Hợp đồng của VTVcab là "chìa khóa" xác định vi phạm bản quyền

.

Trước việc VTVcab thông báo đã bị đối tác quốc tế thông báo ngừng cung cấp tín hiệu, yêu cầu VTVcab không truyền dẫn, phát sóng, quảng bá, phân phối các giải bóng đá UEFA Champions League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) vì vấn đề vi phạm bản quyền, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc đâu là “lỗi chính” khiến việc này xảy ra.

Vào ngày 27/8/2015, VTVcab từng công bố bản quyền phát sóng các giải bóng đá UEFA Champions League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) trong 03 mùa giải 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018. (Nguồn Vtv.vn)
Vào ngày 27/8/2015, VTVcab từng công bố bản quyền phát sóng các giải bóng đá UEFA Champions League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) trong 03 mùa giải 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018. (Nguồn Vtv.vn)

Phóng viên VietnamPlus đã trao đổi với Luật sư Trần Tám, (Công ty IPCOM), một chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ về vấn đề này.

- Thưa luật sư, vừa qua, VTVcab cho hay họ bị cắt bản quyền các giải bóng đá UCL và UEL vì không bảo vệ được bản quyền khi mà nhiều trang tin điện tử đăng tải những đoạn clip được cắt ghép từ các trận đấu thuộc hai giải bóng đá trên; các đơn vị truyền hình truyền dẫn trái phép… Ở góc độ người nghiên cứu và làm việc lâu năm trong lĩnh vực luật về sở hữu trí tuệ, chị đánh giá việc này thế nào?

Luật sư Trần Tám: Về góc độ bản quyền, việc VTVcab bị cắt sóng chương trình các trận đấu thuộc hai giải bóng đá UCL và UEL do không đảm bảo được việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên lãnh thổ Việt Nam là hoàn toàn hợp lý phù hợp với các quy định của pháp luật, những cam kết cũng như thông lệ quốc tế về việc đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

- Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính của việc này là bởi VTVcab phát sóng giải đấu trên VTV3, trong khi đây là chương trình được phát sóng rộng rãi, có nhiều đơn vị truyền dẫn phát lại trên kênh của mình chứ chưa hẳn là bởi các trang tin điện tử. Luật sư nghĩ thế nào về việc này?

Luật sư Trần Tám: Để khẳng định được ai là người có lỗi chúng ta cần phải được dẫn chiếu từ hợp đồng cung cấp bản quyền chương trình truyền hình được ký kết giữa VTVcab và đơn vị sở hữu bản quyền là KJ Sport n Media (KJSM) xem phạm vi họ được phát sóng, sử dụng các hình ảnh, clip đến đâu, cũng như các nghĩa vụ đảm bảo việc bảo vệ bản quyền chương trình truyền hình với KJSM.

Xét về địa vị pháp lý, đơn vị được phép phát sóng chương trình truyền hình này tại Việt Nam là VTVcab độc lập về tư cách pháp nhân với Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Do đó, đứng dưới góc độ pháp lý, việc chương trình này được truyền dẫn phát lại trên kênh VTV3 có được phép hay không thì phải được tham khảo Hợp đồng cung cấp bản quyền truyền hình hai giải đấu UCL và UEL giữa VTVcab và KJSM.

- Việc VTVcab bị cắt sóng giải đấu một lần nữa lại gióng lên hồi chuông về quản lý bản quyền và vi phạm bản quyền tại Việt Nam. Ở góc độ người làm luật về sở hữu trí tuệ, chị đánh giá vấn đề này như thế nào?

Luật sư Trần Tám: Thiệt hại đầu tiên, chắc chắn là dành cho khán giả hâm mộ. Tuy nhiên, người hâm mộ không hoàn toàn vô can trong vụ việc này. Lỗi của họ là sự nhận biết về bản quyền còn hạn chế, dẫn đến việc vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chừng nào còn có khán giả xem những chương trình truyền hình không có bản quyền chừng đó còn có đơn vị truyền dẫn bất hợp pháp.

Thiệt hại thứ hai thuộc về VTVcab, trong vụ việc này họ bị thiệt hại rất lớn, tiền bạc chỉ là vấn đề trước mắt, uy tín của họ trước các đối tác mới thực sự quan trọng trong việc hợp tác bản quyền về lâu dài.

Tuy nhiên, trước khi xem đến vấn đề thiệt hại của họ cũng cần phải xem xét đến việc họ có làm đúng hợp đồng với đối tác hay không, có thực sự nỗ lực trong việc bảo vệ quyền của mình tại Việt Nam hay không?

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam là công việc khó nhưng không phải không làm được. Hầu hết các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam chưa được xử lý hiệu quả vì chủ thể chưa lựa chọn được cơ quan thực thi đúng thẩm quyền, cách thức xử lý đúng mục tiêu mong muốn.

- Luật pháp Việt Nam quy định xử phạt trong vi phạm bản quyền như thế nào? Các hình thức này theo chị đã đủ sức răn đe chưa?

Luật sư Trần Tám: Điều 30 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định hành vi phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng có thể bị xử phạt từ 70-100 triệu đồng đối với cá nhân, hành vi vi phạm thuộc về tổ chức thì gấp đôi mức xử phạt.

Bên cạnh hình thức xử phạt chính là phạt tiền còn có hình thức xử phạt bổ sung là các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc dỡ bỏ bản sao bản định hình chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số.

Đủ sức răn đe hay chưa, tôi cho rằng nó phụ thuộc nhiều hơn vào việc đã có đơn vị nào bị xử phạt tại Việt Nam hay chưa và ai là người đưa ra yêu cầu xử phạt đó.

 

- Theo chị, trong lúc chờ đợi các cơ quan có thêm các chế tài mạnh mẽ, đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình nên làm gì để bảo vệ mình?

 

Luật sư Trần Tám: Cần nhấn mạnh thực thi quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc rất nhiều vào các cá nhân tổ chức (người bị xâm phạm). Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không có nghĩa vụ thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền cho tổ chức, cá nhân nào đó nếu không có yêu cầu từ họ bởi đây là quan hệ dân sự.

Như trên tôi có nói đến việc đủ sức răn đe hay chưa phụ thuộc vào ai là người đưa ra yêu cầu xử phạt. Và tất nhiên áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa vi phạm, tự bảo vệ mình quan trọng hơn rất nhiều so với việc phải xử lý vi phạm khi hành vi đó xảy ra, một mặt đảm bảo quyền lợi cho khách hàng của mình (các khán giả) mặt khác đảm bảo uy tín trước đối tác phục vụ cho những hoạt động hợp tác trong tương lai.

- Xin cảm ơn luật sư!

;
.
.
.
.
.