.
Ký sự Pháp đình

Túng quá hóa… liều

.

Ông cha xưa có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm” để nhắc nhớ mọi người không nên vì khốn khó mà đánh mất chữ “danh”. Tuy nhiên, số ít người trong cơn túng quẫn đã không làm chủ được bản thân mình, đánh mất “lòng sạch” và “tiếng thơm”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

P.T.S (SN 1970, ngụ tỉnh Bình Định) nghẹn đắng khi có người hỏi về con đường rơi vào vòng lao lý của mình. S. kể, gia đình ở quê làm nông nên S. không được học hành đến nơi đến chốn. Tuổi lên 10, S. phải ra đồng phụ giúp cha mẹ. Đối với S., cái nghèo, cái khổ chẳng khác nào là người bạn đồng hành thuở ấu thơ.

Ngày ấy, thanh-thiếu niên ở quê S. kết hôn khá sớm. Vừa tròn 18 tuổi, S. cũng được cha mẹ mai mối rồi nên duyên vợ chồng với một thanh niên cùng xã. Chưa kịp tìm hiểu tính cách, cả hai nảy sinh nhiều mâu thuẫn khi sống chung dưới một mái nhà. Chồng của S. là người đàn ông không thích lao động, cả ngày chỉ tụ tập nhậu nhẹt cùng bè bạn. Mỗi khi “sương sương”, người đàn ông này lại chửi mắng, đánh đập vợ. Cũng vì vậy, những cuộc cãi vã cứ đan chồng lên nhau trong tổ ấm mới.

Ngay khi S. muốn chia tay với chồng thì hay tin mình mang thai đứa con đầu lòng. S. nhen niềm hy vọng người chồng sẽ vì con mà thay đổi nên cố gắng nhẫn nhịn để con có một mái ấm đủ đầy tình thương của cha và mẹ. Thế nhưng, chồng của S. vẫn chứng nào tật nấy. Con giun xéo lắm cũng oằn, khi sức chịu đựng không còn, S. quyết định chấm dứt cuộc sống hôn nhân đau khổ, giành quyền nuôi con.

Sau khi ly hôn, S. gửi con trai nhờ mẹ chăm sóc, mang khát vọng đổi đời đến Đà Nẵng mưu sinh. Nơi đất khách quê người, S. gặp N.G (SN 1964). Cảm động trước sự quan tâm, chăm sóc của G. dành cho mình, S. nảy sinh tình cảm với G. và chung sống cùng G.

Chưa kiếm được công việc ổn định, cuộc sống của cả hai càng thêm bấp bênh khi hai đứa con trai lần lượt chào đời. Gia đình của S. sống lay lắt qua ngày bằng tiền công bữa đực bữa cái từ nghề “thợ đụng”. Đã vậy, đồng tiền cực khổ kiếm được vốn chẳng nhiều nhặn gì lại bị G. nướng hết vào cá độ bóng đá. Bỏ mặc hai con lớn lên thiếu ăn thiếu học, bỏ mặc người vợ bôn ba khắp nơi, vất vả làm lụng, G. như con thiêu thân lao vào trò “đỏ đen” không có điểm dừng. Không có tiền, G. liền đi vay mượn để thỏa mãn niềm vui thích của mình.

Cứ thế, cái nghèo bám riết gia đình họ dai dẳng. Chủ nợ liên tục kéo đến nhà đòi nợ, đập phá đồ đạc. Trong cơn quẫn bách, G. bàn với S. thuê xe máy rồi mang đi cầm cố lấy tiền… trả nợ. Ban đầu, nghe chồng nói, S. giật mình, lên tiếng can ngăn. Nhưng những lần đòi nợ của chủ nợ càng lúc càng dồn dập, đẩy S. lâm vào cảnh bí bách. Sau nhiều đêm trăn trở, S. quyết định nhắm mắt làm liều với ý nghĩ “mượn trước, trả sau”. Với cách thức này, hai vợ chồng đã thực hiện 5 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 21 triệu đồng. Để tạo niềm tin cho những người cho thuê xe máy, G. và S. tìm đủ mọi chiêu trò, như: bịa ra lý do thuê xe để chở con đi thực tập, dẫn các bị hại về ngôi nhà cả hai đang thuê và giới thiệu là nhà của mình…

Khi biết bị lừa, các nạn nhân tố cáo hành vi của vợ chồng S. Vào năm 2008, G. bị Công an bắt giữ và lãnh 30 tháng tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng S. bỏ trốn về quê nhà sau khi chồng bị bắt nên Công an quận Thanh Khê ra quyết định truy nã đối với S.

Chừng nửa năm sau, S. quay trở lại Đà Nẵng, thuê nhà tại quận Ngũ Hành Sơn sống cùng hai con. Để mưu sinh, S. bán hột vịt lộn rong. Đến năm 2012, tích cóp được một số vốn nhỏ, S. chuyển sang nghề cho vay nặng lãi, quay trở lại phường Hòa An (quận Thanh Khê) cư ngụ và vừa bị bắt giữ vào năm 2016.

Đứng sau vành móng ngựa, S. nghẹn ngào: “Mọi chuyện bắt nguồn từ việc chồng tôi mê trò đỏ đen. Nhưng tôi cũng có một phần lỗi khi không cứng rắn khuyên can chồng. Phải chi ngày đó tôi không mềm lòng, cương quyết với chồng thì sẽ không có cảnh tan nhà, nát cửa như hôm nay...”. Đồng thời, S. chia sẻ, trong suốt 8 năm trốn lưới pháp luật, bị cáo luôn sống trong tâm trạng phập phồng lo sợ. “Khi bị bắt, bị cáo cảm thấy nhẹ lòng hơn, chỉ lo lắng các con sẽ tủi nhục vì mẹ lâm vào con đường tù tội”, S. nức nở.

Những giọt nước mắt hối lỗi muộn màng không giúp S. thoát khỏi mức án 30 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Câu chuyện của S. cũng là bài học nhắc nhớ mọi người nên vững lòng trước những biến cố cuộc đời, đừng vì phút nông nổi mà đánh mất quãng tương lai sau song sắt nhà tù.

DUY AN

;
.
.
.
.
.