Cái giá của sự buông thả

.

Họ đều là những người khỏe mạnh, đang trong độ tuổi căng tràn nhựa sống nhưng sống buông thả, lười lao động, thích hưởng thụ. Cám dỗ trước đồng tiền bất chính, họ thực hiện hành vi phạm tội và chôn tương lai tuổi trẻ trong chốn lao tù…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Phiên xử lưu động, đứng sau vành móng ngựa là bốn gương mặt trẻ tái xám với ánh mắt rũ xuống, bối rối tránh ánh nhìn của người dự khán. Hai bị cáo lớn tuổi nhất trong vụ án, T.Đ.L và N.V.Th, chỉ mới 22. Bị cáo nhỏ tuổi nhất là L.T.V, vừa tròn 19. Bị cáo còn lại là N.V.T, 21 tuổi.  

Các bị cáo đều sống tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang và cùng thiếu vắng sự quan tâm, giáo dục của gia đình nên bỏ bê việc học, thích tụ tập lêu lổng và quay cuồng trong những cuộc vui. Chung sở thích, cả bốn bị cáo nhanh chóng kết bạn. Để có tiền thỏa mãn thú vui, cả nhóm rủ nhau đi cướp của các phụ nữ chạy xe một mình. Từ cuối tháng 7 đến ngày 23-8-2016, các bị cáo đã thực hiện gần 30 vụ cướp giật trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng. Toàn bộ số tiền cướp được, cả nhóm “nướng” hết vào “nàng tiên nâu”.

Mới đây, TAND huyện Hòa Vang đã tuyên phạt L. 54 tháng tù, Th. 42 tháng tù, T. 36 tháng tù, V. 24 tháng tù. Án tuyên, các bị cáo òa khóc nức nở. Nhưng những giọt nước mắt hối lỗi muộn màng không thể giúp các bị cáo quay trở về điểm xuất phát để lựa chọn cách sống của bản thân…

2. Một vụ án khác, học đến lớp 12 thì M.T.H.T (SN 1985, ngụ huyện Hòa Vang) nghỉ học, lay lắt mưu sinh bằng công việc làm thuê. Không nghề nghiệp ổn định nhưng T. lại thích “vung tay quá trán” nên nợ nần chồng chất. Đến khi không còn khả năng chi trả, T. không thức tỉnh, thay đổi cách sống của bản thân mà tiếp tục tìm kiếm các địa chỉ vay tiền khác để thỏa mãn nhu cầu tiêu xài của bản thân.

Cũng giống như T., N.S.Tr (SN 1995, ngụ huyện Hòa Vang) cũng lười lao động nhưng thích hưởng thụ. Để có tiền tiêu xài, Tr. thường xuyên đăng tin quảng cáo cho vay tiền để tìm kiếm “bạn đồng hành”. Tháng 6-2015, T. đọc được tin quảng cáo vay tiền của Tr. nên đến gặp để vay tiền. Tr. không cho vay nhưng hướng dẫn T. dùng giấy tờ tùy thân của T. để mua hàng vay trả góp của các công ty tài chính rồi bán lại lấy tiền tiêu xài.

Nghe lời Tr., T. dùng CMND và hộ khẩu của mình để mua trả góp 1 điện thoại di dộng và máy điều hòa rồi bán lại cho Tr. Thấy thủ tục cho vay trả góp đơn giản, T. bắt đầu nảy sinh ý định mạo danh người khác để mua hàng vay trả góp nhằm chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 8-2015 đến tháng 10-2015, T. đã mượn giấy CMND và sổ hộ khẩu của nhiều người, thay đổi ảnh trong CMND đã mượn để làm thủ tục, ký hợp đồng vay trả góp. Đồng thời, T. nhờ Tr., C.T.H (SN 1971) mạo danh trả lời câu hỏi xác minh của nhân viên tín dụng. Với phương thức trên, nhóm của Tr. đã chiếm đoạt hơn 16 triệu đồng. Ngày 11-5, TAND thành phố Đà Nẵng xử sơ thẩm đã tuyên phạt T. 12 tháng tù, Tr. 9 tháng tù, H. 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

3. Trong khi đó, N.Đ.Nh (SN 1985, quê Quảng Nam, ngụ quận Sơn Trà) có công ăn việc làm ổn định nhưng không hài lòng với số tiền kiếm được từ sức lao động chân chính, nên quyết định thực hiện hành vi lừa đảo để nhanh chóng có được khoản tiền lớn.

Mặc dù là nhân viên một công ty chuyên về khoa học công nghệ nhưng Nh. “nổ” là nhân viên một ngân hàng lớn, có trụ sở tại Paris, đăng tin trên một trang web với nội dung: “Cho vay tiêu dùng giải ngân nhanh, trong vòng 3 giờ làm việc”. Trong lúc đang cần tiền, nhìn thấy lời quảng cáo, anh L.Đ.N (SN 1993, quê Quảng Bình, ngụ quận Hải Châu) liên lạc với Nh., thỏa thuận vay 200 triệu đồng. Nh. nhanh chóng nhận lời nhưng yêu cầu anh N. phải nộp thuế trước 10% (tương đương 20 triệu đồng) qua tài khoản ngân hàng. Anh N. không đồng ý mà đề nghị đi nộp số tiền trên cùng Nh.

Khi cả hai đến Cục Thuế Đà Nẵng, Nh. bịa chuyện quen với trưởng phòng, yêu cầu anh N. đưa tiền cho mình đi nộp. Anh N. nghi ngờ nên đòi đi theo. Lên đến tầng 3, Nh. giả vờ gọi điện thoại, sau đó nói với anh N. là trưởng phòng bận, kêu xuống tầng 1 đợi. Tại tầng 1, Nh. lại giả vờ nghe điện thoại rồi nói anh N. đứng chờ, đưa tiền để Nh. đem nộp. Sau đó, Nh. lên tầng 3, thay áo, đeo khẩu trang rồi bỏ trốn. Tuy nhiên, anh N. phát hiện kịp thời, tri hô, đuổi theo, cùng Tổ tuần tra chống cướp giật của Bộ đội Biên phòng thành phố bắt giữ Nh. Hành vi sai trái của Nh. đã phải trả giá bằng 12 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ở cả ba vụ án, hội đồng xét xử đều đau đáu khi hỏi các bị cáo: Tại sao đang ở độ tuổi trẻ, bị cáo lại không chí thú làm ăn, lao động chân chính? Chỉ vì giây phút đam mê vật chất mà đánh đổi bằng tương lai, tuổi trẻ của bản thân, bị cáo thấy có đáng không? Không hẹn nhau, các bị cáo đều cùng chung sự im lặng và mái đầu cúi thấp. Số ít trong các bị cáo không kìm được giọt nước mắt vỡ òa vì hối hận.
Những vụ án trên đây là bài học đắt giá, lần nữa gióng lên hồi chuông mạnh mẽ cảnh tỉnh những người sống buông thả với đồng tiền bất chính.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.