Nhiều quy định mới về mức thu phí

.

Kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa IX đã thông qua các nghị quyết quy định về mức phí, công tác quản lý và sử dụng nguồn thu từ các loại phí.

Theo đó, kỳ họp đã thông qua các nghị quyết về quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố; quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt từ nguồn nước tự khai thác trên địa bàn thành phố; quy định mức thu học phí, học phí học lại của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc thành phố quản lý năm học 2017-2018; giữ nguyên học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2017-2018.

Phí bảo vệ môi trường

Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn Đà Nẵng kể từ ngày 1-3-2017 là các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự khai thác để sử dụng ở 6 quận Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Thanh Khê, do các phường thực hiện thu. Đồng thời, thay đổi tỉ lệ trích từ tổng số thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt từ nguồn nước tự khai thác để lại cho phường từ 15% theo quy định tại Quyết định số 04/2014/QĐ/UBND của UBND thành phố lên 25%, bằng mức trích tối đa theo Nghị định 154/NĐ-CP để chi phí phục vụ công tác thu; 75% số thu phí còn lại nộp vào ngân sách phường được sử dụng cho công tác phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải và công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Theo báo cáo từ UBND thành phố, nguồn thu phí bảo vệ môi trường từ nước thải sinh hoạt từ nguồn nước tự khai thác từ năm 2013 đến nay hầu như không phát sinh, việc khai thác nguồn thu từ lĩnh vực này chưa hiệu quả.

Cụ thể, các năm 2013, 2014, 2015 không phát sinh số thu; năm 2016 thu được gần 1,1 tỷ đồng; từ đầu năm 2017 đến nay không có số thu.

Hiện nay, dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải chuyển sang hoạt động theo cơ chế giá và được áp dụng từ ngày 1-3-2017 ở 6 quận trên địa bàn, trong đó quy định rõ: đối với hộ dân cư: sử dụng từ 1-10m3/hộ/tháng có mức giá 580.000 đồng/tháng; từ 11-30m3/hộ/tháng là 688.000 đồng/tháng; trên 30m3/hộ/tháng trở lên là 849.000 đồng/tháng; cơ quan hành chính, sự nghiệp là 956.000 đồng/tháng; cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp là 2,324 triệu đồng/tháng; cơ sở kinh doanh, dịch vụ là 3,503 triệu/tháng.

Đối với quy định mức thu phí bảo vệ môi trường hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố bằng mức phí quy định tại Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND đã áp dụng trong nhiều năm qua, đồng thời cũng là mức phí tối đa được quyết định tại Nghị quyết số 164/2016/NQ-CP; mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng trong danh mục quy định. Cụ thể, mức phí bảo vệ môi trường của một số loại khoáng sản như với quặng sắt là 6.000 đồng/tấn; quặng vàng 270.000 đồng/tấn; quặng chì, kẽm 270.000 đồng/tấn... Với khoáng sản không kim loại như đá làm vật liệu xây dựng thông thường là 5.000 đồng/m3; cát trắng 7.000 đồng/m3; cát vàng 5.000 đồng/m3; các loại cát khác 4.000 đồng/m3...

Học phí giáo dục mầm non, phổ thông công lập

Đối với mức thu học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2017-2018 giữ nguyên như mức thu năm học 2016-2017; đồng thời, điều chỉnh tăng mức thu học phí, học phí học lại tại các trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng và Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật năm học 2017-2018.
Cụ thể, tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng khối ngành Kinh tế: hệ trung cấp tăng từ 350.000 đồng/tháng/sinh viên lên 520.000 đồng/tháng/sinh viên, hệ cao đẳng tăng từ 420.000 đồng lên 590.000 đồng; khối ngành may mặc, thiết kế thời trang: hệ trung cấp từ 310.000 - 610.000 đồng, cao đẳng từ 430.000 - 700.000 đồng; khối ngành kỷ thuật, hệ trung cấp từ 360.000 - 610.000 đồng, hệ cao đẳng tăng từ 530.000 - 700.000 đồng/tháng/sinh viên. Riêng mức thu phí học lại giữ nguyên với hệ trung cấp thu 2.700 đồng/tiết/sinh viên, hệ cao đẳng là 3.700 đồng/tiết/sinh viên.

Đối với Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật, tương tự với chuyên ngành Nghệ thuật hệ trung cấp tăng từ 480.000 đồng/tháng/sinh viên lên 530.000 đồng, hệ cao đẳng tăng từ 530.000 đồng lên 580.000 đồng; chuyên ngành Văn hóa hệ trung cấp tăng từ 430.000 đồng lên 470.000 đồng, hệ cao đẳng tăng từ 460.000 đồng lên 550.000 đồng/tháng/sinh viên. Mức thu này áp dụng cho cả trường hợp học lại.

Phí, lệ phí tham quan các công trình văn hóa

Sở Tài chính Đà Nẵng cho biết, ngay từ đầu năm, thực hiện Luật Phí và lệ phí, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về các loại phí thuộc thẩm quyền HĐND quyết định; đặc biệt, đối với mức phí tham quan tại các công trình văn hóa, danh thắng cảnh trên địa bàn thành phố được giữ nguyên, chỉ mở rộng thêm các đối tượng được miễn, giảm.

Cụ thể, phí tham quan công trình văn hóa Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng có mức thu 20.000 đồng/người/lần tham quan. Giảm 50% cho đối tượng là sinh viên, giảm hoàn toàn cho người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa quy định tại điều 2 Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14-8-2003, người khuyết tật có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Chính phủ, người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên, người dưới 18 tuổi. Đối với hai lại phí này, cơ quan thu phí được hưởng 100% số phí thu được, trong đó dành ít nhất 20% tổng thu để chi cho công tác bảo quản, phục chế hiện vật, tu bổ và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho khách tham quan.

Phí tham quan công trình Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng quy định mức thu 40.000 đồng/người lớn/lần tham quan và 5.000 đồng/sinh viên/lần tham quan. Với loại phí này, 70% tổng thu được để lại cho Bảo tàng, 30% còn lại nộp ngân sách Nhà nước. Đồng thời, giảm 50% đối với người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa quy định tại điều 2 Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14-8-2003, người khuyết tật có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Chính phủ, người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên. Giảm hoàn toàn thu phí đối với người khuyết tật nặng theo quy định của Chính phủ, người dưới 18 tuổi.

HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.