.
Ký sự Pháp đình

Nỗi lòng của người mẹ

.

Nuôi con khôn lớn, người mẹ nào cũng cầu mong con mình lớn lên khỏe mạnh, thành tài nhưng không phải ai cũng đạt thành tâm nguyện. Và khi con lạc lối, họ lại tự trách mình cùng những giọt nước mắt xót xa...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Người phụ nữ ngồi ở hàng ghế dự khán đầu tiên của phòng xử án TAND quận Thanh Khê cố gắng ghìm cơn xúc động nhưng vẫn không ngăn được tiếng nấc thi thoảng bung trào. Bàn tay gầy guộc lẩy bẩy bám chặt vào chiếc bàn phía trước để tìm điểm tựa; đôi mắt thâm sẫm, đỏ quạch, sưng to thẫn thờ hướng về vành móng ngựa dõi theo bóng dáng con. Bà là mẹ của bị cáo T.T.T.H (SN 1992, ngụ quận Liên Chiểu).

Trong những con chữ rời rạc, đứt quãng, bà nghẹn ngào kể về cuộc đời buồn khổ của mình. Không có tiền chữa bệnh, chồng bà qua đời, để lại bà mái nhà xơ xác cùng đứa con còn đỏ hỏn. Từ đó, bà vừa là cha, vừa là mẹ, tất tả với gánh mưu sinh và nuôi dạy con.

Thương con thiếu vắng sự quan tâm của cha, bà luôn cố gắng bù đắp tình cảm, vật chất cho con. Nhìn con gái ngày một khôn lớn, bà vui mừng khôn xiết. Năm 18 tuổi, H. nghe bạn bè giới thiệu công việc lương cao nên quyết tâm vào Sài Gòn lập nghiệp.

Từ đó, H. rời xa vòng tay bảo bọc của bà với lời hứa sẽ mang thật nhiều tiền về phụ giúp mẹ. Bà hạnh phúc vì con gái nay đã trưởng thành, biết lo lắng cho tương lai, quan tâm đến mẹ. Thỉnh thoảng, trong những cuộc điện thoại gọi về, H. hào hứng khoe gặp được bạn tốt, xin được công việc ổn định… Nước mắt người mẹ cứ lăn dài trong từng câu chuyện của con.

Cuối năm ấy, H. dẫn bạn trai về nhà ra mắt. Không ngăn cản con yêu đương nhưng bà luôn thủ thỉ, khuyên bảo con đừng vội lập gia đình vì tuổi còn nhỏ. Bỏ mặc ngoài tai lời khuyên của mẹ, H. sống thử, có thai và cưới “chạy”. Cuộc hôn nhân chóng vánh rồi nhanh chóng lụi tàn sau đó một năm vì những người trẻ vẫn mải mê ham vui với các buổi tiệc tùng, nhậu nhẹt. Chia tay chồng, H. mang con thơ về Đà Nẵng nhờ mẹ nuôi, không hề hay biết những giọt nước mắt lăn dài trong đêm của mẹ.

Hôn nhân tan vỡ không khiến H. thức tỉnh, rút ra bài học cho cuộc đời mình. Cô tiếp tục lao theo những cuộc vui bất tận thâu đêm suốt sáng. Để có tiền tiêu xài, H. từ bỏ công việc cũ với mức lương thấp, xin vào làm tiếp viên tại một quán cà-phê.

Nghe bạn bè dụ dỗ, H. bước chân vào đường dây bán dâm tại các vũ trường, khách sạn. Môi trường không lành mạnh kéo H. lún sâu vào ma túy. Cơn nghiện càng ngày càng nặng, bao nhiêu tiền làm ra cũng không đủ cho H. thỏa mãn. Hai năm sau, H. tiều tụy trở về quê nhà. Chào đón H. khi ấy không có gì ngoài những giọt nước mắt xót xa, cay đắng của người mẹ đau khổ.

2. Đứng sau vành móng ngựa, gương mặt H. tái xám, nhòe nhoẹt nước mắt. H. khai, sau khi trở về quê, cuộc sống quá túng quẫn, không biết phải làm gì để mưu sinh nên nảy sinh ý định trộm cắp. Lợi dụng sơ hở ở các tiệm làm tóc, cửa hàng thời trang, H. nhanh tay “chôm” tài sản.

Từ tháng 8-2015 đến 2-2016, H. thực hiện trót lọt 13 vụ, trộm 15 điện thoại di động, chiếm đoạt tổng giá trị tài sản hơn 72 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đều bị H. nướng vào “nàng tiêu nâu”. Hành vi vi phạm pháp luật của H. bị camera của một cửa hàng thời trang ghi nhận.

Chủ cửa hàng sau một thời gian kêu gọi H. mang trả lại tài sản không thành công, quyết định đăng tải hình ảnh lên facebook, nhờ mọi người tìm kiếm. H. biết được điều này nhưng bị lòng tham làm mờ mắt, tiếp tục thực hiện hành vi sai trái rồi bị bắt giữ sau đó.

Nước mắt lưng tròng, H. lí nhí: “Từ ngày bị bắt, bị cáo rất hối hận. Trong quãng thời gian ở trong trại giam, bị cáo mới bắt đầu nhìn nhận lại mọi việc, về những lỗi lầm của bản thân, về tình cảm của mẹ, về sự vô trách nhiệm đối với con và cả nỗi tủi hổ bị cáo đã gây ra cho mẹ”.

Vị chủ tọa hỏi: “Tại sao đã trở về quê hương, có sự che chở của mẹ mà bị cáo vẫn không chịu hối cải, bắt đầu lại cuộc sống mới? Tuổi của bị cáo còn rất trẻ, tại sao bị cáo lại đi từ cái sai này đến cái sai khác?”. “Do bị cáo túng thiếu…”, câu trả lời nhỏ dần cùng cái cúi đầu thật sâu của H.

Vị chủ tọa phân tích: “Bị cáo đừng đổ lỗi cho cái nghèo. Rất nhiều người khó khăn, khốn cùng hơn bị cáo nhưng họ vẫn vươn lên bằng đôi tay lao động chân chính. Bị cáo có con rồi, phải nghĩ cho tương lai sau này của con mình chứ”. Im lặng hồi lâu, H. thút thít: “Bị cáo biết mình sai rồi. Bị cáo hối hận lắm. Vì mẹ, vì con, bị cáo hứa sẽ thay đổi, làm lại cuộc đời, mong hội đồng xét xử xem xét sớm trở về sửa sai”.

Giờ nghị án, H. quay về nhìn mẹ, hai mẹ con cùng bật khóc. Trong không gian ngột ngạt của phòng xử án, thảng hoặc vang lên tiếng động viên, nhắc nhở của người mẹ, lời xin lỗi và gởi gắm trẻ thơ của người con. Mức án 36 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản” là cái giá H. phải trả cho sự bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ. Hy vọng rằng H. sẽ quay về nẻo thiện sau khi mãn hạn tù như lời hứa trước tòa.

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.