.
Ký sự Pháp đình

Không chịu hối cải

.

Bao nhiêu lần người cha vào tù ra tội là bấy nhiêu lần đứa con ôm ấp niềm hy vọng về một ngày cha rẽ bước quay về nẻo thiện. Thế nhưng, niềm mong ước nhỏ nhoi của người con hết lần này đến lần khác vỡ tan bởi  người cha không chịu hối cải…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tờ mờ sáng, người thân của bị cáo M.V.P (SN 1967, ngụ quận Cẩm Lệ) đã có mặt ở TAND quận Hải Châu. Trong nỗi mong ngóng được gặp người thân, họ cứ nhấp nhổm nhìn về phía cổng tòa chờ đợi. Chiếc xe dẫn giải bị cáo đỗ xịch, họ bồn chồn chạy đến bên P., dồn dập hỏi thăm.

Vào tù ra tội

P. từng là người chồng tốt, người cha mẫu mực trong tổ ấm nhỏ hạnh phúc. Thế nhưng, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi khiến P. chán nản, sa chân vào con đường làm bạn với ma men từ lúc nào chẳng hay. Năm 2000, P. quyết chí tu tỉnh, rời quê vào tỉnh Quảng Nam làm thuê, làm mướn để gom góp tiền gửi về cho vợ con. Cuộc sống xa nhà khiến P. lại tìm đến với bia rượu. Tiền lương không đủ cho những bữa nhậu thâu đêm suốt sáng. Từ trụ cột vững chãi của gia đình, P. trở thành người đàn ông suốt ngày say khước, đờ đẫn. Cũng từ đó, P. lười lao động. Rỗng túi nhưng cơn thèm rượu bấu víu khiến P. làm liều, trộm tài sản để có tiền đi nhậu. Khi P. lẻn vào nhà dân để trộm tài sản thì bị gia chủ phát hiện, bắt giữ. Lần ấy, P. bị TAND huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) xử phạt 36 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.

Suốt khoảng thời gian ngồi tù, người thân thường xuyên vào thăm, động viên P. cải tạo tốt để trở về làm lại cuộc đời. Con trai của P., lần nào gặp cha, cũng nắm bàn tay của bị cáo, rưng rức khóc. Cứ ngỡ, tháng ngày trong chốn lao tù cùng giọt nước mắt mặn đắng của tình thân sẽ khiến P. thức tỉnh. Vậy mà, vừa mãn hạn tù, P. lại quay về con đường cũ. Chẳng những vậy, trong cơn ngà ngà say, P. còn học đòi thử dùng ma túy rồi nghiện ngập. Cần tiền để thỏa mãn thú vui chết người, P. nảy sinh ý định mua ma túy rồi chia nhỏ, bán cho các con nghiện kiếm lời. Lúc đầu, P. tập tành kinh doanh nhỏ lẻ. Thấy kiếm được nhiều tiền, P. càng ngày càng tham, chuyển sang buôn bán lớn hơn. Chưa tròn nửa năm rời trại, P. lần nữa đứng trước vành móng ngựa, lãnh án 14 năm 3 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Năm 2015, P. ra tù, vẫn chưa tỉnh ngộ, tiếp tục sa vào con đường nghiện ngập và mua bán “cái chết trắng”. Tối 3-11-2015, P. nhờ người quen chở đến đường Nguyễn Hữu Thọ lo công việc. Tuy nhiên, khi đến đường Nguyễn Duy Khoái, P. nhờ người này dừng xe rồi đi vào con hẻm gần đó. Tại đây, P. bị trinh sát bắt quả tang tàng trữ trái phép 3,14g ma túy tổng hợp, một roi điện cùng hai con dao. Khám xét nhà ở, công an thu giữ thêm một số dụng cụ để bán ma túy.

Cứng đầu chối tội

Lần thứ ba đứng trước vành móng ngựa, P. thể hiện sự lì lợm của mình khi rành rọt trả lời từng câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX). P. biện minh: “Bị cáo là con nghiện. Số tang vật thu được là bị cáo mua để sử dụng chớ không buôn bán”. Vị chủ tọa nhẹ nhàng: “Vậy những vật dụng để chia lẻ ma túy mà công an phát hiện tại nhà bị cáo, bị cáo dùng để làm gì?”. P. lớn giọng: “Bị cáo mua chúng từ lâu nhưng không sử dụng”. Trước sự cứng đầu của P., vị chủ tọa công bố các lời khai thừa nhận buôn bán ma túy của bị cáo trong quá trình điều tra. Ngoài ra, chủ tọa cũng viện dẫn lời khai của các con nghiện từng được P. bán “hàng”. Trước bằng chứng quá rõ ràng, P. không còn cách nào khác, đành cúi đầu thừa nhận.

P. cho biết, từ tháng 10-2015, P. nhiều lần bắt xe khách ra Hà Nội mua ma túy từ một người đàn ông tên Vinh. Mỗi lần giao dịch từ 3 đến 5 triệu đồng. Ngoài việc thỏa mãn cơn nghiện, P. còn bán lại cho các con nghiện kiếm tiền chênh lệch. Nhiều con nghiện trở thành khách quen của P. Tất cả giao dịch mua bán đều được P. liên lạc qua điện thoại.

Trái ngược với vẻ dửng dưng của P. là nỗi ái ngại của con trai bị cáo. Anh rụt rè chia sẻ, khi anh vừa tròn 10 tuổi, cha của anh đã vào tù. Tuổi thơ của anh là chuỗi ngày gánh nặng mặc cảm vì lời xì xầm của hàng xóm, tiếng trêu ghẹo của bạn bè. Cứ thế, anh lớn lên theo thời gian cùng những giọt nước mắt đắng cay, chua xót. “Tôi từng nuôi hy vọng một ngày nào đó cha sẽ trở lại như xưa, chu đáo và đầy trách nhiệm. Nhưng mọi ước vọng của tôi đều vỡ tan tành khi ông hết lần này đến lần khác vào tù ra trại. Tôi lớn lên thiếu vắng sự chỉ dạy của cha. Tôi kết hôn, con tôi chào đời, cha vẫn còn ngồi sau song sắt nhà tù”, anh chua xót nói.

Lần thứ ba đứng trước vành móng ngựa, P. lãnh án 10 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Án tuyên, P. ngoái nhìn về phía người thân vội vàng rồi cúi gằm mặt bước đi. Phía sau, đôi chân của con trai của bị cáo dợm bước tới rồi rụt rè dừng lại, thẫn thờ đứng trông theo bóng lưng cha, thở dài sườn sượt…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.