Ký sự Pháp đình

Bị cáo tuổi 17

.

Ở độ tuổi 17, trong khi những người đồng trang lứa đang miệt mài học tập, bị cáo lại tô vẽ những vết mực đen vào cuộc đời mình…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ánh nắng chiếu xuyên qua vòm lá hắt những vệt loang lổ đổ xuống người đứa trẻ tròm trèm 8 tháng đang được người phụ nữ luống tuổi ẵm bồng. Đó là con và mẹ của bị cáo V.T.H.L (SN 1999, sống lang thang, không đăng ký nơi cư trú).

Người mẹ đến từ miền quê nghèo của tỉnh Phú Yên đã vượt chặng đường dài để có mặt tại phiên tòa xét xử con gái tại TAND quận Cẩm Lệ. Giàn giụa nước mắt, bà kể: “Vợ chồng tôi làm nông, suốt ngày cắm mặt vào ruộng đồng nhưng chưa bao giờ bỏ bê con cái. Chúng tôi luôn uốn nắn, dạy dỗ con từng ly từng tý. Nhưng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, L. luôn tỏ ra ngang bướng và muốn làm những điều trái khoáy. Trong khi bạn bè ngày ngày chăm chỉ cắp sách đến trường, L. lại vặn vẹo tôi: “Học để làm gì?”. Vợ chồng tôi khuyên nhủ nhẹ nhàng đến đòn roi nghiêm khắc nhưng vẫn không thể thay đổi được tính tình của con”.

Năm L. 11 tuổi, bà thấy trong túi con có tiền nên gặng hỏi. Đáp trả lại sự lo lắng của bà là nỗi bực bội của L.: “Của con, mẹ hỏi làm gì?”. Nghi ngờ con làm điều sai trái, bà để tâm theo dõi nhưng không phát hiện ra nguyên nhân. Đến giữa tháng 6-2011, vợ chồng bà mới bật ngửa khi nhận được giấy mời từ Công an thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) về việc L. bị bắt giữ vì hành vi trộm cắp.

Đưa tay quệt vội dòng nước mắt, người mẹ thổn thức: “Tôi không ngờ con bé lại cả gan thực hiện trên dưới 50 vụ trộm cắp”. Theo thống kê, chỉ riêng trong tháng 5-2011, L. đã thực hiện khoảng 9 phi vụ, trộm gần 24 chỉ vàng, 1 máy tính xách tay, 2 điện thoại di động và hơn 12 triệu đồng.

Nuốt nước mắt vào lòng, vợ chồng bà xót xa ký vào đơn chấp thuận đưa con vào trường giáo dưỡng. Những tưởng quãng thời gian giáo dưỡng tại trường sẽ khiến L. đổi thay và trở về nẻo thiện. Nào ngờ, ngày trở về, L. vẫn chứng nào tật nấy, đi chơi thâu đêm suốt sáng. Không muốn con sống cuộc đời lông bông, vợ chồng bà động viên L. đi học nghề. Ai dè, L. đột ngột bỏ nhà ra đi, không một lời thưa gửi với người thân. Vợ chồng bà lo lắng, đôn đáo đi tìm con khắp nơi. Vài tháng sau, bà mới hay tin con gái đang ở Đà Nẵng.

Tại Đà Nẵng, L. lang bạt khắp nơi, không cư trú ổn định tại một chỗ, sống bấp bênh qua ngày nhờ những công việc như bưng bê quán cơm, tiếp viên quán nhậu… Trong thời gian này, L. làm quen với khá nhiều người, trong đó có N.Đ.H (ngụ quận Liên Chiểu). Khuya 3-7-2016, L. cùng H. và một số người bạn cùng ngồi nhậu ở đường Tôn Đản. Trong lúc trò chuyện, H. nghi ngờ L. đã trộm tiền của nhà mình. Khẳng định mình không trộm tiền, L. tức giận cho rằng H. vu khống, sỉ nhục mình trước mặt bạn bè. Trong lúc cãi vã, L. xô bạn ngã xuống đất và dùng dao đâm H. gây thương tích 49%. Hoảng sợ, L. nhờ một người bạn chở đến ngã ba Huế rồi đưa người này 60.000 đồng nhờ quay trở lại hiện trường chở H. đi cấp cứu.

Sau khi gây án, L. sống vất vưởng khắp nơi và mang thai. Hôm bị bắt, L. có thai được 4 tháng. Để tạo điều kiện cho L. sinh con, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho L. được tại ngoại. Nào ngờ, L. vẫn “ngựa quen đường cũ”, có hành vi trộm cắp tài sản ngay sau khi được tại ngoại.

Tại phiên xử, L. biện minh: “Hồi xưa, bị cáo từng trộm cắp nhưng đã quyết tâm từ bỏ, đi làm kiếm tiền. Vì vậy, khi nghe bị vu oan, bị cáo tức giận, không làm chủ được cảm xúc. Bị cáo hối hận lắm”. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, TAND quận Cẩm Lệ xử sơ thẩm quyết định tuyên phạt L. 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Án tuyên, L. thất thểu ra xe về trại giam. Bồng cháu trai, mẹ của L. dường như ngã quỵ giữa sân tòa. Tiếng trẻ thơ khóc thét bất chợt vang lên, L. ngoái đầu nhìn người thân, rưng rức. Phiên tòa vãn, cha mẹ của bị cáo vẫn ôm cháu đứng ngơ ngác. Nhìn chồng, bà nghẹn ngào: “Ông ơi, đứa nhỏ rồi sẽ lớn lên như thế nào khi thiếu vắng tình thương của cả cha lẫn mẹ…”.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.