vỉa hè là nơi mưu sinh của nhiều gia đình nên câu chuyện sắp xếp lại trật tự đến nay vẫn gặp khó. TRONG ẢNH: Một cụ già bán trầu tại vỉa hè ngã tư Hải Phòng - Ông Ích Khiêm.
Vỉa hè là nơi mưu sinh của nhiều gia đình nên câu chuyện sắp xếp lại trật tự đến nay vẫn gặp khó. TRONG ẢNH: Một cụ già bán trầu tại vỉa hè ngã tư Hải Phòng - Ông Ích Khiêm.

Nhiều cơ quan giám sát, quản lý

Trong 15 năm qua, Đà Nẵng ban hành 6 quyết định về quản lý trật tự vỉa hè. Mới nhất phải kể đến Quyết định số 55/2014/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 của UBND thành phố về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường (gọi tắt là Quyết định 55).

Theo đó, UBND thành phố giao cho UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã tăng cường quản lý trật tự vỉa hè trên địa bàn; giao Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Thanh tra sở tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong việc quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè... Phòng Cảnh sát trật tự Công an thành phố cũng kiêm nhiệm công tác này.

Ở cấp quận, nhiệm vụ chính thuộc về Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận và sau đó là trách nhiệm của UBND các phường. Nghĩa là cùng một nhiệm vụ, cùng một tuyến đường nhưng có thể có nhiều ngành, đơn vị, cá nhân cùng thực hiện việc giám sát, xử lý nên khó tránh sự chồng chéo trong hướng giải quyết.

Quy định đã có, nhưng việc quản lý và sử dụng tốt vỉa hè còn liên quan đến ngành giao thông, ngành điện, nước hay bưu chính viễn thông... Thực tế cho thấy, nhiều công trình lưới điện và cáp viễn thông mặc nhiên sử dụng vỉa hè làm nơi dựng trụ và đặt thùng cáp.

Thậm chí, không ít tuyến đường, vỉa hè liên tục bị lực lượng cấp thoát nước, điện lực, cáp quang đào lên, lấp xuống do chưa có sự phối hợp đồng bộ trong quá trình xây dựng, nâng cấp.

Bên cạnh đó, nhiều khi Đội Kiểm tra quy tắc đô thị làm việc, người dân ký biên bản cam kết không vi phạm lấn chiếm vỉa hè nhưng chuyện tái chiếm vẫn diễn ra, như trường hợp vỉa hè trước khách sạn Gia Hưng (1397 Nguyễn Tất Thành, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) rộng 10m nhưng người đi bộ không có lối đi.

Ông Lê Hữu Khanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông cho biết, UBND phường đã nhiều lần cử lực lượng Công an, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị đến lập biên bản, yêu cầu khách sạn Gia Hưng dọn dẹp bàn ghế đá, cây cảnh đặt lấn chiếm vỉa hè. Thế nhưng, khách sạn này chỉ dọn dẹp bàn ghế đá, còn cây cảnh được sắp xếp gọn gàng hơn chứ chưa chuyển đi nơi khác để trả lại toàn bộ vỉa hè theo quy định.

Vướng tình và lý

Trên địa bàn quận Hải Châu, phường Thạch Thang hiện có hơn 70 hộ dân buôn bán vỉa hè trên các tuyến đường Quang Trung, Hải Phòng. Trong khi đó, ở phường Bình Hiên, hơn 30 hộ nghèo không có mặt bằng kinh doanh cố định...

Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu từng rất “đau đầu” bởi việc lập lại trật tự vỉa hè vướng cả tình lẫn lý, nghiêng về phía nào cũng ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị cũng như đời sống của người dân. Do đó, không ít lần quận Hải Châu kiến nghị với UBND thành phố nghiên cứu, sắp xếp khu vực cho người buôn bán vỉa hè.

Một trong những giải pháp được đặt ra là kẻ vạch cho phép sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh. Bà Lê Thị Thuận, Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho rằng, đây là cách làm nhân văn nhằm hỗ trợ người dân có địa điểm kinh doanh, buôn bán, thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, không ít hộ vì thiếu ý thức nên đã đưa mặt hàng kinh doanh ra sát lề đường, nhất là ở các tuyến đường đông đúc như: Đống Đa, Lương Ngọc Quyến, 3 Tháng 2...

“Trước tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên đường Lương Ngọc Quyến dẫn vào chợ Đống Đa, UBND phường từng ra quyết định cấm các loại hình buôn bán vỉa hè trên tuyến đường này. Tuy nhiên, trước vấn đề mưu sinh của người dân, chúng tôi đã yêu cầu các hộ kinh doanh di chuyển sát vào trong, chừa lối cho người đi bộ, chứ không thể cấm vĩnh viễn”, bà Thuận trăn trở.

Phường Hải Châu 1 hiện có gần 400 phụ nữ buôn bán nhỏ lẻ trên vỉa hè. Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hải Châu 1 đã tuyên truyền đến từng hộ về ý thức sắp xếp trật tự vỉa hè trong lúc bán buôn. Bà Nguyễn Thị Chua cho hay, từ cuối năm 2013, bà được UBND phường Hải Châu 1 tạo điều kiện bán tại vỉa hè số 27B Yên Bái với yêu cầu phải giữ gìn vệ sinh và dành 1,5m cho người đi bộ.

Với 3 bộ bàn nhỏ và một gánh bánh bèo nóng đặt trên vỉa hè, mỗi tháng bà Chua nộp phí hơn 100.000 đồng cho phường. “Việc đóng phí giúp tôi yên tâm buôn bán, không còn thấp thỏm sợ bị đẩy đuổi như trước và cũng nhờ điểm bán này, vợ chồng tôi có thể lo cho hai con ăn học”, bà Chua nói.  

Mới đây, ông Nguyễn Minh Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu trực tiếp chỉ đạo Ban quản lý (BQL) chợ Hàn, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận và UBND phường Hải Châu 1 hướng dẫn, vận động người dân sắp xếp xe gọn gàng, đưa xe ra sát mép bó vỉa hè, phần phía trong dành cho người đi bộ. Cùng với đó, ông Huy yêu cầu BQL chợ Hàn tiến hành kẻ lại vạch vỉa hè và các hộ dân cam kết sử dụng vỉa hè đúng quy định...

Tăng cường trách nhiệm của địa phương

UBND thành phố mong muốn tạo đường thông, hè thoáng, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng vỉa hè, tạo hành lang an toàn cho người đi bộ, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh thành phố văn minh.

Vì vậy, sau khi chi khoảng 185 tỷ đồng để cải tạo, chỉnh trang 31 tuyến đường phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, UBND thành phố đã tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, cải tạo vỉa hè một số tuyến đường như: Trần Quốc Toản, Tiểu La, Lê Đình Dương, Núi Thành, Yên Bái (quận Hải Châu) và Trần Cao Vân (quận Thanh Khê)..., tổng mức đầu tư khoảng 95 tỷ đồng.

Quyết định của UBND thành phố cũng nêu rõ: Tùy theo điều kiện cụ thể của từng tuyến đường, cơ quan có thẩm quyền cấp phép được quyền phân định phần vỉa hè sử dụng để làm lối cho người đi bộ theo quy định nhằm bảo đảm vỉa hè thông thoáng, mỹ quan đô thị. Theo đó, việc kẻ vạch vỉa hè, quy định bố trí lối dành cho người đi bộ và quản lý trật tự vỉa hè thuộc thẩm quyền của UBND các quận, huyện.

Để phần nào khắc phục tình trạng bát nháo, chiếm dụng vỉa hè thường xuyên diễn ra, UBND quận Hải Châu quy trách nhiệm của Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận cũng như UBND các phường trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Nguyễn Minh Huy trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận khi kiểm tra phải kèm quay phim, chụp ảnh làm tư liệu gửi UBND phường liên quan; đồng thời gửi hình ảnh, video về Phòng Nội vụ quận để có cơ sở trừ điểm thi đua đối với UBND các phường dịp cuối năm. Theo ông Huy, quy định này giúp các phường tăng cường trách nhiệm trong quản lý trật tự vỉa hè. Nếu việc vận động người dân ký cam kết không hiệu quả thì phải lấy quy định ra để xử lý dứt điểm và trách nhiệm trước tiên thuộc về địa phương.

Tương tự, từ năm 2016, UBND quận Thanh Khê ban hành đề án “Phân công nhiệm vụ thực hiện quản lý trật tự vỉa hè”; trong đó chú trọng phân cấp quản lý, phối hợp giữa các phường có địa bàn giáp ranh với nhau, hoặc trên tuyến đường giáp ranh với quận Hải Châu... Song song công tác kẻ vạch trên vỉa hè các tuyến đường thuộc quận, UBND quận cũng quy định cụ thể vị trí đặt thùng rác không chắn lối dành cho người đi bộ.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho rằng, việc phân công cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự vỉa hè sẽ đề cao vai trò chủ động, trách nhiệm của từng địa phương. Hiện Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Thanh Khê đảm nhận 12 tuyến đường chính và UBND 10 phường đảm nhận các tuyến đường còn lại theo địa giới hành chính.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Ban Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới tái lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường do lực lượng địa phương còn mỏng, chủ yếu nhắc nhở, chưa thật sự kiên quyết trong xử lý vi phạm nên việc tăng cường trách nhiệm của địa phương khi xử lý vi phạm là rất cần thiết.

Thời gian qua, Ban ATGT thành phố đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo yêu cầu các đơn vị trường học thực hiện nghiêm văn hóa giao thông; cấm phương tiện xe cơ giới lưu hành hoặc dừng, đỗ trái phép trong giờ học tại sân trường, trên vỉa hè, lòng đường xung quanh cổng các trường học; tổ chức tuyên truyền và ban hành quy định hướng dẫn về bảo đảm ATGT và tổ chức giao thông tại trường học; kiên quyết không để tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè tại khu vực chung quanh trường học.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký văn bản số 8352/UBND-SGTVT chỉ đạo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với UBND các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và đơn vị liên quan tiến hành xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán trái phép trên vỉa hè, lòng đường tuyến đường Võ Nguyên Giáp.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố, đơn vị sẽ có kế hoạch phối hợp cùng hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn tiến hành cùng lúc và phối hợp, phân công cử lực lượng tuần tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên để trả lại đường thông, hè thoáng trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp. Đây là con đường có nhiều khách du lịch đi lại, nhất là khách bộ hành, dễ ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố nếu không xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, mất an toàn giao thông.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.