Ký sự Pháp đình

Cái giá của cơn giận

.

Chỉ vì phút “giận mất khôn” mà bốn thanh niên tuổi đời còn trẻ phải khép lại tương lai nơi chốn vĩnh hằng hay những ngày dài trong chốn lao tù.

Chỉ vì phút “giận mất khôn” mà bốn thanh niên tuổi đời còn trẻ phải khép lại tương lai nơi chốn vĩnh hằng hay những ngày dài trong chốn lao tù.
Chỉ vì phút “giận mất khôn” mà bốn thanh niên tuổi đời còn trẻ phải khép lại tương lai nơi chốn vĩnh hằng hay những ngày dài trong chốn lao tù.

Đứng trước vành móng ngựa là ba gương mặt “búng ra sữa”, bối rối trước ánh nhìn của chủ tọa phiên tòa. Nguồn cơn của nỗi đau xuất phát từ bị cáo nhỏ tuổi nhất trong vụ án, Đ.N.K (ngụ quận Thanh Khê), 17 tuổi. Hai bị cáo còn lại, P.N.B (ngụ quận Thanh Khê) và C.T.H (ngụ quận Sơn Trà) trạc 22 tuổi. Cả ba bị cáo đều bỏ học giữa chừng và không có nghề nghiệp, thường xuyên tụ tập, lêu lổng.

Nạn nhân trong vụ án này cũng là một người trẻ, anh T.N.A.P, chỉ mới 21 tuổi, đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.

Câu chuyện xuất phát từ sự việc tưởng chừng như vụn vặt. Tối 17-1-2017, K. điều khiển xe máy lưu thông ngược chiều thì xảy ra va quẹt với anh N.V.A (SN 2001). Va quẹt nhỏ, cơn giận lớn, cả hai nảy sinh xích mích dẫn đến cự cãi, đánh nhau nhưng không gây thương tích. Tưởng chừng như mâu thuẫn kết thúc khi cả hai rời đi, nhưng lửa giận nhen nhóm trong lòng một người trẻ bỗng bùng phát dữ dội khiến chuyện nhỏ hóa lớn rồi biến thành thảm kịch...

Chưa nguôi nỗi bực bội, K. chạy đi mượn điện thoại của một người dân và gọi cho B. nhờ mang theo cây ba trắc đến trợ giúp đánh A. Nghe vậy, B. gọi H. đi cùng. Khi đi, B. mang theo con dao, đưa H. một cây ba trắc. Đến nơi, cả nhóm chạy đi tìm A. Vừa thấy nhóm K. mang theo hung khí đến, A. hốt hoảng chạy vào một ngôi nhà trên đường Lê Duẩn và cầu cứu anh T.N.G.P (SN 1996) đang nằm ngủ. Khi anh P. đi xuống trước cửa nhà thì gặp K. Hai bên lời qua tiếng lại, K. xông vào đánh anh P. Lúc vùng thoát khỏi K., anh P. chạy vào nhà lấy ghế nhựa ném về phía K. và cầm tuýp sắt đập vào đuôi xe của B. Thấy vậy, B. rút dao thủ trong người ra. Hoảng sợ, anh P. bỏ chạy vào nhà nhưng bị B. đuổi kịp, đâm 2 nhát. Sau đó, K., B. và H. rời khỏi hiện trường. Khi hay tin anh P. qua đời, cả ba liền đến Cơ quan Công an quận Thanh Khê đầu thú.

Đứng sau vành móng ngựa, gương mặt K. tái xám trước câu hỏi của hội đồng xét xử: “Tại sao chưa đủ tuổi chạy xe mà bị cáo vẫn mượn xe của người khác để đi? Tại sao bị cáo đi sai luật còn đánh người?”. K. lí nhí biện minh: “Bị cáo tuổi trẻ nên thiếu hiểu biết…”. Chủ tọa giải thích: “Bị cáo nói bị cáo còn nhỏ, vậy tuổi trẻ không biết thì phải học, phải chấp hành luật chứ”. Bị cáo im lặng.

Tòa lại hỏi: “Tại sao người ta đã bỏ chạy rồi mà bị cáo vẫn đuổi theo? Tại sao anh P. không có liên quan gì đến mâu thuẫn trong vụ va quẹt xe mà bị cáo vẫn xích mích rồi giằng co với nạn nhân?”. K. bối rối: “Lúc đó bị cáo tính đi về rồi, nhưng tại anh P. chửi bị cáo”. “Anh P. chửi bị cáo như thế nào”. “Anh P. nói “Mi ở mô mà tới đây làm loạn rứa?”. “Anh P. nói vậy có đúng không?”. K. cúi đầu, lúng búng: “Dạ đúng”.

Tòa hỏi B. và H.: “Tại sao sự việc không liên quan đến mình nhưng khi K. điện thoại rủ đi lại mang theo hung khí?”. Cả hai khai là bạn bè thân thiết cùng xóm, bạn có việc không giúp đỡ cũng kỳ nên mới đi theo. Hội đồng xét xử thẩm vấn: “Bạn bè đâu có nghĩa là tương trợ nhau làm điều xấu, điều sai trái. Nếu là bạn bè thì lẽ ra hai bị cáo phải khuyên nhủ K. bỏ qua, “dĩ hòa vi quý”. Đằng này, các bị cáo lại chủ động mang theo hung khí”. B. và H. thinh lặng, đan chặt những bàn tay run rẩy vào nhau.

Tòa hỏi B. tại sao lại tước đoạt mạng sống của nạn nhân, B. mếu máo: “Lúc đó bị cáo đang đứng ngoài để trông giữ xe thì anh P. dùng gậy đánh vào đuôi xe của bị cáo và có trúng một cái vào tay bị cáo nên bị cáo tức giận…”. Tòa chất vấn: “Chỉ vì chuyện như vậy mà bị cáo đâm nạn nhân có đáng không? Khi anh P. đã bỏ chạy rồi, tại sao bị cáo không dừng lại mà vẫn tiếp tục chạy theo để đâm nạn nhân 2 nhát?”. B. không trả lời, trên gương mặt non nớt lấp loáng giọt nước mắt hối lỗi muộn màng.

Tham dự phiên tòa, tôi bất giác nhớ đến những câu viết của Les Carter trong “Cái bẫy của cơn giận”: “Chúng ta không làm chủ bản thân, thiếu kiềm chế, cứ để nóng giận kéo đi vì những chuyện rất nhỏ”. Trong vụ án này, rõ ràng, sự việc không đến mức vượt quá tầm kiểm soát. Hàng loạt thời khắc có thể dừng lại để không xảy ra án mạng nhưng các bị cáo đã không làm chủ được cơn giận nhất thời, khiến chuyện nhỏ hóa thành chuyện lớn. Cuối cùng, một người trẻ đã nằm xuống, khép lại ước mơ dang dở; ba người trẻ còn lại phải trả giá cho hành vi nông nổi của mình với mức án tù chung thân của B. và mức án 13 năm tù cùng dành cho K. và H. về tội “Giết người”.

Trước những sự xích mích, dân gian thường nhắc nhở nhau: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Tiếc thay, các bị cáo đã không dập tắt được lửa giận khiến mình hành xử thiếu lý trí, gây ra hậu quả tang thương cho người khác và đốt cháy cả tương lai, lương tâm của mình nơi chốn lao tù.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.