.
Ký sự Pháp đình

Phía sau bản án tử

.

Phía sau bản án tử hình không chỉ là một cuộc đời sắp khép lại mà còn có những phận người chông chênh, là nước mắt tủi hờn của người vợ trẻ và ánh mắt ngơ ngác của đứa trẻ vừa chào đời…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng phía sau bản án tử còn có cả lòng bao dung, độ lượng của người mẹ già đang đau nỗi đau mất con…

1.  Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học cũng là ngày N.T.N (SN 1995) hay tin mẹ mình mang căn bệnh ung thư gan. Niềm vui chưa dứt, nỗi buồn đã ập tới, cô gái hiếu thảo nhanh chóng quyết định nghỉ học, để dành tiền và thời gian chăm sóc mẹ.

Cố gắng mạnh mẽ và gượng cười để mẹ yên tâm điều trị nhưng thẳm sâu trong lòng cô gái vừa chớm 18 tuổi là bao nỗi niềm không thể diễn tả. Cùng lúc ấy, người hàng xóm H.V.H (SN 1990) vừa đi làm xa về, thỉnh thoảng ghé vào thăm mẹ N. Trong những lần lui tới ấy, để an ủi N., H. thường tâm sự, sẻ chia về cuộc đời mình.

Đó là nỗi day dứt khi mẹ qua đời ngay lúc vừa hạ sinh mình. Đó là niềm hẫng hụt khi cha tái hôn với người phụ nữ khác sau đó 2 năm. Đó là nỗi cô đơn khi thiếu vắng tình thương của mẹ, của cha dẫu lớn lên trong vòng tay đùm bọc của nội và của anh, chị. Đó là sự chới với khi phải dừng chân trước cánh cửa đại học, theo cha học nghề đóng thuyền. Đó là niềm bức bối khi quẩn quanh mãi với những điều quen thuộc đến tù túng…

H. còn kể với N. về những ngày xách ba lô từ quê (xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) vào Đà Nẵng lập nghiệp. Khi ấy, khoảng tháng 3-2012, vừa mới đặt chân đến mảnh đất xa lạ, H. đang ngơ ngác thì anh T.T.T (SN 1973, ngụ quận Sơn Trà) đến làm quen. Chuyện trò qua lại, anh T. tự nguyện đưa H. đi tìm việc làm ở nhiều nơi.

Nhờ mối quan hệ của mình, anh T. xin cho H. làm nhân viên phục vụ tại một quán nhậu. Cũng từ đó, trong gần 2 năm sống ở Đà Nẵng, tình cảm anh em giữa H. và anh T. ngày càng thân thiết. Đôi lần đến nhà anh T. chơi, H. biết anh T. là người đồng tính, làm nghề cho vay nặng lãi.

2. Những câu chuyện không đầu không đuôi kéo H. và N. gần lại với nhau. Dần dà, đôi trẻ nảy sinh tình cảm rồi nên duyên vợ chồng vào đầu năm 2014. Hạnh phúc nối hạnh phúc khi N. mang thai đứa con đầu lòng. Tuy nhiên, cả hai đều không có công việc ổn định nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Ám ảnh về sự ra đi của mẹ mình, H. vay mượn tiền một số người, cố gắng chăm sóc vợ đủ đầy.

Đồng tiền đi ra nhưng không có đồng tiền đi vào, nợ chồng nợ, chủ nợ liên tục kéo đến nhà. Quãng thời gian này, H. và anh T. vẫn thường xuyên nói chuyện với nhau qua điện thoại di động. Qua tâm sự, anh T. hứa khi nào H. thiếu tiền thì vào Đà Nẵng, anh T. cho mượn.

Thấy vợ đã cận kề ngày sinh, H. cầm xe của anh trai, nói dối vợ là vào Quảng Bình đi dự đám cưới một người bạn rồi đón xe khách vào Đà Nẵng. Sáng sớm 30-9-2014, sau khi đến Bến xe Đà Nẵng, H. đón xe ôm đến nhà anh T.

Ăn cơm xong, anh T. bảo H. lên giường nằm nghỉ. Được một lúc, anh T. có những hành vi “quấy rối” H. Mặc dù H. kiên quyết từ chối nhưng anh T. vẫn nài nỉ, buộc H. quan hệ đồng tính thì mới cho mượn tiền. Bực bội, H. đứng dậy bỏ đi thì anh T. dùng tay kéo áo H. H. quơ tay đánh làm anh T. chảy máu miệng. Tức tối, anh T. chửi: “Đồ nhà quê không có tiền mà còn làm chảnh” và dùng cây đánh H.

Trong cơn giận, H. lấy dây điện (rời ổ cắm) quất rồi siết cổ anh T. cho đến khi nạn nhân bất động. Sau đó, H. tìm chìa khóa để mở tủ, lục tìm và lấy của nạn nhân 2 nhẫn vàng, 1 dây chuyền vàng, 1 xe máy cùng một túi ni-lông đựng tiền rồi tẩu thoát. Tổng giá trị tài sản H. chiếm đoạt hơn 224 triệu đồng.
Hôm sau, H. có mặt ở nhà, đưa cho vợ 7,5 triệu đồng và bảo: “Đây là tiền bạn vay mượn mới trả”. Hai hôm sau, vợ H. trở dạ, sinh cô con gái nhỏ nhắn, đáng yêu. Gần gũi vợ con được chừng 5 ngày, H. bị bắt. Gia đình giấu N., mãi đến khi con trẻ tròn 1 tháng tuổi, người thân mới thông tin cho người vợ trẻ hay. N. chết lặng, chìm trong nước mắt.

3. Trong khi đó, đầu bạc tiễn đầu xanh, đau nỗi đau mất con, mẹ của bị hại vẫn giàu lòng vị tha, bao dung. Sau khi biết chuyện tày trời H. gây ra, gia đình H. lập tức đến nhà thắp hương cho nạn nhân, đồng thời gửi một phong bì sẻ chia nỗi mất mát. Vậy nhưng, thấu hiểu và thương cảm cho tình cảnh của người vợ trẻ, bà kiên quyết từ chối số tiền ấy.

Trong phiên sơ thẩm lưu động do TAND thành phố Đà Nẵng xét xử, H. thừa nhận ngoài tổng giá trị tài sản hơn 216 triệu đồng cơ quan điều tra, số tiền H. chiếm đoạt của nạn nhân còn có 7,5 triệu đồng đã đưa cho vợ. Tòa hỏi bà có ý kiến gì với số tiền mới phát sinh này không, bà độ lượng: “Con tôi mất cũng mất rồi. Tôi không nhận tiền đâu, cho vợ chú ấy để lo cho con…”.

Tòa tuyên H. tử hình về hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Vợ H. nức nở, ngã quỵ. Bên ngoài phòng xử án, con gái H. cũng ngằn ngặt khóc. Ôm cháu vào lòng vỗ về, chị gái H. nỉ non: “Cháu ơi, sao từ ngày sinh ra đến chừ, cháu chưa bao giờ cười một lần mà toàn buồn và khóc thế này. Là cháu hiểu, là cháu tủi thân số phận mình sao cháu?”.

Còn bà, người mẹ mất con, lụm cụm đứng dậy, giơ tay xin được ý kiến. Lực lượng hỗ trợ tư pháp khuyên bà nên ra về bởi phiên tòa đã bế mạc, bà không thể phát biểu được nữa. Bà cứ đứng mãi với thắc mắc: “Tui xin cho chú ấy án chung thân không được hả mấy chú? Vợ còn trẻ, con còn nhỏ, làm ơn đừng xử chú ấy tử hình…”. Được người nhà dìu về, bà cứ ngoái nhìn vợ con H. đang quằn quại trong đau đớn rồi thở dài, rơm rớm: “Răng mà tội rứa hè, tụi nhỏ phải sống răng chừ đây…”.

Giá mà tội ác không xảy ra, để tình người không phải quyện hòa trong nỗi đớn đau ở một hoàn cảnh bi thương như thế này…

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.