Bộ Công an yêu cầu cung cấp tư liệu về thuế của Uber, Grab

.

Cục cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế cung cấp tài liệu, văn bản liên quan đến việc thu thuế của 2 doanh nghiệp vận tải Uber và Grab.

Uber, Grab đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khiến taxi truyền thống lao đao
Uber, Grab đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khiến taxi truyền thống lao đao

Để có cơ sở trả lời cơ quan Cảnh sát và báo chí, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính vừa yêu cầu Cục Thuế TPHCM thực hiện thanh tra đối với Công ty TNHH Uber BV Hà Lan tại Việt Nam, Công ty TNHH Grab Việt Nam và các công ty taxi truyền thống.

Nghịch lý nhiều xe nhưng nộp ít... thuế!

Văn bản trên do ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ký. Yêu cầu thanh tra của Tổng cục Thuế được đưa ra 1 ngày sau cuộc đối thoại về vận tải hành khách bằng xe taxi và các nội dung thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hôm 28/6.

Cục Thuế TPHCM phải thu thập dữ liệu thực hiện thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế từ khi thành lập đến nay của Uber và Grab. Cùng đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục thuế TPHCM lựa chọn thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với 2 doanh nghiệp taxi truyền thống trên địa bàn.

Trước đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp taxi truyền thống phải “gánh” rất nhiều loại thuế, phí, trong khi đó xa Uber, Grab lại hưởng thuế chỉ 4-5% doanh thu - mức “chênh lệch” khá xa so với mức thuế mà các doanh nghiệp taxi truyền thống đang phải đóng.

Cụ thể, chỉ tính riêng 30.000 xe taxi ở Hà Nội và TPHCM, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp phải đóng cho Nhà nước 2.000 tỷ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, với 31.000 xe hợp đồng đang hoạt động như taxi, phần lớn tham gia loại hình ứng dụng công nghệ như Uber, Grab thì trung bình mỗi năm ngành thuế chỉ thu được 20 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, trong chừng mực nào đó, Bộ Tài chính còn thiếu trách nhiệm trong quản lý thu thuế đối với loại hình xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab.

Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TPHCM báo cáo kết quả thanh tra đối với Uber, Grab và 2 doanh nghiệp taxi truyền thống về Tổng cục Thuế trước ngày 30/7.

Ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - nhấn mạnh: “Việc khai nộp thuế của Uber, Grab bắt đầu thời điểm nào, đã nộp thuế cho giai đoạn nào, người thực hiện kê khai, nộp thuế, tỷ lệ tính thuế, tổng số thuế đã nộp, chi tiết theo năm, theo sắc thuế, so với taxi truyền thống thì khác nhau như thế nào”.

Uber “trốn” thuế, Grab vô can?

Hôm 28/6, tại cuộc đối thoại về vận tải hành khách bằng xe taxi và các nội dung thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử do Bộ GTVT tổ chức, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đến thời điểm này chính sách thuế áp dụng với taxi đã có hướng dẫn cụ thể đối với từng loại hình. Hiện nay thu thuế có 2 hình thức là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế gia trị gia tăng. Chính sách thuế đang bình đẳng, giống nhau và không có sự phân biệt.

Về vấn đề “trốn” thuế của Uber, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, doanh nghiệp này đang có hàng nghìn xe đang kinh doanh tại Việt Nam, nhưng Công ty mẹ không ở Việt Nam, không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, không có sổ sách hạch toán tại Việt Nam nên không trực tiếp kê khai thuế.

Cơ quan thuế phải áp dụng thu thuế của Uber theo doanh thu, trong đó 3%/doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và 2%/doanh thu là thuế giá trị doanh nghiệp, riêng cá nhân tham gia kinh doanh vận tải chỉ phải nộp 1,5%/doanh thu”.

Đại diện Tổng cục Thuế thừa nhận chưa thu được thuế của Uber trong các năm 2014 - 2015 Uber, mặc dù Bộ Tài chính liên tục đôn đốc nhưng Uber vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Cơ quan này đề nghị Bộ GTVT xem xét lại mô hình kinh doanh của Uber tại Việt Nam, đề nghị Uber nên thành lập pháp nhân tại Việt Nam, kinh doanh như một doanh nghiệp Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thuế như các doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía Grab, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam - vừa lên tiếng phủ nhận việc trốn thuế. Bà An khẳng định, Grab Việt Nam luôn nỗ lực tối đa tuân thủ các chính sách thuế nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, có chế độ lưu trữ sổ sách phù hợp với quy định pháp luật và quy tắc thực hành kế toán của Việt Nam.

“Nhờ vào hệ thống kiểm soát giao dịch tự động và minh bạch, sử dụng công nghệ, phần mềm được cấp phép của cơ quan thuế, chúng tôi đã thực hiện tự động hoàn toàn việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng điện tử cho khách hàng và phát hành tờ khai khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho các đối tác hàng năm đúng quy định của pháp luật. Việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào Ngân sách Nhà nước của Grab Việt Nam luôn tăng trưởng gần 300% mỗi năm” - bà An thông tin.

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.