Ký sự Pháp đình

Game ảo, trả giá thật

.

Tương lai của một người trẻ đột ngột rẽ lối nơi chốn lao tù chỉ vì đam mê thế giới ảo mà bỏ quên pháp luật…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

V.Q.C (SN 1995, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn. Cha mẹ của C. ngày ngày miệt mài “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với công việc đồng áng để chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp THPT, C. thi đậu vào một trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hôm hay tin mừng, cha mẹ C. ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Từ đó, họ ra sức lao động với khao khát C. sẽ trở thành người thành đạt.

Vất vả làm lụng được bao nhiêu tiền, cha mẹ của C. đều góp nhặt, nhịn ăn nhịn mặc để gửi cho con mỗi tháng 2 triệu đồng chi tiêu. Thương cha mẹ vất vả, C. xin đi làm thêm để đỡ đần gánh mưu sinh. Không nề hà khó nhọc, C. chăm chỉ phục vụ ở các quán cà phê, quán nhậu. Về sau, bận rộn việc học, C. chuyển sang công việc trông coi quán Internet theo ca.

Ngày ở quê, C. vẫn thường ao ước có một chiếc máy tính để vừa học vừa chơi nhưng gia đình nghèo khó không thể đáp ứng mong muốn của C. Cũng vì vậy, khi làm ở quán Internet, C. như con thiêu thân lao vào khám phá thế giới ảo rồi từ từ đắm chìm vào các trò chơi trực tuyến. Say mê, C. ngồi miệt mài từ ngày này sang ngày khác để thỏa thích với trò chơi điện tử. Từ đó, sức học của chàng sinh viên ham học giảm sút đáng kể, C. thường xuyên nợ môn, thi lại.

Trầy trật lắm, C. mới tốt nghiệp đại học. Sức khỏe cha mẹ ngày càng già yếu, không thể “viện trợ” C. thêm được nữa. Trong khi đó, C. không xin được công việc đúng ngành nghề đã học mà trở thành nhân viên bán hàng tại một cửa hàng điện máy. Mặc dù đã có công ăn việc làm, C. vẫn không từ bỏ được thế giới ảo, thường xuyên đắm chìm thâu đêm suốt sáng với trò chơi điện tử đến nỗi phải nghỉ việc. Thất nghiệp, C. không lo lắng đi tìm việc mới mà tiếp tục lao vào chơi game. Chỉ trong thời gian ngắn, C. hết tiền, phải mang điện thoại đi cầm lấy 2,2 triệu đồng. Vẫn chưa thức tỉnh, C. “nướng” hết số tiền này vào game. Đến khi túng quẫn, C. nảy sinh ý định lừa đảo những người chạy xe ôm.

Sáng 29-3-2017, C. bắt chuyện với ông N.V.V (SN 1965, ngụ quận Thanh Khê), giả vờ nói đã cầm một điện thoại nhưng không có tiền chuộc, hiện có người trả giá cao hơn nên nhờ ông V. chuộc giúp và sẽ gửi lại tiền. Nhìn chàng thanh niên với ngoại hình thư sinh, giọng nói lễ phép, ông V. mủi lòng nên vét hết tiền trong túi cho C. mượn. Sau khi chuộc được chiếc điện thoại, ông V. chở C. đến một quán cà-phê để bán. Đợi hồi lâu nhưng không thấy C. quay lại, ông V. mới ngậm ngùi phát hiện mình bị lừa. Còn C., sau đó mang chiếc điện thoại đi cầm lại và tiếp tục sử dụng chiêu thức này để lừa hai người xe ôm khác trong cùng ngày.

Hôm tòa xử, nhìn C. líu ríu đứng sau vành móng ngựa, vị chủ tọa không giấu được tiếng thở dài: “Bị cáo có học vấn nhưng tại sao lại lạc lối đến bước đường như hôm nay?”. C. lí nhí: “Tại bị cáo mê game…”. Chủ tọa nhẹ nhàng: “Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có nghĩ đến ngày hôm nay không? Cha mẹ của bị cáo nhọc nhằn nuôi bị cáo khôn lớn, bị cáo có nghĩ đến cha mẹ không? Cái giá phải trả cho việc mê game của bị cáo có đắt không, có đáng không?”. Lời nói cuối cùng, bị cáo nấc nghẹn, khẩn thiết xin hội đồng xét xử cho mình một mức án nhẹ để có thể sớm làm lại cuộc đời.

Tòa tuyên án C. mức án 9 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhiều người dự khán không nén được tiếng thở dài nuối tiếc trước sự bồng bột của chàng trai tuổi 22. Nếu không say mê thế giới ảo, giờ đây, có thể C. đã có công việc ổn định và phụ giúp cha mẹ già yếu. Nếu không say mê thế giới ảo, C. có thể vẫn đang là chàng thanh niên hào hứng với những dự định trong tương lai. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người vẫn đang vùi đầu trong thế giới ảo…

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.