.

Phạt 10 triệu - 15 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại tiền Việt Nam

.

Vừa qua, trên địa bàn Đà Nẵng có thông tin phản ánh về việc người Trung Quốc sử dụng Nhân dân tệ để thanh toán tiền dịch vụ và có hành vi hủy hoại tiền Việt Nam khi đi du lịch tại đây. Là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ và ngân hàng trên địa bàn thành phố, Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Đà Nẵng thông báo một số quy định của Nhà nước như sau:

Điều 3 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26-12-2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam có quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối”.

Hình thức xử phạt: Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 24 như sau: Phạt tiền từ 200 triệu - 250 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm sau: “Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật”. Hình thức xử phạt bổ sung theo Điểm b Khoản 8 Điều 24 Nghị định 96 là: tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều này.

Về hành vi hủy hoại tiền Việt Nam, theo Khoản 3 Điều 31 Nghị định 96 có quy định: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật”. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này theo Khoản 5 Điều 31 Nghị định 96 là: tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại Khoản 3 Điều này, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.

T.G

;
.
.
.
.
.